CHÍNH SÁCH BIỂN ĐẢO

Nỗ lực vì sự học ở xã đảo nghèo Khánh Bình Tây

TTXVN-VNA | 24-11-2016 | 16:37 |

Từ Nam Định, cô Phạm Thị Nhung lặn lội vào tận đất Mũi Cà Mau từ năm 17 tuổi, gắn bó với   học sinh xã đảo nghèo Khánh Bình Tây (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) gần 20 năm nên với cô vùng đất mặn mòi này đã trở thành quê hương thứ 2. Nhiều năm làm việc, cô đã trở thành người mẹ thứ hai thân quen của nhiều thế hệ học sinh của trường Tiểu học 2 Khánh Bình Tây (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau).   
     
  Những ngày đầu ở xã đảo nghèo Khánh Bình Tây, sự khác biệt về văn hóa vùng miền, cộng thêm phải làm giúp gia đình người họ hàng công việc đồng áng khiến nhiều khi cô nản lòng. Cô kể có những buổi chiều heo hút, nghĩ đến quê nhà xa cách tận hàng nghìn cây số mà không cầm được nước mắt...  
       
  Nhớ lại những tháng ngày khó khăn nhất khi về nhận công tác, cô Nhung chia sẻ: Xã Khánh Bình Tây là một xã nghèo vùng sâu, có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Đường đến trường phải băng qua mấy con sông, việc đi lại khá gian khổ. Chưa kể đến việc trường lớp tạm bợ, cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy thiếu thốn. Do là xã nghèo vùng sâu, các em học sinh chủ yếu con em gia đình khó khăn đồng bào dân tộc Khmer nên phần lớn gia đình không mấy mặn mà với con chữ mà chỉ muốn con cái ở nhà phụ giúp cha mẹ thay vì đến trường. Với họ, miếng cơm manh áo trước mắt quan trọng hơn rất nhiều so với việc cho con cái đi học.  
  Hàng ngày sau giờ học, cô phải chèo xuồng đến từng nhà vận động phụ huynh cho con em tiếp tục đến trường. Có những gia đình cô phải đến tận 4-5 lần mới thuyết phục được. Đường đến trường phải di chuyển bằng xuồng chèo tay, rồi bỏ dép lội qua mấy con mương, băng qua những con đường đầy lau sậy. Hôm nào cũng như vậy nên có những đôi dép cô dùng đến 3 năm vẫn còn như mới. Cô kể, đồng nghiệp thường đùa nhau ở đây tiết kiệm được nhiều tiền mua dép vì không thể dùng với những con đường đầy bùn đất. Khó khăn là thế nhưng cô Nhung chia sẻ, suốt quãng thời gian đó, dù có lúc nản chí nhưng   chưa bao giờ cô nghĩ sẽ bỏ nghề. Nhìn các em học sinh tuổi nhỏ đã phải làm việc nặng nhọc, không chỉ thiếu thốn về sách vở, quần áo đến trường, nhiều học sinh còn ăn không đủ no, có em đến lớp lả đi vì đói, có em 14-15 tuổi mới đến trường học lớp một thì mọi vất vả, suy tính thiệt hơn trong cô tan biến, cô lại có thêm nghị lực, quyết tâm để tiếp tục công việc của mình.     
  Để gắn bó với Khánh Bình Tây, cô Nhung phải tìm cách thay đổi chất giọng đặc trưng miền Bắc của mình và nói chậm lại để học sinh người dân tộc Khmer chưa rành tiếng Kinh có thể hiểu bài giảng. Sau 20 năm gắn bó với xã đảo nghèo, cô giáo 37 tuổi tươi cười cho biết giờ đã quen với các phương ngữ Nam bộ còn hơn cả từ ngữ nơi quê nhà. Đôi lúc cũng giật mình nhận ra, thời gian sống ở “vùng quê thứ hai” này đã nhiều hơn cả nơi chôn nhau cắt rốn.       
  Gần 20 năm làm giáo viên ở xã nghèo, cô Phạm Thị Nhung vui mừng vì quan niệm của các bậc phụ huynh về chuyện học hành đã thay đổi theo thời gian. Với sự vận động, thuyết phục của các thầy cô giáo, các em học sinh được cha mẹ tạo điều kiện học hành, trường lớp của các em cũng khang trang, sạch sẽ hơn.     
  Trong số những học trò thời “ăn không no” của cô Nhung, nhiều em nay đã trở thành đồng nghiệp của cô,   cùng người thầy của mình ngày đêm miệt mài gắn bó với sự nghiệp trồng người nơi xã đảo. Đó là niềm vui cũng là niềm tự hào của người giáo viên như cô Nhung khi truyền được ngọn lửa đam mê cho thế hệ sau này.   Được thấy các em học tập chăm chỉ, đến trường mỗi ngày là niềm vui, là món quà tri ân ý nghĩa nhất đối với cô Nhung cũng như những người giáo viên đang ngày đêm tận tụy truyền dạy kiến thức cho học sinh./.    
  Ngọc Anh

Tin mới nhất

Khám phá chuỗi “đảo ngọc” Cát Bà

Với tổng diện tích 336km2, Cát Bà hiện là quần đảo đá vôi lớn nhất Việt Nam với 388 hòn đảo lớn nhỏ, mật độ núi đá vôi dày đặc chia cắt mặt nước biển thành những áng, vịnh nhỏ, với nhiều bãi cát còn n

Ông Lý Hiển Long và ông Duterte bàn chuyện Biển Đông

Ngày 15/12, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã tiếp đón Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đang ở thăm.

Ông Obama tiết lộ chuyện Trung Quốc phản ứng mạnh hơn vấn đề Biển Đông

Ngày 16/12, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng Tổng thống đắc cử Donald Trump hoàn toàn có thể xem xét lại chính sách "một Trung Quốc" đối với Đài Loan,