Kể từ khi triển khai Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về việc thực
hiện cho ngư dân vay vốn đóng tàu đánh bắt xa bờ, UBND tỉnh Bình Định đã
phê duyệt danh sách đóng mới cho 239 tàu cá; trong đó có 146 tàu vỏ
thép, 76 tàu vỏ gỗ và 17 tàu vỏ composite.
Ngư dân cũng đã ký kết hợp
đồng vay vốn tại các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh với tổng số
51 tàu, bao gồm 44 tàu vỏ thép, 3 tàu vỏ composite và 4 tàu vỏ gỗ. Các
ngân hàng đã cam kết cho vay xấp xỉ 801 tỷ đồng, trong đó đã giải ngân
cho 47 hợp đồng đóng mới tàu với tổng số tiền trên 500 tỷ đồng.
Ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn tỉnh Bình Định, cho biết, toàn tỉnh hiện có 34 tàu cá được đóng
mới theo Nghị định 67 đã được hạ thuỷ; trong đó có 29 tàu vỏ thép, 3 tàu
vỏ composite và 2 tàu vỏ gỗ. UBND tỉnh cũng đã phê duyệt cho các chủ
tàu đủ điều kiện nâng cấp cho 47 tàu cá khác và giải ngân cho vay vốn
lưu động 23 chủ tàu với tổng số tiền trên 14 tỷ đồng; đồng thời, phê
duyệt cho 2.702 tàu cá có đủ điều kiện để thực hiện chính sách bảo hiểm
gần 32,5 tỷ đồng…
Cũng theo ông Phúc, thì điều đáng mừng là toàn tỉnh hiện có 21 tàu
vỏ thép đã ra khơi bám biển từ 1 đến 5 chuyến và đạt hiệu quả kinh tế
khá cao. Trung bình mỗi tàu lãi từ 60 triệu đến 80 triệu đồng/tàu/chuyến
biển, đặc biệt có 3 tàu đạt lợi nhuận 150 triệu đồng/tàu/chuyến biển.
Cũng vì thế, ngư dân đã yên tâm hơn trong việc bám biển và tiếp cận tốt,
vận hành bảo quản chất lượng sản phẩm trên tàu vỏ thép và tàu vỏ
composite.
Được biết từ năm 2011 đến nay, tại tỉnh Bình Định, tổng số tàu
đóng mới và cải hoán nâng cấp, thay máy có công suất từ 90 CV trở lên
cho 2.789 tàu. Nhờ vậy, sản lượng khai thác hải sản hàng năm càng tăng,
năm sau cao hơn năm trước. Riêng năm 2016 sản lượng đánh bắt tăng 4,7%,
góp phần đưa giá trị sản xuất thuỷ sản của toàn tỉnh đạt trên 7.009
tỷ đồng, tăng 4,5 % so với cùng kỳ. Từ đó, gia tăng thu nhập của người
lao động đánh bắt hải sản xa bờ và kinh tế của ngư dân cũng ngày càng ổn
định, phát triển./.
Viết Ý
- Thùy Linh