KINH TẾ BIỂN ĐẢO

Nguồn lợi từ việc nuôi nghêu

TTXVN-VNA | 03-12-2016 | 11:30 |

Nguồn lợi từ nuôi nghêu.

Từ lâu đời sống người dân xã biển Thới Thuận, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre gắn liền với con nghêu. Con nghêu là nguồn lợi mà thiên nhiên ưu ái ban tặng cho người dân ven biển xứ dừa. Sở dĩ mấy chục năm qua, con nghêu luôn song hành cùng bao thế người dân Thới Thuận là bởi tính “cộng đồng trách nhiệm” của các thành viên Hợp tác xã (HTX) thủy sản Rạng Đông trong việc bảo vệ và phát triển con nghêu luôn được phát huy.

Những nguồn lợi mang tên “con nghêu”

Con nghêu là tài nguyên thiên nhiên phong phú đã có từ lâu tại xã Thới Thuận, huyện Bình Đại. Bãi nghêu trước đây trải qua nhiều mô hình quản lý nhưng vẫn không hiệu quả. Năm 1997, được sự chỉ đạo của UBND tỉnh và hướng dẫn của Liên minh HTX Bến Tre, HTX thủy sản Rạng Đông, xã Thới Thuận chính thức được thành lập. Rạng Đông là hợp tác xã thủy sản quản lý, khai thác và tiêu thụ nghêu đầu tiên của tỉnh Bến Tre. Mỗi hộ dân ở xã Thới Thuận là thành viên của hợp tác xã và các thành viên trong gia đình đều được hưởng một phần lợi tức sau mỗi đợt khai thác nghêu.

Anh Mai Chiến Thắng, ấp Thới Lợi có hai con một tuổi và ba tuổi. Cả hai cháu lúc mới sinh ra, sau khi gia đình làm giấy khai sinh và đến hợp tác xã đóng 50.000 đồng/cháu “làm vốn”. Từ đây mỗi lần hợp tác xã thu hoạch nghêu và chia lợi tức thì các cháu đều được hưởng.

Hiện nay, xã Thới Thuận có 9.533 nhân khẩu thì tất cả đều được hưởng lợi như nhau từ con nghêu. Mỗi năm HTX thủy sản Rạng Đông thu hoạch nghêu tùy thuộc con nước, thường thì 2 lần/tháng. Và sau mỗi đợt thu hoạch tùy theo doanh thu mà chia cho các thành viên. 10 tháng đầu năm 2016, mỗi thành viên HTX nhận trên một triệu đồng từ doanh thu do con nghêu mang lại.

“Lợi tức chia cho các thành viên sau khi thu hoạch nghêu thực ra chưa nhiều. Nhưng cái lợi rất lớn từ con nghêu chính là giải quyết được việc làm ổn định cho lao động địa phương. Hiện nay, trên địa bàn xã có khoảng 1.000 lao động tham gia bắt nghêu, bảo vệ sân nghêu, vệ sinh bãi nghêu,…cho HTX. Mỗi năm HTX thu nhập sau thuế từ 40 - 60 tỷ đồng, trong đó tiền trả công cho số lao động này hơn 6,5 tỷ đồng”, ông Nguyễn An Ri, Giám đốc HTX thủy sản Rạng Đông cho biết.

Chúng tôi đến HTX thủy sản Rạng Đông đúng đợt thu hoạch nghêu. Từ sáng sớm những thành viên nào đến phiên đi cào nghêu sẽ ra bãi. Chị Bùi Thị Nga (45 tuổi) ở ấp 2, xã Thới Thuận cho biết chị không nhớ mình tham gia HTX từ năm nào và cũng không biết tham gia khai thác nghêu từ năm bao nhiêu tuổi, chỉ biết đến phiên thì lên HTX để nhận phiếu rồi ra bãi cào nghêu khi nào đủ 2 thùng (tương đương 40kg) thì nhận tiền công về.

“Mỗi buổi tham gia cào nghêu như vậy thì được trả công 150.000 đồng tương đương một phiếu. Nếu hộ nào không đi cào được thì tôi nhận phiếu đi cào, tiền công chia hai”, chị Nga nói.

Ông Nguyễn Minh Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Thới Thuận hào hứng cho biết ngoài việc đóng góp 15% cho địa phương từ nguồn bán nghêu thì HTX Rạng Đông còn góp phần cùng Hội khuyến học xã hỗ trợ học bổng cho các em học sinh, sinh viên; đóng góp xây dựng các công trình đường giao thông; nhà ở cho hộ nghèo, gia đình có công;… “Đặc biệt, trong năm 2016, hợp tác xã đã trích nguồn lợi từ con nghêu để xây dựng 5 nhà văn hóa ấp với tổng số tiền 2,5 tỷ đồng. Có lẽ đây là hợp tác xã thủy sản duy nhất của tỉnh làm được điều này”, ông Hùng chia sẻ.

Cộng đồng trách nhiệm

Năm 2009, nghề sản xuất và quản lý khai thác nghêu Bến Tre đã chính thức được Hội đồng quản lý biển quốc tế (Marine Stewardship Council - MSC), Quỹ Quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (World Wide Fund of Nature - WWF) cấp chứng nhận đạt tiêu chí MSC. Đây là giấy chứng nhận sản phẩm thủy sản sinh thái đạt chất lượng toàn cầu. Chính tiêu chí MSC đã nâng tầm giá trị con nghêu ở Bến Tre và ý thức của từng thành viên HTX.

