KINH TẾ BIỂN ĐẢO

Khai thác hiệu quả, bền vững tiềm năng kinh tế biển

TTXVN-VNA | 30-11-2016 | 10:35

Việt Nam có nhiều tiềm năng trong phát triển kinh tế biển. Ảnh minh họa: TTXVN

 

Khai thác hiệu quả, bền vững tiềm năng kinh tế biển

Khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế biển là một trong những mục tiêu của ngành thủy sản nhằm góp phần thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Nhằm hiện thực hóa mục tiêu này, Việt Nam sẽ xây dựng 6 trung tâm phát triển nghề cá lớn gồm: Hải Phòng, Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Khánh Hòa, Kiên Giang và Cần Thơ, giúp đảm bảo, tạo điều kiện tối đa cho ngư dân cả nước đánh bắt hải sản ở các ngư trường.

 

* Tận dụng tiềm năng

Việt Nam là quốc gia ven biển, có bờ biển dài trên 3.260 km, với trên 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ và vùng biển, thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế rộng gấp hơn 3 lần diện tích đất liền. Tài nguyên hải sản của vùng biển nước ta khá phong phú và đa dạng, với hơn 2.000 loài sinh vật biển, đảm bảo trữ lượng khai thác hằng năm gần 2 triệu tấn; cộng với các điều kiện thủy văn và hệ thống sông ngòi, kênh rạch, đầm phá, ao hồ rất thuận lợi cho việc phát triển nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, tạo nên những thế mạnh, tiềm năng trong phát triển kinh tế biển của đất nước.

Thực tế, những năm qua ngành thủy sản đã phấn đấu phát triển từ một lĩnh vực sản xuất nhỏ, vươn lên trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khối nông, lâm, thủy sản, đem lại nguồn thu ngoại tệ lớn cho đất nước. Sản lượng thủy sản Việt Nam duy trì tăng trưởng liên tục trong 17 năm qua với mức tăng bình quân là 9,07%/năm; sản lượng liên tục tăng cao trong các năm qua, bình quân đạt 12,77%/năm.

Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu thủy sản từ mức thấp 550 triệu USD năm 1995, đã có những bước tăng trưởng mạnh mẽ qua từng năm với mức tăng trưởng bình quân 15,6%/năm và đã đạt 7,8 tỷ USD năm 2014. Trong năm 2015, tuy gặp khó khăn nhưng xuất khẩu thủy sản vẫn đạt khoảng 6,7 tỷ USD. Trong 7 tháng đầu 2016, xuất khẩu thuỷ sản đã có bước tăng trưởng trở lại, ước đạt xấp xỉ 3,7 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2015. Dự báo năm 2016, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản sẽ đạt trên 7,1 tỷ USD.

Quá trình tăng trưởng xuất khẩu thủy sản trong thời gian qua đã đưa Việt Nam trở thành một trong 5 nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới, giữ vai trò chủ đạo cung cấp nguồn thủy sản toàn cầu. Việt Nam hiện xuất khẩu thủy sản tới hơn 150 thị trường, trong đó có những thị trường chủ lực là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.

Trong thời gian tới, việc Việt Nam tham gia các hiệp định kinh tế sẽ mang lại cơ hội tốt cho thủy sản Việt Nam tăng sức cạnh tranh nhờ những ưu đãi về thuế quan; đồng thời, tạo động lực giúp doanh nghiệp trong nước nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến chuỗi sản xuất hàng giá trị gia tăng…

* Vẫn còn nhiều khó khăn

Mặc dù khai thác và nuôi trồng thủy hải sản là thế mạnh của nhiều khu vực nhưng việc phát triển kinh tế ven biển vẫn đang gặp nhiều khó khăn.

Khó khăn đầu tiên phải kể đến là khó khăn về cơ sở hạ tầng và phương tiện đầu tư cho khai thác. Đến cuối năm 2015, cả nước 84 cảng cá với tổng lượng thủy sản qua cảng khoảng 1,7 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, mới chỉ có khoảng 20 cảng cá loại 1 đã được đầu tư nâng cấp và mở rộng, còn lại có rất nhiều cảng chưa có khả năng tiếp nhận những tàu lớn; Tổng 39 khu neo đậu (14  khu cấp vùng cho 11.930 tàu cá, 25 cấp tỉnh đáp ứng cho 14.200 tàu cá) cũng chưa đáp ứng đủ nhu cầu neo đậu tàu thuyền trên cả nước; Hệ thống tàu khai thác còn lạc hậu, đến nay cả nước chỉ có khoảng trên 31.000 tàu cá có công suất trên 90CV, số lượng tàu vỏ thép không nhiều. Thêm vào đó, cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu cá tại các địa phương còn tồn tại nhiều bất cập như: tỉnh Quảng Nam có 31 cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu cá, nhưng chỉ có 7 cơ sở có quy mô đóng tàu từ 400CV trở lên và luôn trong tình trạng quá tải; tại tỉnh Ninh Thuận, các cơ sở sửa chữa tàu cá chủ yếu bằng kinh nghiệm dân gian, chỉ gia công sửa chữa nhỏ, chưa đáp ứng nhu cầu đóng mới tàu cá của ngư dân trong tỉnh… Ngoài ra, khó khăn trong khai thác thủy sản còn là: công nghệ khai thác, sơ chế và bảo quản sản phẩm trên tàu chưa hiện đại nên năng suất, chất lượng sản phẩm chưa cao; nguồn lợi vùng biển gần bờ suy giảm…

