KINH TẾ BIỂN ĐẢO

Đà Nẵng chú trọng phát triển kinh tế biển

TTXVN-VNA | 30-11-2016 | 10:46

Đà Nẵng chú trọng phát triển kinh tế biển (Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN)


 

Đà Nẵng chú trọng phát triển kinh tế biển

Được đánh giá là địa phương giàu tiềm năng kinh tế biển, trong những năm qua thành phố Đà Nẵng đã có nhiều chủ chương, chính sách nhằm khai thác lợi thế biển phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh quốc gia. Trong thời gian tới, Đà Nẵng sẽ tiếp tục triển khai thực hiện tốt các cơ chế, chính sách của Chính phủ và thành phố nhằm phát huy hơn nữa các lợi thế trong các lĩnh vực khai thác thủy sản, du lịch biển, vận tải biển…

 

* Nhiều tiềm năng

Đà Nẵng là một trong số 28 tỉnh, thành phố ven biển của cả nước và là một trong số 14 tỉnh, thành phố có bờ biển của khu vực miền Trung. Có đến 6/8 quận, huyện của Đà Nẵng (chiếm 80% dân số toàn tỉnh) tiếp giáp với biển (hơn 92 km bờ biển), trong đó có huyện đảo Hoàng Sa. Thành phố Đà Nẵng được đánh giá là có nhiều tiềm năng kinh tế biển.

Đà Nẵng có nguồn tài nguyên biển nằm trong ngư trường trọng điểm của miền Trung, với trữ lượng nguồn lợi thủy sản khoảng 1.140.000 tấn, chiếm 43% tổng trữ lượng của cả nước, gồm trên 670 giống, loài, trong đó hải sản có giá trị kinh tế cao là 110 loài. Khu vực biển Nam Hải Vân-bán đảo Sơn Trà có các hệ sinh thái với tính đa dạng sinh học cao như rạn san hô, thảm cỏ biển, rong biển và các chủng loại sinh vật quý, là tài sản phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế-xã hội.

Bên cạnh lợi thế khai thác hải sản, Đà Nẵng còn sở hữu tiềm năng lớn về du lịch từ biển, đảo. Đà Nẵng nổi tiếng với nhiều bãi biển đẹp nằm rải rác từ bắc đến nam như: Nam Ô, Xuân Thiều, Thanh Bình, Tiên Sa, Sơn Trà, Mỹ Khê, Bắc Mỹ An, Non Nước... Biển Đà Nẵng đã từng được Tạp chí Forbes (Mỹ) bình chọn là 1 trong 6 bãi biển quyến rũ nhất hành tinh với những khu du lịch sinh thái nổi tiếng, những khu nghỉ dưỡng, khách sạn sang trọng.

Không chỉ là một thành phố ven biển, Đà Nẵng còn nằm ở vùng kinh tế trọng điểm miền Trung Việt Nam; là điểm cuối của tuyến hành lang kinh tế Đông Tây và là cửa ngõ ra biển Thái Bình Dương của các nước Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam. Do đó, Đà Nẵng còn rất thích hợp để phát triển ngành dịch vụ vận tải hàng hải.

* Phát huy lợi thế

Tận dụng những tiềm năng, lợi thế trên, trong những năm qua, Đà Nẵng đã chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ kinh tế biển (hệ thống cảng biển, khu công nghiệp, cảng cá, âu thuyền trú bão, chợ đầu mối thủy sản miền Trung...) theo hướng công nghiệp hóa-hiện đại hóa; thực hiện các giải pháp hiện đại hóa đội tàu cá với mục tiêu giảm dần các tàu có công suất nhỏ khai thác gần bờ, nâng số lượng tàu công suất lớn phục vụ khai thác ở vùng biển xa bờ; chú trọng tổ chức lại sản xuất trên biển theo hướng liên kết giữa ngư dân, tổ khai thác hải sản với các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ hậu cần, thu mua, tiêu thụ sản phẩm trên biển...

