KINH TẾ BIỂN ĐẢO

Nhiều nguồn gây ô nhiễm biển

TTXVN-VNA | 25-12-2016 | 00:04

Một cửa xả nước thải trên tuyến đường ven biển Nguyễn Tất Thành (TP Đà Nẵng) bốc mùi hôi thối gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN

Theo nhận định của Tiến sĩ Dư Văn Toán, Viện Nghiên cứu biển và hải đảo, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, dải ven biển hay đới bờ nói chung trên thế giới cũng như tại Việt Nam có nhiều nguồn tiềm ẩn gây ô nhiễm. 

Ô nhiễm đến từ... đất liền

 

Hầu hết những chất gây ô nhiễm đều từ đất liền đổ ra sông và theo dòng sông đổ ra biển; bao gồm nước thải sinh hoạt trực tiếp từ khu vực đô thị, thành phố ven biển, nước thải công nghiệp từ các khu công nghiệp ven biển trực tiếp hay qua cống thải ngầm dưới biển, nước thải, dầu thải, hóa chất của tầu thuyền trên biển. Sự cố dầu tràn của dàn khoan khai thác, tầu vận tải chuyên chở dầu. 

Cùng với các yếu tố dòng chảy, chế độ sóng, gió khu vực cũng gây ra các quá trình vận chuyển ô nhiễm sang các vùng lân cận. Các chất gây ô nhiễm cũng tác động đến chế độ hải dương, các quá trình sinh học, làm xuất hiện hiện tượng phù dưỡng, hoặc cũng có thể gây ra các hiện tượng suy giảm nồng độ oxy hòa tan, dẫn đến hiện tượng cá và hải sản chết hàng loạt. 

Nước ta có tới trên 100 con sông, trong đó hơn 10 con sông đang ở mức độ ô nhiễm nặng, điển hình như sông Cầu, sông Đáy, sông Thị Vải… Tất cả các con sông đều đổ ra biển, kéo theo đó là nguồn ô nhiễm từ đất liền như chất thải công nghiệp, nông nghiệp, làng nghề, nước thải chưa xử lý, hóa chất, thuốc trừ sâu, rác, phế thải vật liệu xây dựng… 


Báo cáo hiện trạng môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, hàng năm các con sông thải ra biển 880 km3 nước và 270 - 300 triệu tấn phù sa, kéo theo nhiều chất có thể gây ô nhiễm biển như các chất hữu cơ, dinh dưỡng, kim loại nặng và nhiều chất độc hại từ các khu dân cư tập trung, các khu công nghiệp và đô thị, các khu nuôi trồng thủy sản ven biển và các vùng sản xuất nông nghiệp. Những loại rác không phân hủy được trôi nổi ven biển, lắng xuống đáy biển, rác phân hủy được sẽ hòa tan và lan truyền trong toàn khối nước biển. Ngoài ra các khu du lịch phát triển nhanh nhưng thiếu quy hoạch, thiếu hệ thống xử lý nước thải, chất thải… cộng với ô nhiễm từ nuôi trồng thủy sản một cách bừa bãi, nạn khai thác titan ồ ạt đã và đang tác động xấu đến môi trường biển. 


Do đó môi trường sinh thái biển Việt Nam tiếp tục suy giảm, tính đa dạng sinh học, nhất là vùng ven bờ ngày càng bị đe dọa, như rừng ngập mặn bị tàn phá nghiêm trọng, có tới 90% rạn san hô bị đe dọa hủy hoại. Hiện có khoảng 85 loài hải sản trong tình trạng nguy cấp ở nhiều mức độ khác nhau, trên 70 loài đã được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam. Những năm gần đây tại các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa đã xảy ra hiện tượng thủy triều đỏ gây thiệt hại lớn cho ngành nuôi trồng thủy sản. Chưa kể ô nhiễm không khí cũng có tác động mạnh mẽ tới môi trường sinh thái biển, bởi nồng độ CO2 trong không khí gia tăng sẽ làm lượng CO2 trong nước biển tăng, dẫn đến thay đổi môi trường sống của các loài thực vật biển. 


Khai thác kiểu tận diệt


Qua nghiên cứu, điều tra của Viện Hải dương học Việt Nam, tình trạng ô nhiễm môi trường biển và hải đảo còn do các địa phương khai thác, sử dụng không hợp lý các vùng đất cát ven biển dẫn tới thiếu nước ngọt, xói lở, sa bồi bờ biển với mức độ ngày càng nghiêm trọng. Việc khai thác hải sản bằng mìn, sử dụng hóa chất độc hại làm cạn kiệt nhanh chóng nguồn lợi thủy sản, gây hậu quả nặng nề cho các vùng sinh thái biển. Các hoạt động du lịch có ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sinh thái, cảnh quan tự nhiên của biển. 

Biển và vùng bờ của nước ta là nơi tập trung trên 50% số đô thị lớn, gần 60% dân số và phần lớn các khu công nghiệp, khu chế xuất, các vùng nuôi thủy sản, các hoạt động cảng biển - hàng hải và du lịch sẽ được xây dựng ở đây, đã gây sức ép rất lớn đến môi trường đô thị, khu dân cư ven biển, làm suy giảm và suy thoái tài nguyên biển và vùng ven bờ. Trong khi việc quản lý vẫn chủ yếu theo ngành. Theo cách quản lý này, các ngành thường chú trọng nhiều hơn đến mục tiêu phát triển kinh tế, còn các mục tiêu xã hội và môi trường ít được ưu tiên, dẫn đến tính toàn vẹn và tính liên kết của các hệ thống tự nhiên vùng bờ biển bị chia cắt, mâu thuẫn lợi ích trong sử dụng tài nguyên ngày càng tăng, ảnh hưởng đến tính bền vững của các hoạt động phát triển.

 

 Văn Hào