TTXVN-VNA | 30-11-2016 | 10:45 |
Cô Tô khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế biển
Là huyện đảo tiền tiêu nằm ở vùng Đông Bắc của Tổ quốc, Cô Tô có tiềm năng rất lớn để phát triển kinh tế biển. Trên thực tế, nhiều năm qua, Cô Tô đã chú trọng phát triển các lĩnh vực khai thác, chế biến thuỷ sản, dịch vụ biển, du lịch... qua đó tạo sự bứt phá về tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
* Phát huy thế mạnh
Huyện đảo Cô Tô nằm ở phía Đông của đảo Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, giữ vị trí chiến lược trong vùng biển Đông Bắc của Tổ quốc nên được coi là đảo tiền tiêu. Ngoài phần diện tích đất tự nhiên là trên 4.000 ha, Cô Tô còn sở hữu vùng biển (cũng là vùng ngư trường) rộng trên 300 km2 cùng hơn 50 hòn đảo lớn, nhỏ tạo thành quần đảo Cô Tô.
Với diện tích biển, đảo rộng lớn, huyện đảo Cô Tô có nhiều sản vật quý như: Ngọc trai, tôm hùm, cầu gai, bào ngư… và gần 1.000 loài cá, trong đó khoảng 60 loài có giá trị kinh tế cao, có trữ lượng lớn, là đối tượng đánh bắt thường xuyên như: Cá hồng, song, mú, thu, chim... Bên cạnh tiềm năng về hải sản, Cô Tô còn rất giàu tiềm năng du lịch bởi môi trường trong lành, quang cảnh thiên nhiên kỳ vĩ, cùng với những bãi biển hoang sơ tuyệt đẹp như: bãi Vàn Chảy, bãi Hồng Vàn, bãi Bắc Vàn…
Trước một diện tích mặt nước biển, ngư trường khai thác thủy hải sản rộng và có trữ lượng lớn, lãnh đạo huyện Cô Tô đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo ngư dân chuyển đổi phương thức khai thác, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản; hỗ trợ người dân cải hoán, đóng mới phương tiện khai thác thuỷ sản, đồng thời thu hút các nhà đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh thuỷ sản theo hướng sản xuất hàng hoá lớn, có năng suất và chất lượng cao, có sản phẩm đa dạng để xuất khẩu và phục vụ du lịch; kết hợp hài hoà giữa khai thác theo quy hoạch với phát triển nuôi trồng thuỷ sản và dịch vụ nghề cá; gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, bảo vệ nguồn lợi và môi trường sinh thái, bảo đảm phát triển bền vững… Đồng thời, quan tâm đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng như nâng cấp, mở rộng các hồ chứa nước trên các đảo; xây dựng Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Vịnh Bắc Bộ…
Nhờ đó, giai đoạn 2010-2015, tổng sản lượng thủy sản khai thác trên địa bàn Cô Tô đạt trên 50.200 tấn, tổng giá trị thành phẩm đạt trên 441 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong vài năm gần đây, huyện đảo có nhiều mô hình kinh tế biển rất hiệu quả. Điển hình là mô hình nuôi trồng thuỷ sản bãi triều, mặt nước cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm; cá biệt có hộ thu nhập hàng tỷ đồng/năm nhờ khai thác và chế biến sứa biển… Huyện cũng đã thành lập 2 hội nghề cá với trên 200 hội viên và 38 cơ sở chế biến hải sản với tổng sản lượng đạt 850 tấn/năm.
Bên cạnh đó, phát huy lợi thế về tiềm năng du lịch biển đảo, trong những năm qua, lĩnh vực dịch vụ-du lịch của Cô Tô cũng ngày càng được đầu tư phát triển, từng bước khẳng định vai trò của mình trong cơ cấu kinh tế của huyện đảo. Đến năm 2014, tỷ trọng của ngành thương mại-dịch vụ và du lịch đã chiếm trên 35%, là ngành kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2010-2014. Từ một địa danh chưa thực sự được nhiều người biết tới, giờ đây huyện đảo Cô Tô đã và đang trở thành một điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt Nam. Theo thống kê, tổng lượng khách du lịch đến huyện năm 2014 đạt trên 100.000 lượt, tăng 20 lần so với năm 2010; doanh thu từ các hoạt động dịch vụ, du lịch giai đoạn đạt xấp xỉ 100 tỷ đồng/năm. Năm 2015, Cô Tô đã đón trên 170.000 lượt khách tăng 70% so với năm 2014.
Phát huy được thế mạnh biển, đảo, kinh tế-xã hội của huyện đảo Cô Tô có sự đổi thay nhanh chóng, đời sống của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Trong giai đoạn 2010-2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình của Cô Tô ước đạt mức 13,35%/năm; thu ngân sách đạt 59,2 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt 35 triệu đồng; tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 98,3%; tỷ lệ hộ nông dân được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 95%, trong đó, 73% số hộ được sử dụng nước sạch…
Cô Tô cũng là huyện đảo đầu tiên của cả nước đạt chuẩn nông thôn mới sau 5 năm thực hiện và là huyện thứ 17 của cả nước đạt chuẩn nông thôn mới.
* Tiếp tục khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế biển
Cô Tô đặt ra mục tiêu, từ nay đến năm 2020, duy trì tổng sản lượng khai thác thuỷ sản ở mức 8.000-10.000 tấn; phấn đấu giá trị gia tăng ngành thuỷ sản đến năm 2020 đạt từ 160-170 tỷ đồng, chiếm trên 30% tổng GDP; tốc độ tăng trưởng bình quân ngành thuỷ sản đạt 12-13%/năm.
Hiện tại, huyện Cô Tô đã tiến hành kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, xây dựng được một số cơ sở chế biến thuỷ sản, tiêu biểu như cơ sở sản xuất nước mắm, chế biến cá đóng hộp, cá khô, mực một nắng, mực khô tại Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá của huyện; phát triển các thương hiệu sản phẩm “mực ống Cô Tô”, “cá duội Cô Tô”, “hải sâm Cô Tô”…
Về phát triển du lịch, theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch gắn với ổn định kinh tế nông thôn huyện Cô Tô đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, huyện xác định sẽ đưa Cô Tô trở thành trung tâm du lịch sinh thái biển chất lượng cao, trung tâm vui chơi giải trí đẳng cấp quốc tế vào năm 2020; trở thành trung tâm công nghiệp giải trí đẳng cấp quốc tế vào năm 2030, là một trong những khu du lịch quốc gia của Việt Nam. Theo đó, mục tiêu cụ thể, đến năm 2020, sẽ đón khoảng 150.000 lượt khách du lịch, trong đó khách du lịch quốc tế là 17.600 lượt khách. Tổng doanh thu đạt 605,6 tỷ đồng; phấn đấu giải quyết việc làm cho 2.900 lao động. Đến năm 2030, số lượng khách du lịch đạt 220.000 lượt, trong đó khách du lịch quốc tế là 50.000 lượt khách. Tổng doanh thu đạt khoảng 1.735,8 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho 3.400 lao động.
Hiện Cô Tô tiếp tục đẩy mạnh phát triển hình thức du lịch cộng đồng với sự tham gia của đông đảo người dân, đi đôi với việc kêu gọi đầu tư xây dựng để đến năm 2020 Cô Tô trở thành Khu du lịch sinh thái-nghỉ dưỡng biển đảo cấp quốc gia, là một trọng điểm du lịch trong quần thể du lịch Hạ Long-Bái Tử Long-Vân Đồn-Cô Tô-Móng Cái với đa dạng các loại hình du lịch./.
Minh Duyên