TTXVN-VNA | 25-12-2016 | 00:14 |
Hiện nay, trên các phương tiện khai thác hải sản xa bờ, ngư dân đều lắp đặt nhiều loại máy hiện đại. Tuy nhiên, việc sử dụng các thiết bị chưa thật sự hiệu quả vì nhiều lý do khác nhau.
Tần số vô tuyến điện vốn là tài nguyên quí của quốc gia, vì vậy phải sử dụng hiệu quả, đúng mục đích tần số đã được cấp phép. Song hiện nay, phần lớn tàu thuyền của Quảng Ngãi hoạt động trên biển không đăng kí sử dụng tần số. Ngư dân Nguyễn Tèo, xã Nghĩa An, thành phố Quảng Ngãi hành nghề lưới vây, hoạt động khai thác hải sản chủ yếu ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa.
Nhằm đảm bảo việc thông tin liên lạc trong quá trình đánh bắt trên biển, ông sử dụng thiết bị vô tuyến điện dùng để liên lạc với người thân ở nhà, tàu bạn, cơ quan cứu nạn. Tuy vậy, máy thông tin liên lạc đều không được đăng ký, cấp phép theo qui định của Luật Tần số vô tuyến điện (Số 42/2009/QH12 ngày 23/11/2009). Ngư dân Tèo cho biết: "Ở trên chưa hướng dẫn gì về việc đăng ký tần số vô tuyến điện, các ngư dân khác cũng chưa đăng ký nên mình cũng vậy. Khi lắp máy Icom này thì chủ cửa hàng có hướng dẫn cho mình cách sử dụng. Qua đó, mình cũng biết cách sử dụng tần số để liên lạc với những tàu thuyền trong đội đánh bắt".
Một trong những nguyên nhân khiến ngư dân không mặn mà với việc đăng ký sử dụng tần số liên lạc là chất lượng tần số được cấp phép thấp; yếu tố bí mật thông tin về ngư trường khai thác giữa các đội tàu không được đảm bảo. Ngư dân Lê Tấn Ku, Thuyền trưởng tàu cá QNg 97208TS cho hay: "Đối với thiết bị vô tuyến điện thì những tần số cố định đã được cài sẵn, còn những tần số mà mình làm ăn, liên hệ với nhau thì mình tự chọn, nay đi kênh này mai đi kênh khác, kênh nào rõ thì nhập vào nói chuyện với anh em thôi".
Việc đăng ký thiết bị phát sóng vô tuyến điện và sử dụng tần số đối với phương tiện nghề cá sẽ giúp ngư dân sử dụng tần số đúng qui định, các cơ quan chức năng chủ động liên lạc hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân trong các hoạt động trên biển nhằm hạn chế những thiệt hại do thiên tai gây ra, nâng cao hiệu quả sản xuất. Ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu, huyện Bình Sơn cho biết: Với máy Icom thì không phải khi nào cũng mở và có người trực, nên nhiều khi có việc khẩn, ngư dân không liên lạc được với gia đình và đơn vị quản lý. Nhưng khi đăng ký tần số vô tuyến điện, ngư dân đều liên lạc được với đài Duyên hải miền Trung mọi lúc và đài sẽ liên lạc với người nhà ngư dân để nghe điện theo tần số.
Một thiết bị mà hiện nay cũng đang được nhiều ngư dân lắp đặt, sử dụng là máy định dạng. Loại máy này có ưu điểm là có thể nhận dạng được tên, số nhận dạng, kích thước, vị trí, hướng của tàu khác ở xung quanh. Ngư dân Trần Chuyền, xã Nghĩa An, thành phố Quảng Ngãi cho biết: "Máy định dạng có ưu điểm là giá phải chăng (khoảng 24 triệu đồng) nên ngư dân có khả năng lắp đặt, giúp ngư dân xác định được vị trí của tàu; kinh độ vĩ độ, vị trí lưới của mình vừa thả xuống biển. Đặc biệt là khi có tàu nước ngoài ở gần thì máy sẽ báo các thông số của tàu đó như tên, kích thước, hướng đi, từ đó mình có thể biết được tàu của quốc gia nào, tránh hướng nguy hiểm có thể va chạm".
Tuy nhiên, điều làm cho ngư dân cảm thấy khó hiểu đối với máy định dạng là máy không hiển thị các thông tin về tàu của Trung Quốc. Ngư dân Nguyễn Văn Tiến, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn bức xúc: "Không biết là phía Trung Quốc phá sóng hay như thế nào, nhưng khi có tàu của họ ở gần thì máy định dạng không hiển thị các thông tin về tàu đó nên ngư dân thường nói với nhau rằng cứ thấy tàu nào ở gần mà máy không báo thì đó là tàu Trung Quốc".
Để đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thông tin, tránh tình trạng cạn kiệt nguồn tài nguyên, sử dụng hiệu quả các thiết bị máy móc hiện đại, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn để ngư dân sử dụng, chấp hành đúng qui định của pháp luật trong sử dụng các loại thiết bị trên tàu cá.