BIỂN ĐÔNG

Cạnh tranh Trung-Mỹ làm dậy sóng Biển Đông thế nào?

TTXVN-VNA | 28-12-2016 | 13:37

Tàu sân bay thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ.

Tranh chấp ở Biển Đông không phải là vấn đề tranh chấp lãnh thổ đơn giản. Nó bắt nguồn từ một sự cạnh tranh địa chính trị khốc liệt giữa Mỹ và Trung Quốc với Philippines và các quốc gia khác.

 

Tờ Tiêu điểm Chính sách Đối ngoại, một dự án của Viện Nghiên cứu Chính sách (Mỹ) mới đây đã đăng bài viết của nhà phân tích cấp cao Walden Bello, người từng là thành viên trong Hạ viện Philippines, bình luận về sự cạnh tranh Trung – Mỹ và tác động đối với những căng thẳng ở Biển Đông. Dưới đây là một số nội dung chính.



Philippines có vẻ đã giành được thắng lợi lớn trước Trung Quốc trong một phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực ở La Haye (Hà Lan), vốn bác bỏ yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông. Nhiều người cho rằng phán quyết không chỉ có lợi cho Philippines, mà còn đối với tất cả những nước Đông Nam Á khác có tuyên bố chủ quyền liên quan đến các phần khác nhau ở Biển Đông. Một số người cho biết thêm rằng điều này tạo ra một tiền lệ quan trọng để giải quyết tranh chấp hàng hải giữa các nước ở tất cả các khu vực trên thế giới.

 

Nhưng phán quyết trên không phải là một chiến thắng hoàn toàn đối với Philippines. Và ít nhất trong ngắn hạn, nó sẽ không mở cánh cửa hòa bình cho khu vực.



Không chỉ đơn giản là tranh chấp lãnh thổ



Tranh chấp ở Biển Đông không phải là vấn đề tranh chấp lãnh thổ đơn giản. Trong thực tế, có thể nói rằng nó bắt nguồn chủ yếu từ một sự cạnh tranh địa chính trị khốc liệt giữa Mỹ và Trung Quốc, với Philippines và các quốc gia ven biển khác bị thiệt hại ngoài dự kiến.

 

Một tàu khu trục tên lửa dẫn đường của Trung Quốc tập trận trên biển năm 2014. Ảnh: AP

 

 


Người ta không thể hiểu lý do tại sao Trung Quốc đã hành động theo cách như họ đã làm trong khi không nhớ đến cú sốc lớn mà các lãnh đạo Trung Quốc nhận được năm 1996 - sau khoảng thời gian 24 năm của sự tan băng và có mối quan hệ thân thiện với Mỹ - Bắc Kinh đã bị “dằn mặt” bằng một sự phô trương lực lượng của hai nhóm tàu sân bay mà chính quyền Clinton phái tới nhằm cảnh báo Trung Quốc kiềm chế trong cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan. Một trong những tàu sân bay, tàu USS Nimitz, đã đi qua eo biển Đài Loan một cách khiêu khích. Đây là màn thị uy lớn nhất của lực lượng quân sự Mỹ trong khu vực kể từ sau Chiến tranh Việt Nam.



Những e ngại của Trung Quốc đã tăng lên khi chính quyền George W. Bush, trước khi xảy ra các vụ tấn công khủng bố ngày 11/9, đã đưa ra một Chỉ thị Chiến lược An ninh Quốc gia xác định lại Trung Quốc từ "đối tác chiến lược" thành "đối thủ cạnh tranh chiến lược".



Nhưng rất nhiều vấn đề liên quan cụ thể đi kèm với sự định nghĩa lại trên đã bị trì hoãn sau vụ 11/9, vì chính quyền Bush đã phải nỗ lực tranh thủ sự hợp tác của Trung Quốc trong cuộc chiến chống khủng bố. Tuy nhiên, nhiều người ở Lầu Năm Góc, Bộ Ngoại giao Mỹ và Nhà Trắng nghĩ rằng cuộc chiến chống khủng bố và những cuộc phiêu lưu Trung Đông của chính quyền Bush đã làm sao lãng khỏi từ những gì nên là động lực chiến lược thực sự của chính sách Mỹ - đó là tập trung vào Trung Quốc như một đối thủ chiến lược chủ yếu.



Cuối cùng, họ cũng đạt được mong muốn khi chính quyền Obama tuyên bố "Xoay trục tới châu Á” hay “Xoay trục tới Thái Bình Dương” - thường được mô tả như một kế hoạch được che đậy nhằm kiềm chế Trung Quốc - như là chiến lược lớn của Mỹ lớn trong khu vực.

 

Trung Quốc sai ở đâu?



Một yếu tố trung tâm trong phản ứng của Bắc Kinh với điều mà họ cho là "sự bao vây của Mỹ", là coi Biển Đông như là một phần trong vành đai phòng thủ của mình. Và Trung Quốc đã sai lầm khi có những hành động đơn phương để thực hiện quan điểm này.



Bắc Kinh biết rằng họ có chung đường biên giới trên biển với ít nhất 5 quốc gia ven biển khác, mà không có thoả thuận về đường phân ranh giới. Tất cả đều biết rằng các nước ASEAN từ lâu đã thúc đẩy các cuộc đàm phán đa phương để xác định đường phân giới trên biển theo Công ước 1982 về Luật Biển mà Bắc Kinh đã tham gia ký kết.



Mặc dù biết tất cả điều này, Bắc Kinh vẫn có những hành động đơn phương, đầu tiên chia cắt và củng cố Đá Vành Khăn vào giữa những năm 1990, với lý do xây dựng nơi trú ẩn cho ngư dân Trung Quốc. Tiếp theo là một tuyên bố năm 2009, đơn phương khẳng định "chủ quyền không thể tranh cãi" của Trung Quốc đối với tất cả các đảo và kết cấu ở Biển Đông, kèm theo đó là bản đồ "đường 9 đoạn” mà không có chứng cứ pháp lý hay lời giải thích chính thức nào. 



Có một số lý do tại sao Trung Quốc đã cư xử theo cách họ đã làm, nhưng một lý do chủ yếu là quyết định chiến lược để biến một phần khu vực thành vành đai phòng thủ của Bắc Kinh nhằm chống lại sự bao vây của Washington. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, Trung Quốc đã viện đến cách hành xử của một cường quốc - điều mà Bắc Kinh thường chỉ trích khi nó được thể hiện bởi phương Tây - coi các nước láng giềng của mình không là gì, ngoài việc gây ra những thiệt hại ngoài dự tính trong sự đối đầu địa chính trị ngày càng tăng giữa Bắc Kinh với Washington.



Trung Quốc có thể đã hành động khác - ví dụ bằng cách làm việc với ASEAN để soạn thảo một hiệp ước đa phương để phong tỏa khu vực khỏi sự cạnh tranh giữa các cường quốc, cùng với việc bắt đầu các cuộc đàm phán về một bộ quy tắc ứng xử để chi phối hành vi của các bên có yêu sách trong khu vực. Trong thực tế, đó là điều mà Trung Quốc và các nước ASEAN đã đồng ý đàm phán vào năm 2002.



Thay vào đó, Bắc Kinh đã chọn chủ nghĩa đơn phương, bịa ra những quyền không tồn tại dựa trên các tài liệu đáng ngờ nhất.