KINH TẾ BIỂN ĐẢO

Hải Phòng mạnh tay xử lý ô nhiễm môi trường

TTXVN-VNA | 25-12-2016 | 00:03 |

Hồ xử lý nước tại khu chứa chất thải của Nhà máy DAP Đình Vũ (Khu công nghiệp Đình Vũ, quận Hải An, TP Hải Phòng). Ảnh:Lâm Khánh - TTXVN

Thành phố Hải Phòng đang đối mặt với những nỗi lo về ô nhiễm môi trường từ chất thải công nghiệp.

 

Nhiều doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường 

 

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng, Phạm Quốc Ka cho biết: Tình trạng xả thải ra môi trường tập trung ở một số doanh nghiệp sản xuất thép, xi măng, nhiệt điện, hóa chất như: Công ty cổ phần xi măng Tân Phú Xuân, Nhà máy gang thép Vạn Lợi, Nhà máy giấy Hapaco... 

 

Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đã lắp đặt công trình xử lý chất thải nhưng không vận hành. Chỉ khi có đoàn kiểm tra, các doanh nghiệp mới vận hành để đối phó. Những năm qua, kinh tế suy thoái trong khi việc vận hành xử lý chất thải rất tốn kém nên nhiều doanh nghiệp tìm cách xả trộm để giảm bớt chi phí. 

 

Công ty cổ phần DAP - VINACHEM (tại Khu công nghiệp Đình Vũ) sau 7 năm đi vào sản xuất, lượng chất thải gyps (thạch cao) khoảng 2,3 triệu tấn, đạt chiều cao khoảng 30m, nguy cơ ô nhiễm môi trường rất nghiêm trọng và tiềm ẩn nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào. Bãi chứa gyps của công ty này đã quá hạn 2 năm (theo quy định, bãi chứa gyps tạm thời từ 3-5 năm); tổng bãi gyps của công ty hiện là 13 ha (quy định chỉ được 10 ha); dư lượng axít và hợp chất của kim loại nặng trong bãi gyps cao. 

 

Ngoài bãi gyps, 4 nhà máy sản xuất hóa chất của Công ty cổ phần DAP - VINACHEM gồm: Nhà máy sản xuất phân bón phức hợp Diamon Phốt phát (DAP) với công suất 330.000 tấn/năm; nhà máy sản xuất Axit Sulfuric với công suất 414.000 tấn/năm; nhà máy sản xuất Axit Phốtphoríc với công suất 161.700 tấn/năm (P2O5 100%); nhà máy Nhiệt điện công suất thiết kế 12,0 MW. Cả 4 nhà máy này đều thải ra môi trường các loại khí có hàm lượng độc tố rất cao như sunphua hydrô, colorua, nitơ... 

 

Ông Phạm Quốc Ka cho biết: Kết quả quan trắc của các đoàn kiểm tra về mức độ ô nhiễm môi trường tại Công ty cổ phần DAP - VINACHEM cho thấy một vài lần vượt ngưỡng. Theo đó, công ty đã bị cơ quan chức năng xử phạt vi phạm gần 1,5 tỷ đồng. 

Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng đã yêu cầu công ty cắt giảm công suất để giảm lượng chất thải đưa ra bãi gyps. Trong 6 tháng đầu năm 2016, nhà máy đã cắt giảm 50% công suất, tuy nhiên hoạt động của công ty vẫn gây ô nhiễm môi trường.


Quyết tâm vào cuộc 

 

Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành cho biết: Thời gian qua, thành phố luôn chủ động kiểm soát danh mục dự án của các nhà đầu tư và kiên quyết từ chối dự án đầu tư không đảm bảo vệ sinh môi trường đầu tư vào Hải Phòng. Đã có 2-3 dự án có số vốn đầu tư khoảng 300 - 400 triệu đô la không đảm bảo được yêu cầu vệ sinh môi trường bị thành phố từ chối trong năm 2015. 

 

Bên cạnh đó, Hải Phòng tiếp tục đẩy nhanh phát triển các khu, cụm công nghiệp đã được Chính phủ phê duyệt; di dời doanh nghiệp ở các khu đô thị vào trong các khu công nghiệp tránh gây ảnh hưởng đến môi trường. Thành phố tạo môi trường đầu tư thuận lợi nhất, thu hút các nhà đầu tư nhằm phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời có trách nhiệm kiểm soát nước thải, khí thải, đảm bảo các chỉ tiêu về bảo vệ môi trường xanh, sạch. 

 

Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành cho rằng: Nhiều nhà máy được xây dựng trước đây có hệ thống xả thải kém, có nhà máy xả thải trộm làm ảnh hưởng đến môi trường chung của thành phố, gây khó khăn trong quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm. Đối với những trường hợp này, thành phố sẽ có những biện pháp mạnh để khắc phục... Cụ thể, vào trung tuần tháng 8/2016, thành phố đã có văn bản yêu cầu đóng cửa, dừng hoạt động nhà máy sản xuất giấy gây ô nhiễm môi trường. 

 

Theo đó, thành phố yêu cầu Công ty trách nhiệm hữu hạn Hapaco Hải Âu dừng sản xuất, di dời Xí nghiệp Giấy đế sử dụng nguyên liệu từ tre, nứa, róc xả thải ra môi trường và có nguy cơ gây ô nhiễm kể từ ngày 20/8/2016 theo đúng cam kết với UBND thành phố Hải Phòng. Dây chuyền sản xuất giấy đế của công ty đặt tại 441A đường Tôn Đức Thắng, xã An Đồng, huyện An Dương (Hải Phòng). Dây chuyền sản xuất này sẽ được di dời đến địa điểm khác của doanh nghiệp trên địa bàn xã Đại Bản, huyện An Dương trên cơ sở bảo đảm các yêu cầu về xả thải, môi trường và các chỉ tiêu khác, kết thúc trước quý II/2017. 

 

Kết quả bước đầu về việc xử lý ô nhiễm môi trường của thành phố Hải Phòng là minh chứng cụ thể hóa chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, là: "Kiên quyết không vì lợi ích kinh tế trước mắt mà đánh đổi môi trường, cuộc sống bình yên của người dân". 

Tin mới nhất

Khám phá chuỗi “đảo ngọc” Cát Bà

Với tổng diện tích 336km2, Cát Bà hiện là quần đảo đá vôi lớn nhất Việt Nam với 388 hòn đảo lớn nhỏ, mật độ núi đá vôi dày đặc chia cắt mặt nước biển thành những áng, vịnh nhỏ, với nhiều bãi cát còn n

Ông Lý Hiển Long và ông Duterte bàn chuyện Biển Đông

Ngày 15/12, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã tiếp đón Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đang ở thăm.

Ông Obama tiết lộ chuyện Trung Quốc phản ứng mạnh hơn vấn đề Biển Đông

Ngày 16/12, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng Tổng thống đắc cử Donald Trump hoàn toàn có thể xem xét lại chính sách "một Trung Quốc" đối với Đài Loan,