KINH TẾ BIỂN ĐẢO

Khai thác hiệu quả từ những con tàu mới

TTXVN-VNA | 28-12-2016 | 14:38 |

Khai thác hiệu quả từ những con tàu mới. Ảnh: Nguyễn Thanh-TTXVN

Được hỗ trợ nguồn vốn từ Nghị định 67, những đội tàu có công suất lớn đã và đang được hình thành. Nhờ đó những ngư dân này đã vươn khơi xa đánh bắt hải sản, phát huy hiệu quả khai thác để vừa khai thác phát triển kinh tế, vừa góp phần giữ biển đảo Việt Nam.

Hiệu quả sau mỗi chuyến ra khơi

Với số lượng tàu công suất lớn gia tăng, năm 2016 ngư dân Bình Thuận đánh bắt được 203.000 tấn, tăng 5.000 tấn hải sản so với năm 2015. Qua đó cho thấy, nguồn vốn hỗ trợ ngư dân đóng tàu mới là một hướng đi hiệu quả trong phát triển thủy sản. Đặc biệt là việc ngư dân có điều kiện, phương tiện vươn khơi xa đánh bắt, tránh khai thác cạn kiệt nguồn lợi gần bờ.

Để chính ngư dân phát huy hiệu quả hơn nữa những chiếc tàu này, ông Nguyễn Khắc Lâm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận cho biết, Sở đã phối hợp với UBND xã, phường ven biển tổ chức các lớp tuyên truyền phổ biến về một số chính sách hỗ trợ, phát triển thuỷ sản và các quy định của nhà nước về hoạt động thuỷ sản.

Bên cạnh đó, thông qua các hoạt động động thanh tra kiểm tra, kết hợp tuyên truyền về hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Ông Huynh Văn Vỹ, một ngư dân ngụ tại xã Tam Thanh, huyện đảo Phú Quý, Bình Thuận cho biết, ông Vỹ đã có 3 chiếc tàu công suất lớn hơn 400CV/chiếc, nhưng khi nhận được thông tin hỗ trợ vay vốn đóng tàu công suất lớn theo Nghị định 67, đồng thời chính quyền địa phương cũng tập huấn, hướng dẫn, ông đã làm thủ tục vay vốn đóng mới chiếc tàu 321CV phục vụ cho thu mua hải sản trên biển.

Kết hợp với 3 chiếc tàu hiện có, giá trị hải sản đã tăng 25% mỗi khi ra khơi. Ước tính, sau khi trừ toàn bộ chi phí nhân công, xăng dầu vận hành tàu, ông thu lợi nhuận 400 triệu đồng/tháng.

Với số tiền này, ông trả có thể trả vốn và lãi suất vay 50 triệu đồng/tháng, số tiền còn lại ông dồn vào xoay vòng cho chuyến đi sau.

Theo ông Vỹ, nhà nước hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi lãi suất này đã giúp cho ngư dân rất nhiều trong việc sắm mới tàu thuyền, phục vụ đánh bắt, giúp ngư dân phát triển nghề và ổn định đời sống ở khu vực ven biển.

Cũng giống như ông Vỹ, nhiều ngư dân đánh bắt xa bờ khác rất phấn khởi khi được trang bị thêm một tàu khai thác, thu mua hải sản công suất lớn trong những chuyến đi biển dài ngày.

Ông Dương Văn Hữu, ngụ tại huyện Phú Quý, tỉnh Bình Thuận cũng là một trong những ngư dân đã được giải ngân vốn đóng mới tàu. Chúng tôi gặp ông Hữu trong lúc chiếc tàu 800 CV của ông đang trong quá trình hoàn thiện tại cơ sở đóng tàu Đại Thịnh, tỉnh Ninh Thuận.

Ông Hữu chia sẻ, với 2 chiếc tàu công suất hơn 800CV/chiếc đã có trước đó, nay thêm chiếc tàu được đóng mới bằng nguồn vốn vay từ Nghị định 67, ông kỳ vọng sẽ mang lại cho lợi nhuận cao khi hoạt động. Ông có thể thu lợi nhuận 2 tỷ đồng, tăng 30% lợi nhuận so với trước đây.

