QUAN ĐIỂM LẬP TRƯỜNG CÁC NƯỚC VỀ BIỂN ĐÔNG

Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần 8 kết thúc với nhiều luận điểm mới

TTXVN-VNA | 16-12-2016 | 17:30 |

Quang cảnh phiên thảo luận thứ 4 của hội thảo. (Ảnh: Tiên Minh/TTXVN)

Chiều 15/11, tại Nha Trang, sau hai ngày làm việc với 28 tham luận chính, gần 200 ý kiến thảo luận và trình bày của nhóm Lãnh đạo trẻ, Hội thảo Quốc tế lần thứ 8 về Biển Đông với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực” do Học viện Ngoại giao (DAV), Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông (FESS), và Hội Luật gia Việt Nam (VLA) tổ chức đã kết thúc tốt đẹp.

Qua bảy phiên làm việc trong hai ngày diễn ra hội thảo, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi về bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực, những diễn biến gần đây ở Biển Đông, các khía cạnh pháp lý, kinh tế, an ninh chính trị và lịch sử của tranh chấp Biển Đông và triển vọng về các giải pháp quản lý và giải quyết tranh chấp trong khu vực. Đáng chú ý, phiên thảo luận của hải quân và các lực lượng chấp pháp trên biển các nước trong khu vực đã đem đến những ý tưởng và luận điểm mới tại hội thảo lần này.

Bên cạnh các phiên làm việc chính, hội thảo dành riêng một phiên thảo luận đặc biệt cho nhóm nghiên cứu thuộc Chương trình Các lãnh đạo trẻ trình bày các ý tưởng thúc đẩy hợp tác trong khu vực. Chương trình này tập hợp các học giả trẻ đang nghiên cứu về vấn đề Biển Đông tại các trường đại học và trung tâm nghiên cứu trên thế giới để chuẩn bị thế hệ kế cận tiếp nối và phát triển những ý tưởng hợp tác ở Biển Đông.

Đánh giá nguồn gốc tranh chấp ở Biển Đông, nhiều học giả cho rằng tranh chấp trên Biển Đông đã xuất hiện từ nhiều thập kỷ. Thực tiễn sử dụng biển trong lịch sử cũng giúp xác định thời điểm hình thành tranh chấp, phân tách các yêu sách chủ quyền theo từng cấu trúc hay nhóm cấu trúc từ đó có thể có cách tiếp cận linh hoạt trong giải quyết tranh chấp chủ quyền và thúc đẩy hợp tác bảo tồn biển. Đặc biệt, đáng chú ý là nghiên cứu về lịch sử đường 9 đoạn của Trung Quốc ở Biển Đông. Đường 9 đoạn ban đầu chỉ được vẽ một cách đơn giản để tuyên bố chủ quyền với các đảo chứ không dựa vào bất kỳ luận cứ pháp lý, khoa học nào.

Về những diễn biến gần đây, các học giả chia sẻ nhận định tình hình có vẻ hòa dịu hơn sau phán quyết, song mâu thuẫn trên thực địa vẫn không thay đổi về bản chất. Trung Quốc có thể đạt được thỏa thuận trước mắt với một số nước Đông Nam Á để làm dịu các tranh chấp, song thực tế vẫn duy trì, thậm chí tăng cường sự hiện diện và kiểm soát trên Biển Đông, gồm cả khu vực bãi cạn Scarborough và quần đảo Trường Sa. Các hoạt động xây dựng và lắp đặt trang thiết bị phục vụ mục đích quân sự và do thám ở các điểm đảo Chữ Thập, Vành Khăn, và Subi không giảm tốc độ, cho thấy Trung Quốc không thay đổi mục tiêu dài hạn là giành toàn quyền kiểm soát Biển Đông. Đó là một nguyên nhân quan trọng gây ra căng thẳng trong khu vực.

Các học giả cũng cho rằng một số nước tiếp giáp Biển Đông có xu hướng chuyển dịch gần với Trung Quốc hơn chủ yếu do nhu cầu tập trung phát triển nội bộ. Tuy nhiên, trên thực tế các nước vẫn lo ngại về các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông, đặc biệt trong bối cảnh tương lai chính sách châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ dưới thời tổng thống mới còn chưa rõ ràng. Do vậy, các đại biểu nhấn mạnh các nước trong khu vực cần thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN trong việc quản lý tranh chấp ở Biển Đông.

Đánh giá khía cạnh kinh tế-chính trị, các học giả nhất trí rằng để đảm bảo an ninh và ổn định ở Biển Đông, các bên cần thực thi chính sách tự kiềm chế, giữ nguyên trạng, không thực hiện các hành động đơn phương trên Biển Đông như quân sự hóa các điểm chiếm đóng hoặc tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông. Các yếu tố như sự phát triển của khoa học công nghệ, điều chỉnh giá dầu trên thị trường thế giới và các sáng kiến thúc đẩy hợp tác ở Biển Đông sẽ có tác động lớn tới các nỗ lực giải quyết và quản lý tranh chấp trên biển trong thời gian tới. Các học giả cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thiết lập các cơ chế quản lý xung đột trong các lĩnh vực thường xảy ra tranh chấp ở Biển Đông là đánh bắt cá, khai thác nguồn lợi khí đốt, và bảo vệ môi trường biển.

