TTXVN-VNA | 15-12-2016 | 23:43 |
Trong bối cảnh Biển Đông và một số vùng biển khác ở châu Á đang xảy ra tranh chấp, các quốc gia cần lấy lợi ích dài hạn làm kim chỉ nam hành động để bảo đảm lợi ích quốc gia.
Ngày 29/11 tại Hà Nội diễn ra hội thảo “Hướng đến các vùng biển mở và tự do của châu Á: Thượng tôn pháp luật và Hợp tác quốc tế”. Hội thảo do Đại sứ quán Nhật Bản phối hợp cùng Học viện Ngoại giao Việt Nam và Đại sứ quán Anh tại Hà Nội phối hợp tổ chức, thu hút sự tham gia, chia sẻ ý kiến của các chuyên gia Việt Nam, Nhật Bản, Anh và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc).
Tại hội thảo, khẳng định vai trò quan trọng của Công ước Quốc tế về Luật Biển (UNCLOS) 1982 trong giải quyết các xung đột, tranh chấp trên biển, ông Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao Việt Nam chỉ rõ tiềm năng dầu khí ở các vùng biển chỉ là lợi ích nhỏ trước mắt. Quyền tự do hàng hải, tự do hàng không... mới là những giá trị lớn hơn cần được tôn trọng và bảo vệ và là đích mà các quốc gia cần hướng tới.
Đồng quan điểm này, ông Steph Lysaght đến từ Đại sứ quán Anh tại Hà Nội khẳng định trong bối cảnh hiện nay, việc lợi ích quốc gia bị xung đột là điều không thể tránh khỏi. Dù rất khó để định nghĩa chính xác lợi ích quốc gia, song ông Steph Lysaght cho rằng các nước cần nhận ra lợi ích trong dài hạn mới chính là lợi ích quốc gia.
Đề cao giá trị của tinh thần thượng tôn pháp luật trong việc duy trì hòa bình và ổn định tại châu Á, Thư ký Báo chí Bộ Ngoại giao Nhật Bản ông Yasuhisa Kawamura cho hay, để đạt được hòa bình và sự ổn định đó, cần bốn yếu tố: sự tuân thủ phán quyết của tòa trọng tài thành lập theo phụ lục VII, UNCLOS trong vụ kiện Philippines-Trung Quốc; sự đoàn kết của các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN); tinh thần cởi mở, sẵn sàng đối thoại với Trung Quốc và sự kết nối với một mạng lưới truyền thông rộng lớn.
Theo ông Yasuhisa Kawamura, trong thời gian tới, Nhật Bản cùng chính quyền mới của Mỹ sẽ tiếp tục đóng vai trò tích cực trong việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.
Dư luận tiến bộ thúc đẩy tuân thủ luật pháp quốc tế
Trao đổi sau hội thảo, Tiến sĩ Phạm Lan Dung, trưởng khoa Luật Quốc tế, Học viện Ngoại giao Việt Nam cho hay, với mục tiêu đi đến nhận thức tuân thủ pháp luật là hành động có lợi cho lợi ích của các quốc gia, chủ đề xuyên suốt của hội thảo là thượng tôn pháp luật.
Theo Tiến sĩ Phạm Lan Dung, các chuyên gia tại hội thảo cho rằng, lợi ích quốc gia nên được chú trọng về mặt dài hạn để tạo ra sự ổn định và là môi trường cho các nước phát triển trên nhiều phương diện an ninh, kinh tế... trong bối cảnh Tòa trọng tài xét xử vụ kiện Philippines – Trung Quốc đã đưa ra phán quyết ngày 12/7 và Trung Quốc vốn phủ nhận quyền tài phán của tòa đã tuyên bố sẽ không tuân thủ phán quyết đó.
Dẫn chứng ba vụ kiện: vụ Nicaragua kiện Mỹ, Hà Lan kiện Nga và Philippines kiện Trung Quốc, các chuyên gia hội thảo phân tích rất rõ trong cả ba trường hợp, các bên nhận phán quyết không có lợi hơn đều tuyên bố không tuân thủ phán quyết của tòa.
Tuy nhiên, trên thực tế trong hai vụ kiện đầu, các nước đều đã thực hiện phán quyết theo những cách khác nhau vì họ đã nhìn thấy lợi ích dài hạn trong tổng thể lợi ích quốc gia; không mong muốn tạo ra ấn tượng về một quốc gia không tuân thủ pháp luật, điều rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến vị thế và trật tự trên thế giới.
Tiến sĩ Phạm Lan Dung khẳng định, đây chỉ là ba ngoại lệ được dẫn ra trong hội thảo. Điều cần thấy là, đại đa số các nước trong các vụ tranh tụng quốc tế đều tuân thủ phán quyết của tòa. Và ngay cả trong những trường hợp ngoại lệ, các nước vẫn tuân thủ phán quyết đó.
Theo luật quốc tế, các quốc gia có nghĩa vụ thực hiện phán quyết phải tự thực thi, bởi không có cơ quan cưỡng chế. Do vậy, điều các nước khác cần làm là tạo ra dư luận tiến bộ, khách quan, dựa trên cơ sở khoa học để các quốc gia thực thi phán quyết nhận ra rằng, tuân thủ luật pháp quốc tế chính là bảo đảm lợi ích quốc gia, từ đó thực thi nghĩa vụ của mình. Điều cần tránh là tạo những căng thẳng không cần thiết gây cản trở việc thực thi phán quyết.
Tiến sĩ Phạm Lan Dung chia sẻ thêm, ASEAN hiện nay có nhiều cơ chế để xây dựng lòng tin, giúp giảm căng thẳng tranh chấp và tạo ra các kênh trao đổi, cộng tác. Khi có tranh chấp, những cơ chế này là nơi để các bên thể hiện quan điểm, đàm phán.
Trong dài hạn, chính những cơ chế này sẽ hướng đến việc xây dựng các khuôn khổ pháp lý, dự thảo văn bản như văn bản chính trị Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) được ký kết năm 2002 và tiến tới xây dựng dự thảo văn bản mang tính pháp lý Bộ Quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) theo kỳ vọng.