KINH TẾ BIỂN ĐẢO

Chuyển đổi diện tích đất ven biển để quy hoạch trồng rừng phòng hộ

TTXVN-VNA | 06-12-2016 | 15:42

Ông Cao Chí Công, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Ninh Đức Phương - TTXVN

Hội thảo "Tăng cường công tác quản lý và phát triển bền vững rừng ngập mặn" vừa được tổ chức ngày 6/12 tại Ninh Bình với sự tham dự của các nhà khoa học, nhà quản lý các tỉnh nằm trong vùng hưởng dự án từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh. 

Trong suốt những năm qua, dự án trồng rừng ngập mặn đã được Hội Chữ thập đỏ 10 tỉnh gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình triển khai, đạt những kết quả quan trọng với 3 loại cây: trang, đước và bần trên diện tích 24.000 ha, hiện còn sống và che phủ gần 9.000 ha, bảo vệ gần 100 km đê biển. 

Theo Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, diện tích rừng ngập mặn do tổ chức này trồng chiếm trên 4,27% tổng diện tích rừng ngập mặn hiện đang tồn tại tại Việt Nam, chiếm khoảng 25% diện tích rừng tại các tỉnh có triển khai chương trình. 

Hội nghị đã tập trung phân tích, thảo luận những mặt tích cực cũng như những tồn tại, hạn chế trong thực hiện dự án thời gian vừa qua. Theo ông Cao Chí Công, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam có 29 tỉnh có bờ biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang, đây là khu vực thường xuyên chịu nhiều rủi ro do thiên tai gây ra. Do vậy, việc phục hồi và phát triển diện tích rừng ven biển là hết sức cần thiết, trong đó Việt Nam đề ra mục tiêu trồng mới trên 46.000 ha rừng ngập mặn. 


Để đạt mục tiêu này, ông Cao Chí Công đề nghị các địa phương rà soát, chuyển đổi những diện tích đất ven biển quy hoạch trồng rừng sản xuất hoặc thuộc các loại đất khác đang bị xói lở hoặc bị ảnh hưởng của cát bay, cát di động nghiêm trọng để quy hoạch trồng rừng phòng hộ ven biển; tổ chức rà soát, chuyển các công trình có ảnh hưởng hoặc nguy cơ ảnh hưởng đến chức năng phòng hộ của rừng ven biển ra khỏi khu vực quy hoạch rừng phòng hộ ven biển xung yếu và rất xung yếu, khu vực hành lang bảo vệ bờ biển.

 

Theo đại diện của Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản, Nhật Bản đánh giá rất cao hiệu quả của dự án "Trồng rừng ngập mặn - Giảm thiểu rủi ro thảm họa" thực hiện tại Việt Nam, dự án này đã được nhận giải thưởng của Bộ trưởng Bộ Môi trường Nhật Bản. Dự án đã tác động mạnh mẽ đến việc bảo vệ môi trường nói chung. Qua thực tế tại các địa phương như: Ninh Bình, Quảng Ninh, Thanh Hóa... nhận thấy người dân các địa phương này rất tích cực trong công việc trồng, chăm sóc rừng ngập mặn. 

Đức Phương - Minh Châu