KINH TẾ BIỂN ĐẢO

Khánh Hòa phấn đấu giá trị kinh tế biển chiếm 55-60% GDP vào năm 2020

TTXVN-VNA | 30-11-2016 | 10:37 |

Khánh Hòa có hệ thống cảng biển phong phú. Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN

 

 

Khánh Hòa phấn đấu giá trị kinh tế biển chiếm 55-60% GDP vào năm 2020

Trong số các tỉnh ven biển Việt Nam, Khánh Hòa là một trong những tỉnh có nhiều lợi thế hơn cả để phát triển các ngành kinh tế biển. Ngoài những lợi thế to lớn về điều kiện tự nhiên, rất thuận lợi cho phát triển du lịch, Khánh Hòa còn có hệ thống cảng biển phong phú, cùng với cơ sở hạ tầng, dịch vụ hàng hải phát triển mạnh mẽ, từng bước đáp ứng yêu cầu về vận tải biển.    

 

* Mạnh về biển

Tỉnh Khánh Hoà nằm ở khu vực Nam Trung Bộ với diện tích tự nhiên là 5.217,6 km2, chiều dài đường mép nước tiếp giáp biển dài trên 385 km, diện tích vùng biển rộng lớn gấp nhiều lần phần đất liền. Tỉnh còn có khoảng hơn 200 đảo lớn nhỏ gần bờ và xa bờ, trong đó quần đảo Trường Sa có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội cũng như quốc phòng, an ninh không chỉ với Khánh Hoà mà với cả nước.

Về địa lý hành chính, tỉnh Khánh Hoà có 5/9 huyện, thị xã, thành phố tiếp giáp biển là: Nha Trang, Cam Ranh, Ninh Hoà, Vạn Ninh, Cam Lâm và 1 huyện đảo là Trường Sa.

Với những đặc điểm trên, Khánh Hoà là một tỉnh có nhiều lợi thế để phát triển mạnh du lịch biển, với những bãi tắm dài và đẹp, khí hậu ôn hoà, thiên nhiên tươi đẹp và hệ sinh thái biển đa dạng như san hô, cỏ biển, rừng ngập mặn; có vịnh Nha Trang được công nhận là một trong những vịnh đẹp nhất thế giới và được đánh giá có giá trị đa dạng sinh học cao vào loại nhất ở Việt Nam.

Khu vực ven bờ có 3 vịnh đẹp và có giá trị lớn về mặt kinh tế, quốc phòng là các vịnh Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh. Bên cạnh phát triển du lịch, 3 vịnh này đều là những vịnh nước sâu, kín gió, kín sóng, lại được núi cao che chắn nên rất thuận lợi cho việc xây dựng cảng biển và hậu cần nghề cá, khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão...

Khánh Hòa còn có đầm Nha Phu và đầm Thuỷ Triều là nơi nuôi dưỡng và cung cấp nguồn lợi thủy sản ven bờ của tỉnh. Ngoài ra, khu vực biển ven bờ, khu vực cửa sông với các đầm, vịnh biển cũng rất thuận lợi cho nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản.

* Làm giàu từ biển

Từ lợi thế tiềm năng sẵn có, Khánh Hòa đã tập trung phát triển kinh tế biển bao gồm: du lịch biển, khai thác biển… Đến nay, giá trị kinh tế biển của Khánh Hòa chiếm tỷ lệ hơn 30% so với tổng sản sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh, tạo động lực lớn để hình thành chuỗi đô thị ven biển. Từ đó, thúc đẩy 3 vùng kinh tế trọng điểm của Khánh Hòa (gắn liền với ba vịnh Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh) ngày càng phát triển.

Khánh Hòa đã vươn lên trở thành một trung tâm du lịch lớn của cả nước. Kinh tế từ du lịch đóng góp vào GRDP hàng năm của tỉnh chiếm tỷ trọng từ 12% trở lên. Trong giai đoạn 2012-2015, trung bình mỗi năm ngành du lịch Khánh Hòa đạt doanh thu trên 4.855 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2016, doanh thu du lịch toàn tỉnh ước đạt 3.599 tỷ đồng, tăng 22,7% so với cùng kỳ.

Giờ đây, trên bản đồ du lịch, Nha Trang - Khánh Hòa là một trong những trung tâm có nhiều cơ sở lưu trú ven biển chất lượng cao. Hiện toàn tỉnh có trên 610 cơ sở lưu trú phục vụ du lịch với hơn 20.400 phòng (tăng gấp 2,1 lần so với năm 2008), trong đó có trên 70 khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 3-5 sao.

