TTXVN-VNA | 28-11-2016 | 11:35 |
Những lưu ý về hoạt động đánh bắt cá trên Biển Đông
Trang mạng “blogs.wsj.com” (Ngày 28/11)
Biển Đông là vựa cá khổng lồ và đem lại nguồn thu quan trọng cho xuất khẩu. Tranh chấp chủ quyền giữa 6 quốc gia và vùng lãnh thổ đã dẫn đến đụng độ giữa các tàu cá khi chính phủ các nước tìm cách kiểm soát không chính thức các rạn san hô, đảo đá và các thực thể khác. Tháng 7/2016, Tòa Trọng tài ở La Hay đã ra phán quyết rằng các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở hầu hết vùng biển này không có cơ sở pháp lý, điều làm dấy lên quan ngại về hậu quả của việc các nguồn cá bị thu hẹp. Dưới đây là 5 thông tin cơ bản về hoạt động đánh bắt cá trên Biển Đông.
1. Nguồn cá không còn nhiều như trước
Theo các nhà nghiên cứu tại Đại học British Columbia, nguồn cá ở Biển Đông đã giảm 70-95% so với thời kỳ những năm 1950. Các nhà nghiên cứu cho rằng nếu không có bất kỳ hành động nào để cải thiện việc quản lý đánh bắt cá, trong vòng 20 năm tới nguồn cá này sẽ sụt giảm thêm 59% so với quy mô năm 2015. Các ước tính này chỉ mang tính tương đối bởi chưa tính đến các hoạt động đánh bắt cá không thường xuyên và không thông báo.
2. Cá là nguồn lực kinh tế có giá trị
Lượng cá đánh bắt ở Biển Đông chiếm tới khoảng 12% sản lượng đánh bắt toàn thế giới. Theo các nghiên cứu chỉ ra, giá trị của nguồn cá đánh bắt ở Biển Đông trên thị trường chưa đầy 22 tỷ USD. Tuy nhiên, việc đánh bắt quá mức liên tục đồng nghĩa rằng nguồn thu từ cá của các nước có yêu sách chủ quyền ít hơn con số lẽ ra họ có thể nhận được nếu họ cẩn thận hơn trong việc hạn chế lượng cá đánh bắt trong một năm.
Lấy ví dụ, Trung Quốc có thể đánh bắt thêm 5 triệu tấn nữa trong năm 2004 nếu như họ không đánh bắt quá mức trong những năm 1990. Kết quả này dựa theo một phân tích được các nhà nghiên cứu ở Mỹ thực hiện năm 2012, trong đó sử dụng các mẫu để so sánh khả năng đánh bắt ở mức cao nhất với con số được ghi nhận. Nghiên cứu đó cũng cho thấy Mỹ đã để mất sản lượng tiềm năng lên tới 19 triệu tấn cá do đánh bắt quá mức.
3. Các tàu cá Trung Quốc áp đảo trên biển
Theo các nhà phân tích đang theo dõi các diễn biến ở các khu vực tranh chấp trên Biển Đông, các tàu cá Trung Quốc đang áp đảo tàu cá của các nước khác về số lượng, được hộ tống bởi các tàu bảo vệ bờ biển và có thiết bị định vị hiện đại hơn.
Một số quốc gia như Indonesia đã mạnh tay bắn phá các tàu cá nước ngoài mà họ cho là xâm phạm lãnh hải của họ. Theo số liệu của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), có khoảng 4,7 triệu tàu cá hoạt động trên thế giới trong năm 2012. 68% trong số đó hoạt động ở châu Á và gần 700.000 tàu đến từ Trung Quốc, con số lớn hơn rất nhiều so với bất kỳ nước nào khác.
4. Châu Á đang “thèm khát” cá
Theo ước tính của Liên hợp quốc, một người Đông Nam Á và Trung Quốc tiêu thụ khoảng 24,2 kg cá mỗi năm. Con số này ở mỗi nước là khác nhau, như ở Campuchia là khoảng 63,2 kg/năm và ở Trung Quốc là 9,7 kg/năm. Đối với nhiều người trong khu vực, cá là nguồn cung protein chủ yếu, đặc biệt ở những nơi các nguồn thực phẩm khác đắt đỏ hơn, sử dụng nhiều lao động hoặc cần nhiều đất đai để nuôi trồng. Theo Cơ quan Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ, lượng tiêu thụ hải sản trung bình mỗi năm ở Mỹ chỉ là 6,5 kg trong năm 2012.
5. Tác động của phán quyết Biển Đông tới hoạt động đánh bắt cá
Phán quyết của Tòa Trọng tài đã bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở hầu hết Biển Đông. Phán quyết cũng tuyên bố không một thực thể đang tranh chấp nào trong khu vực đáp ứng tiêu chuẩn là các đảo, do đó không được hưởng vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý cho hoạt động đánh bắt cá và khoan thăm dò dầu khí. Điều này mở ra một vùng lãnh thổ tự do cho mọi ngư dân theo luật quốc tế và bác bỏ các tuyên bố trước kia của các ngư dân vốn hy vọng được độc quyền khai thác các vựa cá xung quanh các thực thể đang tranh chấp.