TTXVN (Hà Nội 5/12)
Theo trang mạng “qz.com”, nhiều người cho rằng một trong những tín hiệu cho thấy xu hướng xích lại gần Trung Quốc trong những tháng gần đây của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte chính là việc nhà lãnh đạo này không hào hứng với phán quyết mà Tòa Trọng tài ở La Hay đưa ra ngày 12/7/2016 về vụ kiện được người tiền nhiệm Benigno Aquino III khởi xướng. Tuy nhiên, một số ý kiến khác nhìn nhận mọi chuyện không hẳn là như vậy.
Sau khi đắc cử Tổng thống Philippines, ông Duterte tuyên bố phán quyết của Tòa Trọng tài, trong đó khẳng định Bắc Kinh đã nhiều lần vi phạm luật pháp quốc tế và gây ra những thiệt hại môi trường nghiêm trọng ở Biển Đông, chỉ là “một mảnh giấy”. Ông thậm chí còn nói rằng tốt hơn hết Manila nên “gạt bỏ” mâu thuẫn với Trung Quốc xung quanh phán quyết mà chính họ đã giành chiến thắng này.
Trong bài phát biểu ngày 18/10 nhân chuyến công du Bắc Kinh đầu tiên sau khi lên nắm quyền, được kênh truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV phát sóng, ông Duterte nói: “Cá của anh cũng là của tôi. Chúng ta sẽ đối thoại, chúng ta sẽ tìm cách giải quyết, giờ không phải là lúc chiến tranh”. Nguồn cá và các hoạt động đánh bắt thủy hải sản là những yếu tố quan trọng trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, nhất là ở Bãi cạn Scarborough, nơi các ngư dân Philippines bị tàu Trung Quốc ngăn không cho tiếp cận khu vực mà phán quyết của Tòa Trọng tài khẳng định là ngư trường truyền thống của họ.
Sau chuyến thăm này, Philippines cho biết ngư dân Philippines đã không còn bị tàu của Trung Quốc ngăn chặn hoạt động trong khu vực lân cận Bãi cạn Scarborough. Tuy nhiên, kết quả các cuộc đối thoại diễn ra giữa ông Duterte và các lãnh đạo Trung Quốc xung quanh tuyến đường biển tấp nập này thực tế chỉ là con số 0, và ông đã rời Bắc Kinh mà không hề đem về theo bất cứ thỏa thuận thành văn nào về quyền lợi của ngư dân Philippines ở Bãi cạn Scarborough. Nghị sỹ Philippines Harry Roque, người tháp tùng ông Duterte trong chuyến thăm Trung Quốc, dẫn lời một nguồn tin có liên quan tới các cuộc đàm phán cho biết việc không có bất kỳ thỏa thuận thành văn nào về vấn đề này là bởi sức ép từ phía Bắc Kinh, vốn khăng khăng chỉ chấp nhận một văn bản với cách diễn đạt sẽ khiến người ta hiểu rằng ông Duterte hoàn toàn phủi bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài.
Trong cuộc họp báo ngày 26/10, ông Rouge cho biết điểm đáng chú ý là Bắc Kinh khẳng định mọi tuyên bố liên quan đến việc các ngư dân Philippines quay trở lại Scarborough đều phải ghi rõ rằng Trung Quốc “cho phép” hoặc “chấp thuận” để họ tiếp cận bãi cạn này. Ông nói: “Lý do điều này (các ngư dân Philippines không còn bị Trung Quốc cản trở khi hoạt động tại Bãi cạn Scarbourgh) không được công bố chính thức, và không trở thành một thỏa thuận thành văn là bởi chúng tôi không muốn dùng các từ ngữ như 'cho phép' hay 'chấp thuận', nó hoàn toàn đi ngược lại với phán quyết của Tòa ở La Hay”. Ông cũng nhấn mạnh rằng ngôn từ mà Trung Quốc sử dụng “là không thể chấp nhận được, và khiến Philippines hết sức lo ngại”.
Mặt khác, trong tuyên bố chung với Thủ tướng Shinzo Abe được đưa ra ngày 26/10, nhân chuyến thăm Nhật Bản, Chính quyền Duterte đã đề cập đến những luật lệ và quy định quốc tế, vốn là cơ sở để Tòa Trọng tài ở La Hay đưa ra phán quyết. Tuyên bố chung có đoạn: “Hai nhà lãnh đạo hiểu rõ tầm quan trọng của một biện pháp giải quyết tranh chấp hàng hải dựa trên luật pháp, phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Hiến chương Liên hợp quốc và các công ước quốc tế liên quan khác, thay vì đe dọa hay dùng vũ lực”. Hai bên cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của “tự do hàng hải và hàng không” ở Biển Đông.
Thực tế là Bắc Kinh có lẽ không hề hài lòng với điều này, ít nhất là qua những gì mà truyền thông nhà nước Trung Quốc đăng tải. Sau khi tuyên bố chung giữa Tổng thống Philippines Duterte và Thủ tướng Nhật Bản Shizo Abe được công bố, tờ “China Daily” đã bình luận rằng ông Duterte “nên tôn trọng những sự đồng thuận mà ông đã đạt được với Trung Quốc trong chuyến công du hồi tuần trước, và tránh bị tác động bởi Nhật Bản”.