Hà Nội (TTXVN 29/12)--
Trang mạng "thediplomat.com" đăng bài phân tích nhận định rằng việc Hải quân của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) thu giữ một thiết bị lặn không người lái (UUV) của Mỹ ở Biển Đông hồi đầu tháng này là điều chưa từng có tiền lệ và có thể làm nảy sinh nhiều mâu thuẫn trong tương lai. Mặc dù phía Trung Quốc sau đó đã trao trả thiết bị này cho Hải quân Mỹ song nhiều tranh cãi vẫn đang nổ ra. Có ý kiến cho rằng dù bị coi là vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), song điều mà Trung Quốc muốn thể hiện trong vụ việc lần này là tiếp tục các nỗ lực nhằm hạn chế hoạt động tuần tra của Mỹ trong các khu vực thuộc, hoặc lân cận, vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Dương Vũ Quân đã nhân sự kiện này kêu gọi Mỹ giảm các hoạt động thăm dò và tuần tra ở vùng biển gần kề Trung Quốc, mặc dù các hoạt động này hoàn toàn hợp pháp theo UNCLOS, đồng thời cảnh báo rằng Trung Quốc sẽ “cảnh giác” và có “những biện pháp cần thiết” để đối phó với các hành động này. Để “hợp thức hóa” việc thu giữ UUV của Mỹ, truyền thông Trung Quốc thậm chí còn khẳng định sự kiện này chỉ phản ánh một nguy cơ duy nhất là các UUV của Mỹ có thể thu thập các thông tin tình báo liên quan đến hoạt động của các tàu ngầm Trung Quốc, và rằng các UUV hiện đại có thể cung cấp “các thông tin có giá trị”.
Mặc dù người ta khó có thể xác minh các khẳng định này, song hành động của Hải quân PLA cho thấy điều mà họ quan tâm chính là mục đích và hiệu quả sử dụng UUV. Nhìn xa hơn, việc sử dụng các thiết bị không người lái này tại vùng biển tranh chấp có thể sẽ trở thành một khía cạnh quan trọng trong các tranh chấp ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, và trở thành một trong những nguyên nhân thường xuyên gây ra mâu thuẫn.
Vụ việc này diễn ra trong bối cảnh quân đội Mỹ và Trung Quốc đều đang tích cực đẩy mạnh việc sử dụng các hệ thống không người lái ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Mỹ thường sử dụng các UUV như thiết bị Trung Quốc thu giữ nói trên để thu thập các dữ liệu hải dương học. Khi căng thẳng ở Biển Đông gia tăng, Mỹ đã tăng cường các chuyến bay tuần tra bằng máy bay không người lái (UAV), như mẫu Global Hawk, ở Biển Đông.
Một số thông tin cho biết va chạm đã xảy ra trong khu vực khi PLA tìm cách can thiệp và ngăn chặn các hoạt động này. Trong khi đó, PLA tập trung vào việc mở rộng hoạt động của các máy bay không người lái, điều có thể giúp họ vừa tiến hành các chiến dịch tuần tra, vừa tăng cường sự hiện diện thường xuyên ở các vùng biển tranh chấp trong thời bình.
Hạm đội biển Hoa Đông và hạm đội Biển Đông của Hải quân PLA đã trang bị cho nhiều đơn vị các UAV, như mẫu BZK-005, để tham gia trong các cuộc tuần tra trong khu vực. Gần đây, đã có nhiều thông tin về sự cải tiến của các UAV Trung Quốc, với khả năng tiến hành các cuộc tuần tra do thám và được thiết kế hết sức linh hoạt.
Mặc dù việc triển khai UUV vẫn chỉ ở mức giới hạn song quân đội Mỹ và Trung Quốc đều ưu tiên nâng cấp các thiết bị này. Trong tương lai gần, các UUV có thể được triển khai trong các xung đột ở dưới biển, cho phép Mỹ tăng cường lợi thế vốn có, hoặc giúp Trung Quốc bù đắp những hạn chế của mình. Hải quân PLA cũng có thể sử dụng UUV cho các nhiệm vụ như do thám, theo dõi, tuần tra, liên lạc, hướng dẫn cảnh báo, xác định mục tiêu, dò mìn, tìm kiếm hay các chiến dịch chống hạm. Một số ý kiến cho rằng các nỗ lực của Trung Quốc sẽ được củng cố bởi các hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ, và việc thu giữ UUV của Mỹ vừa qua cũng nhằm mục đích này. Mặc dù rất khó để ước tính cụ thể mức độ “chuyển giao” công nghệ trái phép này song rõ ràng Trung Quốc đang ra sức tìm mọi cách để hiện đại hóa các thiết bị không người lái của mình.
Những tranh cãi xung quanh việc Hải quân PLA thu giữ UUV của Hải quân Mỹ phản ánh một khía cạnh mới trong các mâu thuẫn ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, một nguy cơ ngày càng đáng lo ngại. Trong tương lai gần, PLA nhiều khả năng sẽ tăng cường sử dụng các thiết bị này để khẳng định các tuyên bố chủ quyền của họ ở hai vùng biển này, đồng thời tìm cách ngăn chặn Mỹ và các nước có tuyên bố chủ quyền trong khu vực. Nhiều bài viết của các học giả PLA thậm chí còn khẳng định lợi thế của việc sử dụng các UUV như “các phương tiện tân tiến” nhằm bảo vệ “quyền lợi và lợi ích” của Trung Quốc ở Biển Đông. Trong khi đó, việc triển khai UAV trong các cuộc tuần tra tại Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) ở biển Hoa Đông, và có thể là một ADIZ khác trong tương lai ở Biển Đông có thể sẽ được xem là hành động ít khiêu khích hơn so với các cuộc tuần tra bằng máy bay quân sự thông thường.
Kế hoạch thúc đẩy năng lực của PLA với các hệ thống không người lái có thể là một lựa chọn trong chiến lược “cắt lát salami” mà Trung Quốc thực hiện ở Biển Đông. Khả năng sử dụng các hệ thống không người lái để duy trì sự hiện diện thường xuyên, giảm bớt các nguy cơ so với khi sử dụng con người, có thể cho phép Trung Quốc tiếp tục thiết lập “những thực tế mới trên biển”, củng cố các tuyên bố chủ quyền của mình cũng như khả năng kiểm soát các vùng biển tranh chấp./.