Một trong những chuỗi giá trị sản phẩm du lịch biển đảo đang được hình thành và hứa hẹn nhiều triển vọng là Tam giác liên kết giữa Cù Lao Chàm (Hội An) - Tam Hải (Núi Thành, Quảng Nam) và đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi).
Tiềm năng phong phú
Ông Ngô Đức An, Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành, một trong những người có công đầu trong việc định hình cho du lịch biển đảo Tam Hải phát triển chia sẻ: Để đến Tam Hải đều phải qua 2 hướng cửa sông. Một hướng theo đường ven biển từ xã Tam Thanh, thành phố Tam Kỳ chạy vào gặp Cửa Lở ở phía biển Bấc. Hướng thứ hai từ Quốc lộ 1 thuộc khu vực thị trấn Núi Thành đến xã Tam Quang, sau đó qua phà cửa biển An Hòa ở phía biển Nồm. Tam Hải như ốc đảo ẩn mình giữa ba bề sông nước không chỉ nổi tiếng với phong cảnh hữu tình mà còn lưu giữ nhiều giá trị nhân văn đậm nét của văn hóa cư dân vùng biển về lễ hội cầu ngư, nghĩa trang cá Ông với trên 500 ngôi mộ cùng các di tích lịch sử văn hóa. Đặc biệt, ghềnh đá Bàn Than với nhiều hang động, lớp đá xếp đặt đa dạng được người dân địa phương đặt những tên gọi như: Hố Bước, hố Tây, hố Xếp, Cột tàu, hố Đùng, hố Bò, hố Giếng, bãi Dài cùng hình tượng Ông Đụn, Bà Che cùng nhiều rặng san hô, ốc đảo, nước biển trong xanh… mở ra triển vọng đầy tiềm năng trong việc hình thành các sản hẩm du lịch, gia tăng chuỗi giá trị sản phẩm du lịch biển đảo miền Trung.
Tham quan biển trời Tam Hải, anh Phạm Minh Cường du khách đến từ Quảng Ngãi chia sẻ: “Lần đầu tiên đến xã đảo Tam Hải, tôi cảm nhận được vẻ đẹp rất hoang sơ, và khu đảo này rất trong lành. Tỉnh Quảng Nam nên đầu tư hơn nữa để phát triển nơi đây thành khu du lịch, nơi đây tiếp giáp với Quảng Ngãi và Đà Nẵng, tôi nghĩ đây sẽ là tour du lịch thú vị để các công ty lữ hành khai thác để hình thành tour du lịch có triển vọng rất lớn trong du lịch biển đảo miền Trung. Ngoài bãi Bàn Than kỳ thú, Tam Hải còn có 2 hòn đảo nhỏ là hòn Mang và hòn Dứa. Nhìn từ xa, hòn Mang như một con tàu khổng lồ, trong khi đó, hòn Dứa lại mang vẻ đẹp kiều diễm với làn nước trong vắt tựa mặt gương. Nếu được đầu tư khai thác bài bản thì đây sẽ là những điểm đến tuyệt vời nhất trong dải ven biển Miền Trung”, anh Cường quả quyết.
Triển vọng “cất cánh”
Biển Tam Hải là nơi sinh sống của nhiều loại hải sản quý như hải sâm, tôm hùm, tôm sú, ốc hương, cá mực các loại, nhất là nơi sinh đẻ và phát triển của các loại ấu trùng tôm hùm được người dân xem như lộc trời vào mỗi dịp đầu năm. Tam Hải còn là địa phương lưu giữ được gần như nguyên vẹn các bản sắc văn hóa của cộng đồng cư dân miền biển. Đây là những yếu tố thuận lợi để hình thành tour du lịch kết nối giữa Cù Lao Chàm với Tam Hải và đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi).
Về triển vọng và tiềm năng của tour du lịch biển đảo kết nối Cù Lao Chàm - Tam Hải - Lý Sơn, ông Đinh Hài, Giám đốc Sở VH-TT-DL Quảng Nam cho biết: Vùng Quảng Nam và Quảng Ngãi có 3 đảo gồm Cù Lao Chàm, Tam Hải và Lý Sơn. Đây là những hòn đảo có giá trị lớn về văn hóa, du lịch và đa dạng sinh học. Chúng tôi đang xây dựng hồ sơ để trình các tổ chức quốc tế công nhận nơi đây là Công viên địa chất thế giới. Sở VH TT-DL đang tiến hành các biện pháp kỹ thuật để bảo tồn và gìn giữ nguyên vẹn các giá trị văn hóa, lịch sử. Chúng tôi sẽ xây dựng ở Tam Hải một cảng du lịch để đưa du khách đến Cù Lao Chàm, đến Tam Hải và đến Lý Sơn để tạo ra sự liên kết nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch biển đảo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Du lịch biển đảo gắn liền với văn hóa vật thể và phi vật thể của cư dân vùng biển đã và đang được các tỉnh khu vực Miền Trung nói riêng và Quảng Nam nói chung xác định là sản phẩm độc đáo, có sức hấp dẫn mạnh với du khách và giàu tiềm năng. Tin rằng với chiến lược đầu tư bài bản, khai thác hợp lý và bền vững, du lịch biển đảo nói chung và sản phẩm du lịch kết nối giữa Cù Lao Chàm - Tam Hải (tỉnh Quảng Nam) với đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) với các điểm đến trong khu vực sẽ mở ra một triển vọng mới cho du lịch Miền Trung cất cánh.