Tại bãi khai thác nghêu, tất cả các thành viên cào nghêu đều dùng cào tay, cào lưới để bắt nghêu. Và dùng sàng để lựa nghêu đạt chuẩn, nghêu nhỏ thì thả lại bãi. Ông Nguyễn Văn Quẹo, ấp Thới Hòa 1 cho biết mấy chục năm đi khai thác nghêu ông đều dùng cào tay và cào lưới để bắt nghêu. “Bắt vậy mới giữ được mấy con nghêu nhỏ làm giống để đợt sau có nghêu mà khai thác tiếp. Nếu bắt hết thì vi phạm quy định”, ông Quẹo nói.

“Sau 5 năm tiêu chí MSC sẽ được tái chứng nhận một lần. Nếu việc quản lý và khai thác nghêu không đúng các tiêu chí như: chỉ được dùng các công cụ khai thác nghêu bằng tay (cào nghêu), không được dùng máy móc để tận diệt; khai thác nhưng vẫn giữ lại 20% nghêu trên bãi để tái tạo nguồn nguyên liệu; phải có cách quản lý tránh gây ô nhiễm bãi nghêu;… thì sẽ không được tái chứng nhận MSC. Vì vậy chúng tôi phải làm sao để con nghêu luôn phát triển trong điều kiện tốt”, ông Nguyễn An Ri cho biết.

Bãi nghêu xã Thới Thuận có diện tích thực nuôi là 600ha - diện tích lớn nhất cả tỉnh. Mỗi năm hợp tác xã Rạng Đông khai thác khoảng 2.000 tấn nghêu. Nhờ địa hình ổn định mà nghêu giống sinh trưởng và phát triển nhiều. Đây là nguồn để tái tạo vừa là nguồn để bán cho các hợp tác xã khác làm giống. Chính vì thế để phát triển nguồn lợi này, hợp tác xã quán triệt không cho khai thác nghêu bố mẹ ở lòng sông.

Khi phóng viên đề cập về tình trạng “cướp nghêu” đã làm nhiều HTX thủy sản lo lắng, thế nhưng chuyện đó không xảy ra ở hợp tác xã Rạng Đông. Ông Nguyễn Minh Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Thới Thuận kể những năm đầu HTX hoạt động, nhiều vụ việc rối ren đã xảy ra ở “mỏ nghêu” Thới Thuận. Lúc đó, do ăn chia không công bằng, người dân nơi đây không đồng tình việc người nơi khác đến bắt trộm nghêu giống lẫn nghêu thịt, phá nát bãi nghêu, gây hại môi trường nghiêm trọng.

“Năm 2000 mô hình HTX mới được hình thành với cách thức quản lý tập thể theo nguyên tắc: quản lý dân chủ - bình đẳng - cùng có lợi đã giúp cán bộ, xã viên thể hiện rõ quyền làm chủ tập thể của mình. Đồng thời giải quyết được việc làm cho nhân dân lao động, môi trường bãi nghêu được gìn giữ tốt là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển rõ rệt”, ông Hùng cho biết.

Ông Mai Văn Tiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX thủy sản Rạng Đông cho rằng, sở dĩ các HTX để xảy ra tình trạng bị “cướp nghêu” là do khâu ăn chia không đồng đều, thu – chi tài chính không minh bạch nên nảy sinh sự nghi ngờ trong thành viên hợp tác xã dẫn đến việc không mong muốn. Với hợp tác xã thủy sản Rạng Đông, mọi chi tiết thu – chi hay chia lợi tức đều được công khai trước các thành viên và đọc trên truyền thanh xã.

Bất cứ một việc lớn, nhỏ từ hỗ trợ học bổng khuyến học đến góp kinh phí xây đường nông thôn,… hội đồng quản trị và ban giám đốc đều công khai lấy ý kiến thành viên. Nhờ cách thức quản lý cộng đồng, ăn chia công bằng, minh bạch nên việc trộm nghêu, phá hại môi trường sống của nghêu không xảy ra ở Thới Thuận.

Theo bà Trần Thị Thu Nga, Chủ tịch Hội thủy sản Bến Tre, HTX thủy sản Rạng Đông chính là cánh chim đầu đàn trong việc tổ chức, quản lý cộng đồng trong khai thác, tiêu thụ nghêu và bảo vệ môi trường nuôi thủy sản ở Bến Tre. Từ mô hình hoạt động có hiệu quả của hợp tác xã thủy sản Rạng Đông, nhiều HTX thủy sản được hình thành sau đó học tập như HTX thủy sản Đồng Tâm (huyện Bình Đại), HTX thủy sản An Thủy, Tân Thủy (huyện Ba Tri), HTX thủy sản Đoàn Kết (huyện Thạnh Phú)... Các HTX đã phát huy hiệu quả, góp phần bảo tồn và phát triển nguồn lợi con nghêu Bến Tre./.

Trần Thị Thu Hiền

Tin mới nhất

Khám phá chuỗi “đảo ngọc” Cát Bà

Với tổng diện tích 336km2, Cát Bà hiện là quần đảo đá vôi lớn nhất Việt Nam với 388 hòn đảo lớn nhỏ, mật độ núi đá vôi dày đặc chia cắt mặt nước biển thành những áng, vịnh nhỏ, với nhiều bãi cát còn n

Ông Lý Hiển Long và ông Duterte bàn chuyện Biển Đông

Ngày 15/12, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã tiếp đón Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đang ở thăm.

Ông Obama tiết lộ chuyện Trung Quốc phản ứng mạnh hơn vấn đề Biển Đông

Ngày 16/12, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng Tổng thống đắc cử Donald Trump hoàn toàn có thể xem xét lại chính sách "một Trung Quốc" đối với Đài Loan,