Huế có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế biển. Tuy nhiên, cái khó của địa phương là sản xuất theo lối đánh bắt tự nhiên, dịch vụ hậu cần nghề cá ít, sản phẩm khó tiêu thụ do địa hình chia cắt.
Vùng ven biển tỉnh Thừa Thiên - Huế có chiều dài 128km; trong đó, có hơn 20km vùng núi đá ven biển từ cửa Lăng Cô đến bán đảo Sơn Trà là vùng đa dạng sinh học của khu vực. Bên cạnh đó, hệ thống đầm phá Tam Giang - Cầu Hai trải dài 70km với diện tích hơn 22.000ha lớn nhất Đông Nam Á.
Đồng thời, cũng là vùng sinh thái ngập mặn có tiềm năng sinh học phong phú, vừa là một vùng đặc thù kinh tế của tỉnh. Dân số Thừa Thiên - Huế sống ở ven biển và các vùng đầm phá hiện có hơn 41.000 dân, chiếm khoảng 1/3 đã cho thấy, vai trò quan trọng của vùng bờ trong phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.
Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả nguồn lực từ biển này, cái khó của nhiều địa phương ven biển, đầm phá là sản xuất theo lối đánh bắt tự nhiên, dịch vụ hậu cần nghề cá ít phát triển, sản phẩm khó tiêu thụ do địa hình bị chia cắt.
Không còn những chuyến đò mong manh
Người dân ở đây vẫn truyền tung nhau câu ca: "Thương anh em cũng muốn vô/ Sợ chuông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang" khi nói về phá Tam Giang. Vì vậy, điều có ý nghĩa lớn nhất trong vùng là việc kết nối giao thông, vốn rất cách trở trước đây.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Cao đánh giá, các cầu bắc qua phá Tam Giang được xây dựng đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại của nhân dân, nâng cao đời sống văn hóa, thúc đẩy sản xuất, phát triển du lịch-dịch vụ, kinh tế-xã hội của các xã vùng đầm phá ven biển. Trước đây, vùng đầm phá mênh mông này đã biến các xã phía bên kia thành "ốc đảo." Người dân muốn đến trung tâm huyện, hoặc lên thành phố Huế phải lệ thuộc vào những chuyến đò mong manh.
Mấy năm qua, người dân bên kia phá Tam Giang có thêm cầu Thuận An, Trường Hà bắc qua phá Tam Giang kết nối huyết mạch giao thông dọc các xã ven biển. Giao thông thuận lợi, đời sống của người dân được nâng lên từng ngày.
Lãnh đạo xã Vinh Thanh cho biết, từ khi có cầu Trường Hà, chợ Vinh Thanh được mở rộng diện tích lên gấp đôi nhưng vẫn quá tải. Hàng hóa thông thương, tôm cá bán được giá cũng cao gấp đôi so với trước, chẳng hạn mực ống trước bán có 40.000 đồng/kg, nay có thể bán với giá 90.000 đồng/kg.
Liên tiếp có thêm các cầu Tư Hiền, cầu Ca Cút được xây dựng thêm làm thay đổi diện mạo các vùng quê ven phá Tam Giang - Cầu Hai. Cầu Ca Cút nối xã Hương Phong với xã Hải Dương (thị xã Hương Trà). Cầu Ca Cút được xem là điểm nhấn cuối cùng nối liền mạch giao thông các xã ven biển trong tỉnh. Cầu do Bộ Giao thông Vận tải đầu tư xây dựng với tổng kinh phí trên 311,5 tỷ đồng, là chiếc cầu thứ tư vượt phá Tam Giang (sau các cầu Thuận An, Trường Hà và Tư Hiền).
Cầu Ca Cút vượt phá Tam Giang có tổng chiều dài hơn 600m, rộng 10m; mép đường hai đầu cầu có tổng chiều dài gần 8,4km, rộng 9m; cầu vượt sông Diên Trường có chiều dài hơn 104m. Công trình cầu Ca Cút hoàn thành nối liền tuyến Quốc lộ 49 ven biển với các khu dân cư vùng đầm phía Bắc, cửa Thuận An với thành phố Huế, đồng thời đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội gắn an ninh quốc phòng của tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai hiện hơn 41.000 hộ dân các huyện Phú Lộc, Phú Vang, Hương Trà, Quảng Điền, Phong Điền, chiếm tới 1/3 dân số toàn tỉnh. Trong vùng đang phát triển mạnh ngành nuôi, trồng thủy sản trong nước lợ, nước mặn ven biển theo hướng hài hòa với môi trường, đồng thời với việc phát triển và ứng dụng công nghệ sau thu hoạch nhằm sử dụng hợp lý, tiết kiệm sản phẩm của nghề thủy sản, bảo đảm an toàn thực phẩm và tăng thu nhập.
Trong kế hoạch sắp tới, Thừa Thiên - Huế tiếp tục đẩy mạnh việc xã hội hóa trong đầu tư, thực hiện tốt phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm" để xây dựng nâng cấp các công trình phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân.
