Thực tế còn nhiều thách thức trong khai thác và sử dụng tài nguyên biển ở nước ta.
Nhận thức chưa đầy đủ
Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi, Đại học Quốc gia Hà Nội, dựa vào lợi thế về tài nguyên biển đảo, trong những năm qua Việt Nam đã đề ra những chủ trương, biện pháp quan trọng nhằm tăng cường quản lý, bảo vệ, khai thác biển đảo, vùng ven bờ và đã đạt được những thành tựu cơ bản.
Tuy nhiên, Việt Nam còn gặp không ít thách thức và hạn chế trong phát triển kinh tế biển và bảo tồn tính bền vững của biển. Nếu không hoặc chậm khắc phục sẽ ảnh hướng rất lớn đến phát triển hiệu quả và bền vững, cũng như khả năng công nghiệp hóa, hiện đại hóa các ngành kinh tế biển.
Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Nguyễn Văn Cư cho rằng: Vấn đề đặt ra đầu tiên là nhận thức về vai trò, vị trí của biển của các cấp, các ngành, các địa phương ven biển và người dân chưa đầy đủ. Quy mô kinh tế biển nhìn chung còn nhỏ bé chưa tương xứng với tiềm năng.
Cơ cấu ngành, nghề chưa hợp lý, chưa chuẩn bị tốt điều kiện để vươn ra vùng biển quốc tế. Cơ sở hạ tầng các vùng biển, ven biển và hải đảo còn thấp kém, thiết bị chưa đồng bộ nên hiệu quả sử dụng thấp. Cụ thể là các cảng biển thiếu hệ thống đường cao tốc chạy dọc biển để nối liền thành phố, khu kinh tế, khu công nghiệp, sân bay ven biển thành một hệ thống kinh tế biển liên hoàn.
Mặt khác, hệ thống các cơ sở nghiên cứu khoa học-công nghệ biển; đào tạo nguồn nhân lực cho kinh tế biển; các cơ sở quan trắc, dự báo, cảnh báo biển, thiên tai biển, các trung tâm cứu hộ cứu nạn ở ven biển còn nhỏ bé, trang bị thô sơ.
Những phương thức quản lý biển mới, tiên tiến còn chậm được nghiên cứu áp dụng. Chẳng hạn như quản lý không gian biển; quy hoạch sử dụng biển bao gồm hải đảo và vùng ven biển giống như quy hoạch sử dụng đất áp dụng trên đất liền. Đặc biệt là ít chú ý nghiên cứu công nghệ biển tiên tiến.
Báo động về môi trường biển
Tình hình khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo những năm qua thiếu bền vững do khai thác tự phát, không tuân thủ quy hoạch biển, đảo làm nảy sinh mâu thuẫn lợi ích trong sử dụng đa ngành. Phương thức khai thác chủ yếu vẫn dưới hình thức sản xuất và đầu tư nhỏ, công nghệ lạc hậu.
Còn nghiêng về ưu tiên khai thác tài nguyên biển dưới dạng vật chất, không tái tạo. Các giá trị chức năng, phi vật chất và có khả năng tái tạo của hệ thống tài nguyên biển còn ít được chú trọng.
Cụ thể như giá trị vị thế của mảng không gian biển, ven biển và hải đảo; giá trị dịch vụ của các hệ sinh thái, thậm chí là giá trị văn hóa biển. Điều đáng báo động là môi trường biển đang bị biến đổi theo chiều hướng xấu. Do ngày càng nhiều chất thải không qua xử lý từ các lưu vực sông và vùng ven biển đổ ra biển.
Đặc biệt là các nguồn thải của các khu công nghiệp ven biển chưa được kiểm soát chặt chẽ, nên đã xảy ra sự cố môi trường biển chưa từng có trên vùng biển 4 tỉnh miền Trung tháng 4 vừa qua.
Ngoài nguy cơ đang hiện rõ là đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản đã và đang giảm sút, biển Việt Nam thường xuyên xảy ra thiên tai và còn chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Trong khi biển và hải đảo vẫn chủ yếu được quản lý theo cách tiếp cận mở theo kiểu “điền tư, ngư chung” và chủ yếu theo ngành dẫn tới sự chồng chéo về quản lý.
Đồng thời sự tham gia của cộng đồng địa phương vào tiến trình quản lý còn thụ động, chưa làm rõ vấn đề sở hữu, sử dụng đất ven biển và mặt nước cho người dân địa phương ven biển. Công tác kiểm tra, kiểm soát, cấp và thu hồi giấy phép sử dụng, khai thác tài nguyên biển chậm được triển khai trong lĩnh vực quản lý tài nguyên biển.