Những vướng mắc về thiết kế mẫu tàu, hồ sơ vay vốn tín dụng vẫn đang là rào cản với nhiều ngư dân.
Mặc dù Nghị định 67 của Chính phủ về “Một số chính sách phát triển thủy sản” có hiệu lực hơn 4 tháng, nhưng tới nay vẫn chưa có tàu cá vỏ thép nào được đóng. Những vướng mắc về thiết kế mẫu tàu, hồ sơ vay vốn tín dụng vẫn đang là rào cản với nhiều ngư dân.
Mẫu tàu chưa phù hợp
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Nghị định 67 có hiệu lực từ 25/8. Tới ngày 15/10, Bộ NN&PTNT đã công bố mẫu tàu cá sơ bộ, ngày 17/11 công bố mẫu tàu cá vỏ thép. Bộ NN&PTNT đã phân bổ trên 2.000 tàu khai thác và 205 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá có công suất từ 400 CV trở lên được đóng mới theo Nghị định 67 cho 28 tỉnh, thành phố ven biển.
“Tuy nhiên, hiện mới có 4 tỉnh là Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Thuận phê duyệt danh sách ngư dân đủ điều kiện để vay vốn đóng tàu”, ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết.
Còn theo Ngân hàng Nhà nước, hiện nay mới chỉ 3 hồ sơ đủ điều kiện được vay vốn đóng tàu. Tỉnh Quảng Ngãi đã phê duyệt 40 tàu cá được vay vốn, trong đó có 15 tàu vỏ thép, 2 tàu composite và 23 tàu vỏ gỗ. Nhưng đến nay, mới chỉ có Công ty CP thủy sản Lý Sơn được giải ngân vốn đóng tàu, chưa có ngư dân nào được vay vốn. Nguyên nhân là do sai sót phần thiết kế, ngư dân phải sửa lại nhiều lần.
Ông Lê Trung Thành, Giám đốc Hợp tác xã tàu thuyền Viễn Đông Sa Huỳnh (Đức Phổ) cho biết, trong số ngư dân được xét duyệt đóng tàu mới theo Nghị định 67, chỉ có ông Nguyễn Sáu, ở thôn Thạch Bi 1, xã Phổ Thạnh được duyệt. Tuy nhiên, đã qua vài tháng nộp hồ sơ, nhưng do phải sửa đi sửa lại nhiều lần thiết kế, nên ông Sáu chưa được phê duyệt. Do vậy, vẫn phải chờ.
Theo ông Thành, đối với tàu vỏ gỗ, tỉnh đã duyệt 6 cơ sở đủ tiêu chuẩn đóng mới, nâng cấp tàu theo Nghị định 67, nhưng hiện chưa có ngư dân nào hoàn thiện hồ sơ đóng tàu gỗ, do tỉnh không có đơn vị nào thiết kế. Với tàu vỏ thép, Quảng Ngãi không có cơ sở nào đóng được. Do vậy, việc đóng tàu theo Nghị định 67 chưa biết đến khi nào mới thực hiện được.
Theo các ngư dân tỉnh Quảng Ngãi, 21 mẫu tàu của Bộ NN&PTNT chỉ là các mẫu tham khảo, chưa phù hợp với ngành nghề và ngư trường đánh bắt của ngư dân miền Trung. Ông Võ Văn Hân ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) cho biết: “Các mẫu tàu này chỉ hợp với khu vực biển miền Nam và miền Bắc, không phù hợp miền Trung. Miền Trung sóng to gió lớn, tàu phải rộng, sâu. Hơn nữa, các đơn vị đóng tàu chưa lập dự toán thống nhất về giá thành, nguyên vật liệu đóng tàu vỏ thép, ngư dân không có số liệu để so sánh giá”.
Cùng quan điểm này, ngư dân Lê Tới, ở xã Phổ Châu, huyện Đức Phổ bày tỏ: “Mỗi ngư dân lại có các lựa chọn khác nhau, do vậy thiết kế phải đa dạng theo các mẫu tàu nhỏ, tàu to khác nhau. Do vậy, mong các ngành chức năng, đơn vị tư vấn thiết kế sớm đưa ra mẫu tàu phù hợp để ngư dân sớm đóng tàu vươn khơi trong năm 2015”.
