TTXVN-VNA | 02-12-2016 | 10:21 |
Lăng Cô được tổ chức Worldbays Club bình chọn là một trong những "Vịnh biển đẹp nhất thế giới" từ tháng 5/2009. Từ đó đến nay, Lăng Cô đã tập trung khai thác tiềm năng lợi thế về địa lý, phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trên "Con đường di sản miền Trung"; đồng thời kết nối với bạn bè quốc tế bằng tuyến đường biển qua cảng Chân Mây. Định hướng đến năm 2020, Chân Mây - Lăng Cô trở thành khu đô thị biển hiện đại, sinh thái, công nghệ cao, trở thành động lực cho sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Lăng Cô (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) có vị trí rất thuận lợi, có các trục giao thông quốc gia quan trọng chạy qua như Quốc lộ 1A, tuyến đường sắt Bắc-Nam; nằm ở trung điểm của hai thành phố lớn nhất của khu vực miền Trung là thành phố Huế và thành phố Đà Nẵng (cách Huế 45 km về phía Bắc và cách Đà Nẵng 55 km về phía Nam); có cảng nước sâu Chân Mây là một trong những cửa ngõ thông ra biển quan trọng của Hành lang kinh tế Đông - Tây theo Quốc lộ 1A và đường 9 nối Việt Nam với các nước trong khu vực như Lào, Thái Lan và Myanmar. Lăng Cô kết nối với Vườn Quốc gia Bạch Mã - một điểm nhấn trong hệ sinh thái rừng nguyên sinh còn lại của dãy Trường Sơn hùng vĩ; Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô là trọng điểm kinh tế của tỉnh Thừa Thiên - Huế đang được hình thành và phát huy vai trò động lực trong tương lai. Từ biển Lăng Cô có các bờ biển nổi tiếng trong vùng như: Hàm Rồng, Cảnh Dương, Lăng Cô, Bãi Chuối và vùng đảo Sơn Chà kết nối trên 60 km bờ biển trải dài là những thuận lợi cho phát triển du lịch.
Từ những thế mạnh đó, trong những năm qua, Lăng Cô đã trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong và nước. Tại khu du lịch Lăng Cô hiện có 6 khu du lịch tổng hợp, 45 khách sạn, nhà nghỉ hoạt động với khoảng 1.200 phòng, 1.800 giường, cùng hàng chục nhà hàng ăn uống phục vụ du khách. Lượng khách du lịch tăng bình quân hàng năm trên 25%, doanh thu tăng bình quân 20%. Số lượng khách đến Lăng Cô chiếm 16% tổng lượt khách đến Thừa Thiên - Huế.
Quốc Việt