BIỂN ĐÔNG

Biển Đông: Điều thực sự thay đổi tại Bãi cạn Scarborough

TTXVN-VNA | 05-12-2016 | 16:06

   TTXVN (Hà Nội 5/12)   

  Tờ “The Diplomat” mới đây có bài phân tích về những diễn biến gần đây tại Bãi cạn Scarborough, trong đó cho rằng sự giảm nhiệt tại Bãi cạn Scarborough là hoàn toàn dễ hiểu.

  Theo bài viết, Bãi cạn Scarborough hiện vẫn bị lực lượng Hải cảnh Trung Quốc giám sát, tuy nhiên cách đây không lâu, các ngư dân Philippines lại được tiếp cận khu vực này. Hồi cuối tháng 10 vừa qua, theo lời các ngư dân, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana xác nhận rằng ngư dân nước này đã có thể tiếp cận Bãi cạn Scarborough. Hãng tin Reuters dẫn lời phát biểu của ông Lorenzana với báo giới hồi cuối tháng 10 vừa qua: “Từ 3 ngày nay đã không còn xuất hiện các tàu của Trung Quốc tại khu vực Scarborough, dù là tàu hải cảnh hay hải quân”. Tuy nhiên, ngay sau đó, Bộ trưởng Lorenzana đã thừa nhận sự nóng vội của mình khi đưa ra tuyên bố trên, bởi Hải cảnh Trung Quốc vẫn duy trì tại bãi cạn này, nhưng ngư dân Philippines thì đã được tiếp cận các vùng nước gần bãi cạn Scarborough.    

  Mặc dù tình trạng này chắc chắn là một sự cải thiện so với nguyên trạng vốn vẫn duy trì sau khi Tòa Trọng tài tại La Hay ngày 12/7/2016 ra phán quyết về những tranh chấp giữa Manila và Bắc Kinh ở Biển Đông, mọi chuyện vẫn không thể quay trở lại giai đoạn năm 2012, trước khi Trung Quốc bị cáo buộc chiếm bãi cạn này từ phía Philippines. Tuy vậy, ông Lorenzana sau đó đã mô tả tình trạng ở Scarborough là “một sự tiến triển đáng hoan nghênh nhất”. Ngoài ra, Thư ký phụ trách Truyền thông tại Dinh Tổng thống Philippines Martin Andanar cũng tuyên bố “Dinh Tổng thống hoan nghênh sự tiến triển tốt đẹp tại Bãi cạn Scarborough đối với các ngư dân của chúng ta”.   

  Cùng lúc, Trung Quốc ở mức độ nào đó đã nói rõ hơn về vai trò của họ tại Scarborough. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hứa Chấn Ninh cho biết: “Phía Trung Quốc luôn áp dụng quyền tài phán bình thường đối với Đảo Hoàng Nham (cách gọi của Trung Quốc đối với Scarborough). Tình trạng ở đó đang và sẽ không thay đổi”. Bà Hứa Chấn Ninh cũng nhấn mạnh “Chúng ta đang chứng kiến sự cải thiện về mọi mặt trong quan hệ Trung Quốc-Philippines sau chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Philippines Duterte. Với những điều kiện như thế này, phía Trung Quốc sẽ áp dụng những sự điều chỉnh thích hợp dựa trên tình hữu nghị giữa Trung Quốc và Philippines để giải tỏa vấn đề mà ông Duterte lo ngại”.   

  Tuy nhiên, tuyên bố trên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc vẫn không phải là một lời cam kết mang tính ràng buộc về những thay đổi gần đây tại Scarborough, vốn đã xảy ra sau chuyến thăm được theo dõi chặt chẽ của ông Duterte đến Trung Quốc, nơi ông và Chủ tịch Tập Cận Bình ký kết một loạt thỏa thuận và nhất trí duy trì các cuộc đàm phán song phương về tranh chấp ở Biển Đông.   

  Đối với Bắc Kinh, sự điều chỉnh tại Bãi cạn Scarborough cũng mang lại được một số lợi ích.     

  Thứ nhất, dù Trung Quốc không công nhận tính hợp pháp của phán quyết hôm 12/7 vừa qua, vốn trao quyền cho ngư dân Philippines được tiếp cận bãi cạn này, qua đó khẳng định “Đường 9 đoạn” rộng lớn mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông là không có hiệu lực theo Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển, thì trên thực tế Trung Quốc vẫn đang tuân theo phán quyết trong chừng mực liên quan đến Bãi cạn Scarborough.   

  Thứ hai, Trung Quốc đã thể hiện được mình có tài lão luyện trong việc sử dụng chiến thuật “cây gậy và củ cà rốt” để điều chỉnh quan hệ với Philippines khi mà các tranh chấp ở Biển Đông đã trở thành vấn đề nhức nhối kể từ năm 2012. Dưới thời cựu Tổng thống Benigno Aquino III, thế giới hầu như đã chứng kiến “những cây gậy” được triển khai ở Biển Đông. Tuy nhiên, dưới thời Duterte, với chủ nghĩa chống Mỹ mạnh mẽ, Bắc Kinh đã nhìn thấy một cơ hội thích hợp để chìa ra “củ cà rốt”, qua đó thôi thúc vị tổng thống khó đoán và dễ thay đổi của Philippines đi đến cam kết cho chủ trương giải quyết song phương trong quan hệ giữa hai nước.   

  Đặc biệt, việc duy trì quan hệ tốt với Philippines trong vấn đề Bãi cạn Scarborough còn mang ý nghĩa cốt yếu cho Trung Quốc bởi Manila sẽ đảm nhiệm chức Chủ tịch luân phiên của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong năm tới.    

  Với tất cả các ý nghĩa này, một sự xoa dịu căng thẳng tại Bãi cạn Scarborough là hoàn toàn dễ hiểu và có lợi đối với Trung Quốc.