Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, sự gia tăng dân số
và phát triển kinh tế - xã hội kéo theo sự gia tăng không ngừng về nhu
cầu dùng nước, đã tác động mạnh mẽ đến tài nguyên nước. Những thập kỷ
gần đây, do tính thiết yếu và quan trọng của nguồn tài nguyên nước,
những quan ngại về việc phát triển bền vững nguồn nước ngày càng lớn.
Hơn nữa, sự biến đổi khí hậu toàn cầu, đặc biệt khi nước biển dâng sẽ
tác động trực tiếp, mạnh mẽ đến tài nguyên nước ngầm, trước hết là ở
những vùng ven biển và hải đảo. Điều này đặt ra thách thức, đòi hỏi sự
quan tâm tới việc khai thác hợp lý và phát triển bền vững tài nguyên
nước ngầm, thực hiện các giải pháp bổ sung nhân tạo, ngăn mặn giữ ngọt.
Theo đó, đề tài “Nghiên cứu xây dựng đập dưới đất để trữ nước ngầm
nhằm phát triển bền vững tài nguyên nước ở các khu vực thường xuyên bị
hạn, các vùng ven biển và hải đảo” do Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Cao
Đơn, Trường Đại học Thủy lợi làm chủ nhiệm đề tài là một trong số các
giải pháp hữu ích là việc xây dựng các đập dâng nước ngầm với mục đích
trữ nước ngọt dưới đất và ngăn mặn. Đề tài này mang mã số
KC.08.TN01/11-15 là một trong số các đề tài thuộc Chương trình khoa học
công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước KC.08 "Nghiên cứu khoa học và công
nghệ phục vụ phòng tránh thiên tai, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý
tài nguyên thiên nhiên". Đề tài nghiên cứu này nhằm cung cấp cơ sở
khoa học, góp phần đảm bảo sự phát triển bền vững kinh tế xã hội cho khu
vực thường xuyên bị hạn, các vùng ven biển và hải đảo.
Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Cao Đơn cho biết: Qua nghiên cứu một số
đập ngầm trên thế giới và vai trò của đập ngầm sau khi đi vào vận hành,
đề tài đã xây dựng được cơ sở khoa học cho việc xây dựng đập ngăn nước
ngầm và giải pháp công trình mang lại lợi ích về mặt kinh tế - xã hội,
góp phần đảm bảo an ninh lương thực và tích trữ được nguồn nước, đồng
thời, chi phí thấp, tránh tỉ lệ bốc hơi mặt nước cao và mang tính bền
vững về mặt môi trường… Đặc biệt, việc xây dựng đập dưới đất không xảy
ra sự lắng đọng bùn cát, không bị phá hủy hoặc ăn mòn, tuổi thọ gần như
vĩnh cữu.
Phó Giáo sư Tiến sĩ Lê Mạnh Hùng, Chủ nhiệm Chương trình Khoa học
và Công nghệ trọng điểm cấp nhà nước KC.08/11-15 đánh giá cao kết
quả của Chương trình; ghi nhận những đóng góp mới về lý luận cũng như
thực tiễn trong chiến lược phòng, tránh thiên tai, bảo vệ môi trường và
sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên của nước ta nói riêng, cũng như đề
tài “Nghiên cứu xây dựng đập dưới đất để trữ nước ngầm nhằm phát
triển bền vững tài nguyên nước ở các khu vực thường xuyên bị hạn, các
vùng ven biển và hải đảo nói riêng khi nước ngầm là nguồn tài nguyên
nước ngọt quý giá.
Thực tế, đề tài nghiên cứu đã mô phỏng được diễn biến chế độ thủy
văn nước ngầm, môi trường nước dưới đất khu vực nghiên cứu tại đảo Phú
Quý, Bình Thuận trước khi có đập ngầm và phân tích được diễn biến chế độ
thủy văn nước ngầm, môi trường nước dưới đất khu vực nghiên cứu sau khi
có đập ngầm.
Nghiên cứu đánh giá khả năng dâng cao mực nước ngầm khi
xây dựng đập ngầm, sử dụng bản đồ đẳng cao độ mực nước dự báo thời điểm
cuối của chuỗi thời gian tính toán là thời điểm tháng 2/2020 và thời
điểm tháng 10/2020.
Nghiên cứu cũng chỉ rõ, đường bổ cập nước ngầm đều
nằm trên đường lượng thoát ra biển và dự báo ở các độ sâu 5m, 10m và
15m, lượng nước thoát ra biển giảm dần, điều đó thể hiện khi đập càng
sâu thì hiệu quả lưu trữ nước ngầm trên đảo càng lớn.
Đề tài nghiên cứu dự báo được ảnh hưởng của đập ngăn nước ngầm tới
các vấn đề môi trường nước ngầm khu vực…
Do đó, dựa trên kết quả nghiên
cứu, đề tài đã lập nghiên cứu khả thi dự án xây dựng đập ngăn nước ngầm
thí điểm tại đảo Phú Quý với tổng chiều dài tuyến đập gần 10.000m, được
minh chứng là có tính khả thi về kỹ thuật, kinh tế, ít tác động đến môi
trường khi xây dựng và có tác động tích cực tới môi trường tự nhiên –
xã hội, hạn chế sự tổn thất nguồn nước ngầm trong đảo Phú Quý cũng như
hạn chế sự xâm nhập mặn của nước biển vào nguồn nước ngầm./.
HL