Phát triển và đa dạng hóa các ngành nghề để tạo khả năng tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo và nâng cao mức sống cho các cộng đồng ngư dân ven biển và đầm phá, giúp cho công tác bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường biển và đầm phá phát triển bền vững. Tỉnh chú trọng tăng cường ứng dụng công nghệ cao vào đánh bắt, nuôi trồng và chế biến thủy sản; đầu tư phát triển các mô hình trình diễn, tổng kết đánh giá để nhân rộng các mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả…
Thay đổi tư duy phát triển kinh tế
Giai đoạn 2010-2015, tỉnh huy động tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội cho vùng biển và đầm phá đạt 34,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 87,6% tổng vốn đầu tư của toàn tỉnh. Tỉnh trồng hơn 730 ha rừng, và đang phấn đấu trồng mới thêm 1.400 ha rừng vùng cát ven biển và đầm phá từ nay đến năm 2020.
Đáng chú ý, Thừa Thiên - Huế đã phát huy lợi thế của vùng đầm phá để vươn ra biển, gắn kết đất liền với đại dương. Mới đây, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đầu tư 310 tỷ đồng để nâng cấp bến số 1 cảng Chân Mây. Dự án gồm việc nâng cấp chiều dài bến từ 300m lên 360m; bổ sung trụ neo và cầu; nạo vét luồng lạch trước cảng và vũng quay trở tàu.
Trong đó, Tập đoàn Royal Caribbean International, Hoa Kỳ đầu tư 5 triệu USD. Bến số 1 cảng Chân Mây sau khi nâng cấp tiếp nhận được tàu du lịch cỡ lớn trên dưới 350 mét. Hiện tại, mỗi năm, cảng Chân Mây phấn đấu thu hút khoảng 60.000 lượt khách du lịch đến Huế bằng đường tàu biển qua cảng Chân Mây.
Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô đã thu hút 32 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 35.474 tỷ đồng (2,22 tỷ USD). Một số dự án có quy mô lớn nằm sát biển trên vùng đầm phá phát huy hiệu quả như: dự án Laguna với tổng mức đầu tư 850 triệu USD.
Trong một lần về thăm và làm việc với Thừa Thiên - Huế, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, từ trên cao nhìn xuống mới thấy phá Tam Giang đẹp như thế mà ta không khai thác được thì thật là lãng phí. Câu chuyện ở đây là phải thay đổi tư duy của người làm kinh tế, phải chuyển mạnh sang thị trường để người dân và doanh nghiệp tham gia quản lý, phát triển kinh tế, chính quyền đừng ôm việc, đừng quá trông cậy vào nhà nước về vốn.
Theo Phó Thủ tướng, tỉnh cần xây dựng một Đề án cụ thể để khai thác lợi thế của vùng đầm phá này theo chủ trương quy hoạch phá Tam Giang của Thủ tướng Chính phủ theo hướng phân vùng để phát triển du lịch, nuôi trồng thủy sản, trồng rừng,… để kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược một cách hiệu quả nhất.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết: Chính phủ sẽ sớm ban hành gói tổng thể hỗ trợ cho các tỉnh bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển. Trong đó, chú trọng việc khôi phục, tái tạo môi trường biển và nguồn lợi thủy sản. Có chính sách tín dụng vay vốn, khôi phục sản xuất; chính sách hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp; chính sách giãn nợ, khoanh nợ...
Khi thực hiện chính sách này Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương công khai, minh bạch, sớm hỗ trợ người dân vùng ảnh hưởng thoát khỏi khó khăn. Từ thực tế đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu lãnh đạo Thừa Thiên - Huế bám sát các Nghị quyết của Chính phủ để tiếp tục có những đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội, lựa chọn công nghiệp công nghệ cao để phát triển, sớm xây dựng đề án phát triển kinh tế, xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, không đầu tư dàn trải.
Về nông nghiệp, tỉnh Thừa Thiên - Huế cần thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp trọng tâm, cụ thể theo hướng vùng núi làm gì, đồng bằng làm gì, vùng đầm phá ven biển làm gì. Tỉnh cần tập trung quyết liệt thực hiện thực hiện Nghị quyết 19 về những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.
Trong chỉ đạo của Thừa Thiên - Huế thời gian tới, tỉnh bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững về kinh tế - xã hội, môi trường, biến đổi khí hậu và nước biển dâng, tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh. Gắn tăng trưởng kinh tế với xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Ðiều kiện tự nhiên của Thừa Thiên - Huế là vùng đất khá đặc biệt, phong phú và đa dạng, được thiên nhiên ban tặng.
Do vậy, trong phát triển kinh tế - xã hội cần tạo cho vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai có hình ảnh riêng biệt, đặc trưng riêng, có sự hài hòa thống nhất giữa phát triển kinh tế trên biển, kinh tế duyên hải và đầm phá. Hướng tới một nền kinh tế xanh: giữa phát triển kinh tế, xã hội và môi trường.
Tỉnh chú trọng phát triển mạnh các ngành kinh tế có tiềm năng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng du lịch - thủy sản - tiểu thủ công nghiệp - nông nghiệp sinh thái. Phát huy lợi thế của vùng đầm phá, kết nối với du lịch Cố đô Huế thành một hệ thống du lịch hoàn chỉnh, hấp dẫn và độc đáo; tạo bước đột phá quan trọng, đem lại nguồn thu lớn trong phát triển kinh tế du lịch.
Ðẩy mạnh kinh tế biển, từng bước hiện đại hóa cảng nước sâu Chân Mây, cảng hàng không quốc tế Phú Bài, Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, trở thành những động lực quan trọng, cú hích lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Mặt khác, việc xây dựng, phát triển các đô thị, nông thôn vùng ven biển và đầm phá cần được kết hợp với cảnh quan đầm phá để tạo thành những đô thị sinh thái, nông thôn mới hiện đại nhưng thân thiện với môi trường sông nước.../