Đánh giá về khía cạnh pháp lý, các học giả chia sẻ quan điểm rằng cục diện pháp lý trên Biển Đông đã bước sang giai đoạn mới sau phán quyết của Tòa án quốc tế trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc ở Biển Đông. Cho dù luật quốc tế hiện nay không có cơ chế thực thi bắt buộc, phán quyết này có tác động chính trị và pháp lý to lớn và lâu dài. Phán quyết không chỉ làm sáng tỏ và thu hẹp phạm vi các vùng biển thực sự có tranh chấp tại Biển Đông, mà còn đánh giá nhiều hành động trên Biển Đông trong thời gian qua là không phù hợp với quy định của Công ước năm 1982 của Liên hợp quốc về luật biển. Phán quyết cũng gián tiếp nhấn mạnh quyền tự do hàng hải, tự do hàng không trong phần lớn vùng biển của Biển Đông. Nhiều học giả cũng cho rằng, các kết luận của phán quyết mở ra cơ hội thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực lợi ích chung như nghề cá, an toàn hàng hải và bảo vệ môi trường.

Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc thúc đẩy hợp tác, các học giả đã đề xuất nhiều mô hình hợp tác trên Biển Đông. Một số sáng kiến đề xuất phát triển các cơ chế hợp tác hiện có như hợp tác song phương hoặc ba bên giữa một số bên ở Biển Đông, hợp tác xây dựng bộ quy tắc phòng ngừa va chạm bất ngờ trên biển và hợp tác bảo vệ môi trường và nguồn lợi thủy sản. Nhiều ý tưởng hợp tác mới như tổ chức đối thoại giữa lực lượng chấp pháp trên biển của các nước tiếp giáp Biển Đông, hợp tác giữa các nhà khoa học, xây dựng công viên biển cũng được đề xuất. Bên cạnh đó, một số học giả cũng đề xuất sử dụng hiệu quả các thể chế của Công ước Luật Biển như Tòa Luật biển quốc tế, Ủy ban Ranh giới ngoài của thềm lục địa và Cơ quan quyền lực đáy đại dương để có thêm các tư vấn về việc áp dụng và giải thích công ước phù hợp với bối cảnh Biển Đông.

Trình bày kết quả thảo luận trước hội thảo, các thành viên của Chương trình Lãnh đạo trẻ chia sẻ nhiều ý tưởng về cơ hội hợp tác ở Biển Đông dựa trên việc thúc đẩy lòng tin giữa các nước. Đây là một quá trình lâu dài, đòi hỏi ý chí chính trị và cách tiếp cận vừa toàn diện, tổng thể vừa cụ thể để việc xây dựng lòng tin trở nên thực chất. Trong số các đề xuất của nhóm Lãnh đạo trẻ có các ý tưởng đáng chú ý như xây dựng mạng lưới Lãnh đạo trẻ chuyên nghiên cứu về Biển Đông trong khu vực, bảo vệ môi trường biển, tăng cường công tác truyền thông thúc đẩy hợp tác, và tăng cường khả năng trao đổi giữa các bên ở Biển Đông.

Phát biểu bế mạc, phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Vũ Tùng nhận định, hội thảo đã thảo luận sâu nhiều khía cạnh ở Biển Đông, góp phần đạt được những nhận thức chung về những diễn biến trong khu vực. Tình hình Biển Đông trong thời gian tới có thể chịu tác động trái chiều từ nhiều khó khăn thách thức, diễn biến phức tạp, khó lường ở các khu vực khác trên thế giới. Vì vậy các bên cần có các cách tiếp cận xây dựng, tôn trọng lẫn nhau và tuân thủ luật pháp quốc tế.

Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Vũ Tùng cũng chia sẻ, do thời gian hạn hẹp, một số khía cạnh quan trọng chưa được thảo luận sâu. Tuy nhiên, Hội thảo quốc tế lần thứ 8 về Biển Đông đã diễn ra trong không khí cởi mở, thẳng thắn và thực chất và là một nỗ lực có ý nghĩa nhằm đóng góp cho việc thúc đẩy hợp tác quốc tế vì hòa bình, ổn định của Biển Đông./.

Tin mới nhất

Khám phá chuỗi “đảo ngọc” Cát Bà

Với tổng diện tích 336km2, Cát Bà hiện là quần đảo đá vôi lớn nhất Việt Nam với 388 hòn đảo lớn nhỏ, mật độ núi đá vôi dày đặc chia cắt mặt nước biển thành những áng, vịnh nhỏ, với nhiều bãi cát còn n

Ông Lý Hiển Long và ông Duterte bàn chuyện Biển Đông

Ngày 15/12, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã tiếp đón Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đang ở thăm.

Ông Obama tiết lộ chuyện Trung Quốc phản ứng mạnh hơn vấn đề Biển Đông

Ngày 16/12, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng Tổng thống đắc cử Donald Trump hoàn toàn có thể xem xét lại chính sách "một Trung Quốc" đối với Đài Loan,