KINH TẾ BIỂN ĐẢO

Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô đã thu hút 6 dự án đầu tư

TTXVN-VNA | 02-12-2016 | 15:05

Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô

Như vậy đến nay, Khu kinh tế này đã thu hút được tổng cộng 38 dự án đầu tư trong và ngoài nước trên các lĩnh vực công nghiệp, du lịch, dịch vụ với tổng mức đầu tư hơn 39.000 tỷ đồng; trong đó, có 16 dự án đã đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho hơn 3.000 lao động. Tổng doanh thu của các doanh nghiệp đạt 2.879 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 2.140 tỷ đồng.

Trong các dự án đầu tư năm 2016, đáng chú ý có dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp huyền thoại Địa Trung Hải ở ven biển Lăng Cô của Công ty Tập đoàn Vicoland. Khu nghỉ dưỡng này được xây dựng trên diện tích 77.000 m2 với tổng mức đầu tư hơn 750 tỷ đồng. Toàn khu có 52 biệt thự cao cấp cùng 100 phòng khách sạn, được thiết kế theo chuẩn quốc tế.

Khu nghỉ dưỡng này được xây dựng sẽ mở ra cơ hội thu hút khách du lịch cao cấp đến với Lăng Cô. Sau khi giải quyết những khó khăn về tài chính, dự án đang được Vicoland triển khai thực hiện các hạng mục công trình như hạ tầng đường giao thông vào khu nghỉ dưỡng, hệ thống hồ bơi và khẩn trương thi công hạng mục kè chắn sóng biển với mức đầu tư khoảng 19 tỷ đồng.

Các dự án khác đang được xây dựng và đi vào hoạt động gồm dự án khu phức hợp du lịch Laguna của Tập đoàn Banyan Tree (Singapore) với vốn đầu tư 875 triệu USD ở khu Cù Dù đã đưa vào hoạt động giai đoạn I. Khi hoàn thiện, Laguna Huế sẽ có 7 khu khách sạn cao cấp với 2.000 phòng, 1.000 biệt thự (để bán), khu trung tâm hội nghị, mua sắm quốc tế, sân golf...

Dự án xây dựng hạ tầng khu công nghiệp và khu phi thuế quan Sài Gòn - Chân Mây của Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn - Huế có tổng vốn đầu tư 1.279 tỷ đồng, trên tổng diện tích 657,78ha. Công ty Du lịch và Thương mại Á Đông với Khu du lịch sinh thái Vedana Lagoon với tổng trị giá đầu tư 6 triệu USD, nằm phía Tây Bắc đèo Mũi Né, có diện tích hơn 27.000 m2, được bao quanh bởi vùng đồi núi và mặt nước đầm Cầu Hai.

Để thu hút các dự án trên, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có các chính sách ưu đãi đầu tư như: được hưởng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời hạn 15 năm, kể từ năm đầu tiên doanh nghiệp có doanh thu từ dự án đầu tư. Được miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo, kể từ năm đầu tiên doanh nghiệp có thu nhập chịu thuế từ dự án đầu tư.

Trường hợp không có thu nhập chịu thuế trong ba năm đầu, kể từ năm đầu tiên có doanh thu từ dự án đầu tư thì thời gian miễn thuế, giảm thuế được tính từ năm thứ tư.

Đối với doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư mới thuộc các lĩnh vực có quy mô lớn, công nghệ cao hoặc mới cần đặc biệt thu hút đầu tư, tỉnh áp dụng thuế suất ưu đãi 10% có thể kéo dài thêm nhưng tổng thời gian áp dụng thuế suất 10% không quá 30 năm.

Cụ thể là các dự án thuộc nhiều lĩnh vực như nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; ứng dụng công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển theo quy định của Luật Công nghệ cao; ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; đầu tư mạo hiểm cho phát triển công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên phát triển theo quy định của pháp luật về công nghệ cao; đầu tư xây dựng - kinh doanh cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; đầu tư phát triển nhà máy nước, nhà máy điện, hệ thống cấp thoát nước; cầu, đường bộ, đường sắt; cảng biển...

Đáng chú ý, Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô có điều kiện thuận lợi gần cảng nước sâu Chân Mây. Đây là một trong 46 cảng biển được Hiệp hội Du thuyền châu Á lựa chọn xây dựng điểm dừng chân cho các du thuyền ở khu vực Đông Nam Á.

Đây cũng là cảng chính giữa con đường biển kết nối Singapore, Philippines và Hong Kong. Cảng Chân Mây nằm ở vị trí trung tâm của hai đô thị lớn nhất miền Trung là Huế - Đà Nẵng và gần các di sản văn hóa thế giới như Hội An, Mỹ Sơn, Huế.

Cảng Chân Mây cũng là cửa ngõ hướng ra biển Đông gần nhất và thuận lợi nhất đối với các vùng miền khu vực Hành lang kinh tế Đông Tây (là nơi kết nối miền Trung Việt Nam với Trung Hạ Lào, Đông Bắc Thái Lan, Myanmar).

Từ khi Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô hình thành, vùng động lực kinh tế phía Nam này đã có bước phát triển nhanh chóng, hệ thống cơ sở hạ tầng được đẩy nhanh xây dựng, như đường sá, hệ thống cấp nước, hệ thống xử lý chất thải… đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quá trình đô thị hoá, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện nâng cao.

Cảng biển Chân Mây với quy hoạch lượng hàng thông qua dự kiến vào năm 2020 khoảng 4,8 - 5,4 triệu tấn/năm; năm 2030 khoảng 8,9 - 10,2 triệu tấn/năm. Theo đó, khu bến Chân Mây là bến cảng tổng hợp, công ten nơ kết hợp phục vụ tàu khách du lịch quốc tế, tiếp nhận tàu hàng tải trọng từ 30.000 đến 50.000 tấn.

Giai đoạn năm 2020, xây dựng mới 2 đến 3 cầu cảng cho tàu đến 50.000 tấn (không kể bến phụ); giai đoạn 2030 bổ sung 2 bến tàu hàng 50.000 tấn và 1 bến tàu khách du lịch quốc tế đến 225.000GT; năng lực thông qua năm 2020 khoảng 0,1 đến 0,2 triệu tấn/năm, năm 2030 khoảng 0,3 đến 1,0 triệu tấn/năm.

Cảng Chân Mây hội đủ điều kiện và tiềm năng để phát triển trở thành cảng công nghiệp du lịch tàu biển chuyên dùng. Hiện tại, sau khi nâng cấp cảng Chân Mây đã có bến tàu với chiều dài 420m, độ sâu trước bến 12,5m đủ khả năng đón tàu có trọng tải 30.000 DWT và tàu du lịch quốc tế cỡ lớn khoảng 3.000 khách...

Năm 2016, ngoài lượng hàng hóa thông qua ngày càng tăng, còn có khoảng 60.000 khách du lịch quốc tế bằng tàu biển đến Huế qua cảng Chân Mây. Trong số này, có những hãng tàu như Voyager of the Seas được xếp hạng là tàu khách lớn thứ 3 trên thế giới, tàu có thể chở gần 5000 hành khách và thủy thủ đoàn cập cảng Chân Mây. Từ đây du khách đã được các hãng du lịch lữ hành đưa đi tham quan, mua sắm, thưởng thức ẩm thực ở các điểm như Huế, Hội An, Đà Nẵng…/.

Quốc Việt