Theo ông Phạm Trường Thọ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, 21 mẫu tàu của Bộ NN&PTNT đưa ra chưa phù hợp với ngư dân Quảng Ngãi, ngư dân muốn chỉnh sửa rất nhiều trong đó. Có tàu gần như phải thiết kế lại.
Công khai hồ sơ, rút ngắn thời gian phê duyệt
Giải đáp về những vướng mắc trong khâu thiết kế tàu của ngư dân, ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết: “Quy trình để thiết kế tàu cá cần thời gian để thiết kế sơ bộ, thiết kế kỹ thuật. Trước khi triển khai, Hội đồng khoa học của Bộ phải xuống tận nơi, hỏi ngư dân để tham khảo, từ đó mới đưa ra được các mẫu tàu. Tuy nhiên, đây chỉ là các tàu mẫu, trong Thông tư 25 của Bộ NN&PTNT cũng ghi rõ, tùy theo điều kiện của các vùng, có thể thay đổi kết cấu nhưng vẫn đảm bảo đặc tính của tàu”.
Về phần thủ tục, ông Oai cho rằng, quy trình triển khai bắt đầu từ xã lên huyện, đến tỉnh. Hồ sơ vay vốn phải công khai ở xã để mọi người xác nhận ngư dân này đủ điều kiện, có phương án sản xuất kinh doanh, kinh nghiệm sản xuất, sau đó chuyển lên huyện tổng hợp, để đảm bảo minh bạch.
“Rút kinh nghiệm từ Nghị định 393 triển khai năm 1997 về việc vay vốn đánh bắt xa bờ không hiệu quả, Nghị định 67 có 5 nhóm chính sách, đầu tư, tín dụng, bảo hiểm, ưu đãi thuế và một số chính sách khác.
Bộ NN&PTNT, Tài chính, và Ngân hàng sẽ phối hợp triển khai các chính sách này. Trong từng nhóm chính sách sẽ có văn bản hướng dẫn riêng. Do vậy, đây là điều kiện cần và đủ để chuyển vốn tới tay người có nghề, có kinh nghiệm”, ông Oai nói thêm.
Về vấn đề tài chính, ngân hàng cho vay 90%, còn ngư dân chỉ phải bỏ ra 10%. Tuy nhiên, quá trình cho vay cần theo trình tự, đầy đủ thủ tục. Ông Trần Luyện, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Ngãi khẳng định: “Việc cho vay cần thận trọng, vì ngân hàng là cửa xét duyệt cuối cùng. Nếu chủ tàu hội đủ điều kiện, ngân hàng sẽ xác minh phương án vay vốn, khả thi thì sẽ giải ngân ngay”.
Để rút ngắn thời gian phê duyệt dự án, ông Võ Bảy, Giám đốc Ngân hàng Agribank Chi nhánh Sa Huỳnh, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi cho biết, từ đợt sau, nhân viên của ngân hàng sẽ tham gia ngay từ đầu trong tổ thẩm định, như vậy sẽ rút ngắn thời gian phê duyệt dự án cho ngư dân.
Theo ông Phạm Trường Thọ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, các đơn vị tư vấn và nhà máy phải đưa ra các mẫu thiết kế cho cơ quan thẩm quyền phê duyệt, không để cho bà con ngư dân tự đi. Các ngân hàng thương mại tiếp cận với ngư dân, tiếp cận với cơ sở đóng tàu để kiểm tra các thủ tục liên quan để thỏa thuận việc giải ngân trong thời gian sớm nhất.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, trong thời gian qua, các đơn vị đã tích cực soạn thảo để hoàn thiện NĐ 67, ban hành các thông tư, thiết kế mẫu, các hướng dẫn liên quan, cùng với các địa phương đưa văn bản này vào cuộc sống. Tuy nhiên, tới nay vẫn chưa có tàu nào được đóng từ hỗ trợ của Chính phủ. Trong quý I/2015, các đơn vị sẽ tích cực triển khai để có những con tàu được đóng theo NĐ 67.