Mỗi năm, Bệnh viện đa khoa Bạch Long Vỹ khám chữa bệnh cho khoảng 3.000 bệnh nhân là chiến sĩ, người dân. Hàng chục ca mổ, trong đó có nhiều ca khó như chửa ngoài tử cung vỡ, viêm ruột thừa cấp, vết thương thấu phổi, thấu gan, ngộ độc… đã được các y bác sĩ thực hiện thành công.
Bác sĩ Nguyễn Đức Quân, Giám đốc Bệnh viện sinh ra và lớn lên trên đất cảng Hải Phòng nhưng đã tình nguyện ra đảo. Anh tâm niệm: “Tuổi trẻ được cống hiến cho đảo, cho ngành y và cho nhân dân là những năm tháng hết sức ý nghĩa. Dù công tác tại đảo sẽ gặp nhiều khó khăn do điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn nhưng đó cũng là thử thách giúp các các bộ, nhân viên ở bệnh viện thêm rắn rỏi”.
Trong ký ức của mình, bác sĩ Quân không thể quên những quyết định khó khăn khi anh và đồng nghiệp gặp ca bệnh nặng. Trong một đêm biển động, trời giông bão, anh và đồng nghiệp tiếp nhận một phụ nữ mang thai trong tình trạng đau bụng dữ dội, mất nhiều máu. Sau khi hội chẩn, bệnh nhân được xác định mang thai ngoài tử cung bị vỡ. Cách duy nhất để cứu bệnh nhân là mổ cấp cứu cầm máu.
“Với trang thiết bị trên đảo thì rất khó để đảm bảo tính mạng cho bệnh nhân. Những ca bệnh như thế này thường sẽ được chuyển vào đất liền. Tuy nhiên lúc đó đảo Bạch Long Vỹ có gió giật cấp 8, 9, sóng lớn nên việc chuyển bệnh nhân vào đất liền là không thể. Trong giờ phút sinh tử, tôi và các đồng nghiệp đã hội chẩn, xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo cấp trên và quyết định mổ cấp cứu cho bệnh nhân”, bác sĩ Quân nhớ lại.
Ca mổ đã thành công, tính mạng bệnh nhân được an toàn. Đây là một trong những ca mổ khó nhất từ trước đến nay được bệnh viện huyện đảo này thực hiện thành công, giúp người dân thêm yên tâm bám đảo.
Bác sĩ Nguyễn Đức Quân cho biết thêm, bệnh viện đang triển khai ngân hàng máu sống để đảm bảo dự trù đủ nguồn máu cấp cứu cho bệnh nhân mất máu cấp. Với bệnh viện tuyến đảo, điều này là quan trọng hàng đầu vì hai yếu tố quan trọng dẫn đến tử vong là máu và khí thở. Nguồn máu hiện tương đối dồi dào do các cán bộ y bác sĩ và đoàn viên trên đảo đăng kí.
Đặc biệt, ngày 5/8 vừa qua, ngư dân Nguyễn Văn Thiết bị đứt rời 3/4 cánh tay, mất máu nhiều. Bệnh viện đã lấy máu từ nữ hộ sinh Nguyễn Thị Hương truyền trực tiếp cho bệnh nhân và bệnh nhân đã được cứu sống. Bộ Y tế đã ghi nhận đây là một trong những ca truyền máu đầu tiên tại bệnh viện tuyến đảo.
Trò chuyện với phóng viên, nữ hộ sinh Nguyễn Thị Hương không nói nhiều mà chỉ cười. Xuất thân từ một nữ thanh niên xung phong, chị Hương luôn giữ vững tinh thần xung kích đi đầu, coi tính mạng bệnh nhân là quan trọng số một. Do đó, chị không ngần ngại hiến máu trong trường hợp khẩn cấp.
Bác sĩ Quân cho biết, bệnh viện đã thành lập được các đơn nguyên chuyên khoa như sản, nhi… để chuẩn bị cho việc tách khoa độc lập. Bệnh viện cũng đã thành lập các đội y tế dự phòng, tổ đội y tế để chăm sóc sức khỏe cho người dân tại ngay các tàu thuyền, tuyên truyền phòng chống dịch bệnh.
“Bệnh viện vừa là tuyến đầu vừa là tuyến cuối, chữa trị từ những bệnh đơn giản nhất đến phức tạp nhất và hãn hữu lắm mới phải chuyển bệnh nhân vào đất liền. Điều kiện vận chuyển trên biển không đảm bảo an toàn tính mạng cho bệnh nhân. Đồng thời, số tiền vận chuyển cũng quá lớn với người dân. Do đó, chúng tôi luôn nỗ lực hết sức để chữa trị cho bệnh nhân ngay trên đảo”, bác sĩ Quân nói
Cũng như bác sĩ Quân, bác sĩ – đại úy Lê Ngọc Trọng, bệnh xá trưởng Bệnh xá Quân dân y Bạch Long Vỹ đã nhiều năm gắn bó với đảo. Trong phòng cấp cứu của bệnh xá, bác sĩ Trọng sát trùng và tra thuốc cho một ngư dân Quảng Bình bị axit bắn vào mắt trong quá trình nạp ắc quy. Bác sĩ Trọng không quên dặn dò người thân của ngư dân này phải sơ cứu đúng cách, đồng thời phát thuốc cho bệnh nhân.
Bác sĩ Trọng tâm sự: “Ngư dân đi biển dài ngày nhưng nhiều khi thiếu kĩ năng sơ cứu ban đầu. Chẳng hạn khi bị bỏng họ lại rửa vết thương bằng rượu hay nước mắm. Do đó, tôi luôn phải nhắc nhở họ”.
Trong 7 năm ở đảo, bác sĩ Trọng đã chữa trị cho không biết bao nhiêu bệnh nhân. Trong đó, có một trường hợp xảy ra vào Tết năm 2014 khiến anh nhớ mãi. Một chiến sĩ ở trạm ra đa 27 đột nhiên bị chảy máu cam liên tục, không cầm được do huyết áp tăng. Trong khi đó, đồng chí vẫn phải trực chiến tại trạm.
“Chúng tôi đã cầm máu, tuy nhiên chỉ được một lúc là máu lại chảy. Thế là trong lúc đồng chí ấy làm việc tại trạm ra đa trên đồi, chúng tôi ở bên điều trị luôn. Sau đó đồng chí phải kết hợp nghỉ ngơi thì bệnh tình mới đỡ”, bác sĩ nhớ lại.
Theo đề án của Bộ Y tế, sắp tới sẽ kết hợp hai đơn vị bệnh viện và bệnh xá quân dân y trên đảo để thành lập một Trung tâm y tế quân dân y Bạch Long Vỹ. Khi ấy việc khám chữa bệnh cho quân và dân trên đảo sẽ tốt hơn nữa. Thực tế hiện nay, với các trường hợp khẩn cấp, cả hai đơn vị vẫn huy động tất cả nhân lực y bác sĩ để chữa trị cho bệnh nhân.