KINH TẾ BIỂN ĐẢO

Khánh Hòa tập trung cho ba vùng kinh tế trọng điểm

TTXVN-VNA | 24-12-2016 | 23:33

Khu nhà hàng trên đảo Hòn Tằm của Công ty Yến sào Khánh Hòa, được tỉnh khuyến khích đầu tư, phục vụ khách du ngoạn vịnh Nha Trang.

Ba vịnh biển Nha Trang, Cam Ranh, Vân Phong của Khánh Hòa đã góp phần giúp tỉnh xây dựng nền kinh tế năng động, hiệu quả.

 

Đại hội Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa khóa XVII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra một trong những nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế - xã hội trước mắt cũng như lâu dài của địa phương là tiếp tục thực hiện 3 vùng kinh tế trọng điểm.

 

Vịnh Nha Trang - một trong số 29 vịnh được Câu lạc bộ các vịnh đẹp nhất trên thế giới kết nạp làm thành viên vào năm 2003, sau đó được Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích thắng cảnh cấp quốc gia. Hiện nay toàn tỉnh có trên 610 cơ sở lưu trú phục vụ du lịch với hơn 20.400 phòng, tăng gấp 2,1 lần chỉ sau 8 năm (năm 2008) mà hầu hết tập trung ở thành phố Nha Trang; trong đó có trên 70 khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 3 - 5 sao.

 

Với nhiều lợi thế về cảnh quan biển đảo, môi trường, khí hậu, thực tế trong nhiều năm qua, tỉnh Khánh Hòa, chủ yếu là thành phố bên bờ vịnh Nha Trang đã vươn lên trở thành một trung tâm du lịch lớn của cả nước. Kinh tế từ du lịch đóng góp vào GDP hàng năm của tỉnh chiếm tỷ trọng từ 12% trở lên. 

 

Nha Trang đang hướng đến mục tiêu lớn hơn, đó là trở thành thành phố tổ chức các sự kiện lớn của quốc gia, quốc tế. Tỉnh Khánh Hòa đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án khu đô thị - hành chính mới; triển khai hạ tầng khu trung tâm đô thị thương mại - dịch vụ - tài chính - du lịch Nha Trang; đầu tư để chuyển đổi công năng cảng biển Nha Trang thành cảng chuyên phục vụ du lịch; di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi thành phố...   

 

Ông Lê Quang Thắng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nha Trang cho rằng, để xây dựng Nha Trang, địa phương chú trọng đầu tư phát triển du lịch kết hợp bảo tồn, phát huy hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, di tích lịch sử, văn hóa.  

 

Còn vịnh Vân Phong, hơn 10 năm trước, Chính phủ có quyết định thành lập và ban hành quy chế hoạt động của Khu kinh tế (KKT) Vân Phong với mục tiêu xây dựng và phát triển nơi đây thành KKT tổng hợp; trong đó cảng trung chuyển container quốc tế giữ vai trò chủ đạo, kết hợp phát triển kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, với trọng tâm là phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ, nuôi trồng hải sản... 

 

Xét về quy mô, KKT Vân Phong mang tầm vóc lớn nhất nước khi có diện tích lên đến 150.000 ha. Trong tương lai, KKT này không chỉ có ý nghĩa về các mặt kinh tế - xã hội cho riêng Khánh Hòa, mà lan tỏa ra miền Trung và cả nước. Gần đây, tỉnh Khánh Hòa có chủ trương xây dựng đặc khu hành chính - kinh tế ở phía Bắc vịnh Vân Phong. Dù là mô hình mới, nhưng qua phân tích, đánh giá bước đầu đã cho thấy có tính khả thi, nhiều triển vọng và đang được tỉnh trình Trung ương phê duyệt. Đến nay, KKT Vân Phong đã thu hút trên 130 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký hàng chục tỷ USD. 

 

Giai đoạn 2015 - 2020, tỉnh Khánh Hòa xác định đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, hoàn thành các dự án hạ tầng giao thông, điện, nước theo quy hoạch đã được phê duyệt, sớm giao “đất sạch” cho các nhà đầu tư thực hiện dự án, với hy vọng không lâu nữa sẽ đưa vùng kinh tế trọng điểm này trở thành một đại công trường xây dựng. 

 

Đối với vịnh Cam Ranh, bên cạnh tầm quan trọng về chiến lược quốc phòng, một vùng trọng điểm kinh tế đã và đang hình thành, với định hướng phát triển cảng hàng không quốc tế Cam Ranh, cảng biển Ba Ngòi thành cảng container phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội cho cả vùng Nam Trung Bộ và Nam Tây Nguyên. Bên cạnh đó, khu du lịch Bãi Dài (bắc bán đảo Cam Ranh) đã và đang hình thành với mục tiêu trở thành khu du lịch trọng điểm quốc gia. 

 

Cách đó không xa là Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh. Khánh Hòa đã chủ động tìm nhà đầu tư xây dựng thêm đường băng số 2 và xây thêm nhà ga dành cho khách quốc tế, với công suất có thể đáp ứng 4 triệu lượt hành khách thông qua cảng vào năm 2025. Tại vùng kinh tế trọng điểm này còn có dự án Trung tâm nghề cá lớn đang hình thành, lấy cảng Đá Bạc làm động lực, phục vụ hậu cần nghề cá cho cả vùng duyên hải Nam Trung Bộ.