Bên cạnh đó, thành phố Đà Nẵng cũng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị, các công trình công cộng để phục vụ dân sinh và phát triển du lịch; đẩy mạnh các dự án đầu tư du lịch; mở rộng cơ sở lưu trú (hiện Đà Nẵng có trên 500 khách sạn với khoảng 20.000 phòng), xây dựng hàng loạt sản phẩm du lịch mới, đặc biệt là các sản phẩm du lịch biển như: lặn ngắm san hô, lướt sóng, thả dù, câu cá cùng ngư dân… có sức hấp dẫn, thu hút một lượng lớn khách du lịch.

Cùng với đó, Đà Nẵng định hướng phát triển ngành dịch vụ vận tải hàng hải, trước hết, tập trung nâng cao năng lực cảng Đà Nẵng để đảm bảo vị trí là cửa ngõ ra biển của Tây Nguyên, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar và các nước vùng Đông Bắc Á thông qua tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây, mà điểm cuối là cảng Tiên Sa, một cảng biển nước sâu thuận lợi cho phát triển kinh tế hàng hải, du lịch. Bên cạnh đó, còn có khoảng 50 công ty hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ hỗ trợ vận tải biển tại Đà Nẵng, trong đó có 22 hãng tàu container nước ngoài.

Có thể nói, biển đã và đang tạo ra vị thế phát triển quan trọng cho thành phố thông qua các lĩnh vực như: khai thác thủy sản, du lịch, vận tải biển… Đối với hoạt động khai thác thủy sản, hàng năm, các đội tàu khai thác thủy sản khai thác được 37.000 đến 40.000 tấn hải sản các loại phục vụ cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Đối với hoạt động du lịch, trong năm 2015, bình quân mỗi ngày, các bãi biển Đà Nẵng đón 50.000-60.000 lượt người đến tham quan, tham gia các hoạt động vui chơi trên biển. Trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái và khủng khoảng tài chính thế giới, nhưng Cảng Đà Nẵng vẫn có tốc độ tăng trưởng cao. Sản lượng hàng hóa năm 2015 đạt trên 6,4 triệu tấn (tăng 6,38% so với năm 2014), đón 57 lượt tàu khách với khoảng 52.000 lượt khách du lịch. Tổng doanh thu của Cảng Đà Nẵng năm 2015 đạt trên 527 tỷ đồng, mức cao nhất từ trước đến nay…

* Chú trọng phát triển kinh tế biển

Để khai thác hiệu quả hơn nữa nguồn lợi từ biển, trong thời gian tới, Đà Nẵng tiếp tục triển khai thực hiện tốt các cơ chế, chính sách của Chính phủ và thành phố hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu có công suất lớn từ 400cv trở lên để khai thác hải sản và thực hiện dịch vụ hậu cần trên biển, kết hợp với bảo vệ an ninh chủ quyền biển đảo.

Trong vòng 5 năm tới, cảng Đà Nẵng tập trung phát triển các loại hình dịch vụ trong cảng theo hướng đón tàu container, tàu khách, tàu chuyên dụng có trọng tải lớn. Bên cạnh đó là phát triển dịch vụ logistics (dịch vụ ngoài cảng) gồm hệ thống kho bãi và dịch vụ phụ trợ vận tải, đóng gói, container, dịch vụ phân phối hàng đến kho thu hàng, kho thuê hải quan…

Đà Nẵng cũng đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ, tập trung vào các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng lớn, phát triển mạnh du lịch, nhất là du lịch cao cấp, hình thành trung tâm du lịch ven biển lớn tầm cỡ quốc gia và quốc tế; đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước, ưu tiên thu hút đầu tư vào khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin...

Có thể nói, từ những chủ trương và những việc làm cụ thể mà Đà Nẵng đã thực hiện trong những năm qua, đã thể hiện rõ định hướng và quyết tâm của Đảng bộ và chính quyền thành phố trong việc phát triển kinh tế với tăng cường khả năng bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia./.

 

Minh Duyên