Bên cạnh phát triển du lịch, toàn tỉnh đã và đang hình thành các khu công nghiệp, nhà máy công nghiệp nặng gắn liền với thế mạnh về biển, thu hút đông đảo các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Đặc biệt, khu kinh tế Vân Phong là khu kinh tế mang tầm vóc lớn nhất nước khi với diện tích lên đến 150.000 ha, đã được Chính phủ đặt mục tiêu xây dựng và phát triển để trở thành khu kinh tế tổng hợp, trong đó cảng trung chuyển container quốc tế giữ vai trò chủ đạo, kết hợp phát triển kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực. Đến nay, khu kinh tế này đã thu hút trên 130 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký hàng chục tỷ USD. Trong tương lai, khu kinh tế này không chỉ có ý nghĩa về các mặt kinh tế - xã hội cho riêng Khánh Hòa, mà lan tỏa ra miền Trung và cả nước.

Ngoài ra, hệ thống cảng biển của tỉnh Khánh Hòa cũng ngày càng hoàn thiện hơn. Trong đó, Cảng quốc tế Cam Ranh (đã hoàn thành giai đoạn 1 và đưa vào hoạt động tháng 3-2016) là một trong những cảng nước sâu hàng đầu của Việt Nam ở gần tuyến hàng hải quốc tế. Cảng Cam Ranh có thể tiếp nhận tàu có trọng tải lớn đến 5 vạn tấn. Sau khi hoàn thành tất cả các giai đoạn, Cảng sẽ trở thành một cơ sở hậu cần hiện đại, có uy tín, sánh ngang với các hải cảng lớn trên thế giới, góp phần quan trọng giúp khai thác hiệu quả nhất tiềm năng và lợi thế của vịnh Cam Ranh.

Có thể nói, nhờ xác định được hướng phát triển đúng đắn, với nhiều chủ trương, giải pháp mang tính đột phá, tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hóa, tập trung khai thác và sử dụng hiệu quả các tiềm năng và thế mạnh về biển của địa phương, Khánh Hòa đã tạo lập được một nền kinh tế năng động, hiệu quả, đầy sức sống.

* Tiếp tục thực hiện 3 vùng kinh tế trọng điểm

Đại hội Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa khóa XVII, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra, một trong những nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế-xã hội trước mắt cũng như lâu dài của địa phương là tiếp tục thực hiện 3 vùng kinh tế trọng điểm, gắn liền với ba vịnh Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh. 

Về du lịch, theo dự báo, từ năm 2015-2030, tổng số lượt khách quốc tế đến Khánh Hòa tăng từ 1-1,2 triệu; tổng thu từ khách quốc tế tăng từ 286-972 triệu USD, thu từ khách nội địa tăng từ 112- 509 triệu USD. Hiện tại, Nha Trang chú trọng đầu tư phát triển du lịch kết hợp bảo tồn, phát huy hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, di tích lịch sử, văn hóa. Đồng thời cũng đang hướng đến mục tiêu lớn hơn, là trở thành thành phố tổ chức các sự kiện lớn của quốc gia, quốc tế. Để đạt mục tiêu đó, tỉnh Khánh Hòa đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án khu đô thị-hành chính mới; triển khai hạ tầng khu trung tâm đô thị thương mại-dịch vụ-tài chính-du lịch Nha Trang; đầu tư để chuyển đổi công năng cảng biển Nha Trang thành cảng chuyên phục vụ du lịch; di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi thành phố...  

Tại khu kinh tế Vân Phong, trong giai đoạn 2015-2020, tỉnh Khánh Hòa xác định đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, hoàn thành các dự án hạ tầng giao thông, điện, nước theo quy hoạch đã được phê duyệt, sớm giao đất sạch cho các nhà đầu tư thực hiện dự án, đưa vùng kinh tế trọng điểm này trở thành một đại công trường xây dựng. Đây cũng là khu kinh tế nằm trong nhóm các khu kinh tế được ưu tiên bố trí vốn đầu tư từ Trung ương.

Khánh Hòa cũng là 1 trong 6 địa phương được chọn để xây dựng Trung tâm nghề cá lớn đặt tại Cam Ranh, làm động lực, phục vụ hậu cần nghề cá cho cả vùng duyên hải Nam Trung Bộ.

Khánh Hòa cũng đề ra mục tiêu đến năm 2020, sẽ trở thành địa phương mạnh về kinh tế biển, giá trị kinh tế biển chiếm 55-60% GDP toàn tỉnh, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của kinh tế biển chiếm 65-70%; đảm bảo vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển, đảo... ./.

 

Tùng Lâm 

Tin mới nhất

Khám phá chuỗi “đảo ngọc” Cát Bà

Với tổng diện tích 336km2, Cát Bà hiện là quần đảo đá vôi lớn nhất Việt Nam với 388 hòn đảo lớn nhỏ, mật độ núi đá vôi dày đặc chia cắt mặt nước biển thành những áng, vịnh nhỏ, với nhiều bãi cát còn n

Ông Lý Hiển Long và ông Duterte bàn chuyện Biển Đông

Ngày 15/12, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã tiếp đón Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đang ở thăm.

Ông Obama tiết lộ chuyện Trung Quốc phản ứng mạnh hơn vấn đề Biển Đông

Ngày 16/12, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng Tổng thống đắc cử Donald Trump hoàn toàn có thể xem xét lại chính sách "một Trung Quốc" đối với Đài Loan,