Cùng với khó khăn về khai thác còn là khó khăn về nuôi trồng như: tình trạng sản xuất phân tán còn phổ biến; trình độ kỹ thuật, công nghệ nuôi trồng còn hạn chế; chất lượng con giống chưa cao. Thêm vào đó là diện tích mặt nước ngọt, lợ đưa vào nuôi trồng đã đến mức giới hạn, xuất hiện dấu hiệu thoái hóa, xuống cấp ở một số vùng nuôi; rủi ro trong nuôi trồng thủy sản ngày càng tăng do ô nhiễm môi trường, dịch bệnh và thiên tai…

Ngoài ra, công nghiệp chế biến thủy sản kém phát triển cũng là yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả của nghề khai thác biển. Hiện nước ta có 627 cơ sở chế biến thuỷ sản có quy mô công nghiệp đăng ký sản xuất kinh doanh xuất khẩu. Trong đó, có 488 cơ sở đông lạnh, 77 hàng khô, 19 đồ hộp, 20 nước mắm và 23 cơ sở chế biến các loại khác. Ngoài ra, còn số lượng lớn cơ sở chế biến quy mô nhỏ hộ gia đình, chế biến mặt hàng truyền thống. Tổng công suất chế biến khoảng 2,8 triệu tấn/năm. Số nhà máy và cơ sở chế biến thủy sản ra đời nhiều dẫn đến thiếu hụt nguyên liệu sản xuất. Thêm vào đó, tỷ trọng cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất chưa cao đã dẫn tới chi phí sản xuất tăng cao, giá thành sản phẩm cao, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp…

* Sẽ xây dựng 6 Trung tâm phát triển nghề cá lớn

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủy sản Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Việt Nam sẽ xây dựng 6 Trung tâm phát nghề cá lớn. Trong đó, có 5 trung tâm ở vùng khai thác trọng điểm tại: Hải Phòng (ngư trường Vịnh Bắc bộ), Đà Nẵng (biển Đông và Hoàng Sa), Khánh Hòa (ngư trường Nam Trung Bộ và Trường Sa), Bà Rịa-Vũng Tàu (ngư trường Đông Nam Bộ), Kiên Giang (ngư trường Tây Nam Bộ) và một trung tâm phát triển thủy sản tại Cần Thơ (gắn với vùng nuôi trồng thủy sản đồng bằng sông Cửu Long).

Trung tâm nghề cá lớn gồm tổ hợp cảng cá động lực kết nối với hệ thống các hạ tầng kinh tế - xã hội, dịch vụ hậu cần nghề cá, có quy mô cấp quốc gia, tạo động lực hỗ trợ khai thác hải sản, đặc biệt khai thác xa bờ, gắn với các ngư trường trọng điểm. Mỗi trung tâm gắn với mỗi ngư trường trọng điểm có chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức không gian gắn với lợi ích kinh tế - xã hội, tài nguyên, nguồn nguyên liệu; hạ tầng kỹ thuật; có ranh giới và quy chế hoạt động riêng, làm đầu mối sản xuất, thương mại, dịch vụ hậu cần nghề cá trong thể liên hoàn, liên kết để giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh.

Trong đó, cảng cá động lực là các cảng cá loại I, gồm cầu cảng chuyên dụng cho khai thác, tổng hợp, cảng quốc tế, nhà tập kết, phân loại sản phẩm, khu mặt nước, luồng, nhà quản lý, khu dịch vụ… khu nước ngọt, xăng dầu, khu phí thế quan, dịch vụ thương mại. Cùng với đó là các khu chức năng đặc thù, như chế biến thủy sản, sửa chữa, sản xuất ngư cụ, vật liệu vỏ, thiết bị hàng hải, khu neo đậu trú tránh trú bão, trung tâm đăng kiểm nghề cá, kiểm ngư, cứu hộ, cứu nạn. Các cơ sở chuyên ngành, đào tạo, nghiên cứu, tài chính, ngân hàng, trung tâm hội chợ triển lãm.

Việc hình thành trung tâm nghề cá sẽ góp công lớn, là đầu tàu kéo ngành thủy sản Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn, năng động hơn, tốc độ tăng trưởng cao, bền vững hơn./.

Minh Duyên