Mặc dù số lượng tàu công suất lớn đã hoàn thành của 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận hiện nay còn thấp, nhưng cũng đã mang lại hiệu quả lớn trong phát triển thủy sản, đánh bắt xa bờ của nhiều ngư dân tại 2 tỉnh này.

Cùng nghiệp đoàn vừa khai thác vừa giữ biển

Hoạt động khai thác, đánh bắt hải sản trên ngư trường lớn luôn có nhiều nguy hiểm. Vì vậy, việc tổ chức các tổ, đội đánh bắt , khai thác luôn được các ngư dân hướng đến.

Theo bà Bùi Thị Ánh Vân, Chủ tịch Hội nghề cá Ninh Thuận, tỉnh đã hình thành phương thức khai thác theo tổ đội, hợp tác giúp đỡ nhau trên biển mang lại hiệu quả đánh bắt cao hơn do học hỏi, trao đổi được nhiều kinh nghiệm, kỹ thuật cộng với việc rút ngắn thời gian đến ngư trường khai thác, kéo dài thời gian bám biển…

Các thành viên trong tổ hợp tác còn phân công làm dịch vụ hậu cần như: vận chuyển sản phẩm vào bờ, vận chuyển nhiên liệu và nhu yếu phẩm từ bờ ra cung ứng cho các thuyền đang bám biển... Nhờ đó đã góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm khai thác, giảm tổn thất sau thu hoạch, tiết kiệm nhiều chi phí, nhất là nhiên liệu.

Ngoài ra, nhờ trao đổi thông tin về ngư trường, thị trường giá cả từng loại hải sản để khai thác chọn lọc… từ đó mang lại hiệu quả khai thác cao hơn. Đặc biệt, khi gặp bão tố, sự cố ngoài khơi có thể giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong việc cứu hộ, cứu trợ lẫn nhau.

Theo ông Phan Văn Hiếu, Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Bình Hưng, tỉnh Bình Thuận, nghiệp đoàn Bình Hưng luôn hỗ trợ thông tin cho các thành viên khi vươn khơi đánh bắt, bám biển.

Mỗi khi ra khơi, các thành viên trong nghiệp đoàn luôn hỗ trợ thông tin cho nhau về thời tiết, khu vực có cá và lập thành vùng đánh bắt riêng có sự kiểm soát của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận.

Đồng thời, nghiệp đoàn Bình Hưng cũng hỗ trợ thông tin cho các tàu đánh bắt xa bờ đến từ tỉnh khác để tránh sự chồng lấn khu vực khai thác, hạn chế được tàu thuyền xâm phạm vào vùng lãnh hải của nước khác.

Với những hiệu quả nêu trên, việc nhân rộng các tổ đội này là cần thiết, không chỉ giúp ngư dân tăng cường “sức mạnh” giữa biển khơi mà còn góp phần tạo thế và lực để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc./.

Hồng Nhung - Trần Trung

Tin mới nhất

Khám phá chuỗi “đảo ngọc” Cát Bà

Với tổng diện tích 336km2, Cát Bà hiện là quần đảo đá vôi lớn nhất Việt Nam với 388 hòn đảo lớn nhỏ, mật độ núi đá vôi dày đặc chia cắt mặt nước biển thành những áng, vịnh nhỏ, với nhiều bãi cát còn n

Ông Lý Hiển Long và ông Duterte bàn chuyện Biển Đông

Ngày 15/12, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã tiếp đón Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đang ở thăm.

Ông Obama tiết lộ chuyện Trung Quốc phản ứng mạnh hơn vấn đề Biển Đông

Ngày 16/12, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng Tổng thống đắc cử Donald Trump hoàn toàn có thể xem xét lại chính sách "một Trung Quốc" đối với Đài Loan,