Thời gian này, tại cảng cá Cửa Sót, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) người dân đã trở lại khai thác, đánh bắt hải sản. Những hộ kinh doanh hải sản cũng tiếp tục kinh doanh trở lại. Anh Phan Tiến Đường, thôn Long Hải, xã Thạch Kim chủ thuyền đánh bắt hải sản vừa đi biển về cho biết: Hiện, thuyền của anh đánh bắt được bao nhiêu đều tiêu thụ hết nhưng giá còn thấp. Gia đình đang vay ngân hàng hơn 500 triệu đồng nên rất muốn được ngân hàng hỗ trợ lãi suất để nhanh chóng ổn định cuộc sống.
Hà Tĩnh có 6 huyện, thị xã vùng biển với hơn 16.000 hộ, 80.000 lao động gắn với hoạt động đánh bắt, khai thác, chế biến hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá cùng rất nhiều gia đình có ngành, nghề liên quan đến biển như sản xuất muối, sản xuất, kinh doanh dịch vụ hải sản, du lịch biển… Ngay sau khi xảy ra sự cố môi trường biển vào tháng 5/2016, Hà Tĩnh đã trích ngân sách hơn 6 tỷ đồng mua trên 605.200 kg gạo hỗ trợ khẩn cấp cho 26.898 nhân khẩu tại vùng bị ảnh hưởng trực tiếp thuộc thị xã Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh. Tiếp đó, tỉnh tiếp nhận thêm 899.460 kg gạo từ Quỹ dự trữ quốc gia cấp phát cho 39.976 nhân khẩu tại các xã ven biển Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Lộc Hà, Nghi Xuân, Kỳ Anh; hỗ trợ cho 4.681 chủ tàu, thuyền với số tiền hơn 21,5 tỷ đồng.
Chia sẻ khó khăn với người dân, đã có 7 ngân hàng trên địa bàn ban hành phương án hỗ trợ cho các đối tượng bị thiệt hại. Các ngân hàng thực hiện việc miễn, giảm lãi, cơ cấu lại thời gian trả nợ, đẩy mạnh cho vay mới đối với các khách hàng ở vùng bị thiệt hại hoặc đầu tư kinh doanh ngành nghề liên quan đến thủy, hải sản. Đến nay, các ngân hàng đã cơ cấu lại nợ 56,7 tỷ đồng của 215 khách hàng; miễn, giảm lãi vay cho 417 khách hàng có tổng dư nợ hơn 154,5 tỷ đồng với số tiền lãi được miễn giảm gần 1 tỷ đồng. Các ngân hàng cũng hướng dẫn khách hàng lập phương án sản xuất kinh doanh, xem xét cho vay để hỗ trợ ngư dân tiếp tục sản xuất kinh doanh hoặc chuyển đổi ngành nghề và đã cho 1.018 khách hàng vay mới số tiền 32,9 tỷ đồng...
Sau khi Chính phủ công bố nguyên nhân gây ra sự cố môi trường biển, ngày 1/7, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã thành lập Hội đồng đánh giá thiệt hại sau thảm họa môi trường do Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Chủ tịch Hội đồng. Tỉnh cũng ban hành Quyết định về việc Quy định tạm thời một số chính sách hỗ trợ ổn định đời sống và khôi phục sản xuất do ảnh hưởng sự cố môi trường. Từ đó có huyện, thị xã vùng biển thành lập các tổ chỉ đạo các xã, phường đánh giá mức độ thiệt hại, đối tượng ảnh hưởng của thảm họa môi trường để có chính sách hỗ trợ đền bù và tái ổn định cuộc sống, nghề nghiệp cho người dân.
Ông Biện Ngọc Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà - địa phương chịu ảnh hưởng lớn của sự cố môi trường cho biết: Xã đã thành lập 4 tổ công tác tiến hành xác định đối tượng bị ảnh hưởng để từ đó có phương án hỗ trợ chính xác và đảm bảo công bằng.
Xã Thạch Kim xác định 4 nhóm đối tượng được hưởng hỗ trợ gồm nhóm ngư dân có tàu, thuyền; nhóm kho đông lạnh và lao động ở các cơ sở, dịch vụ làm thuê ở kho đông lạnh; nhóm kinh doanh cá, nướng cá, chế biến hải sản và nhóm kinh doanh xăng dầu trên biển, hộ làm ngư lưới cụ. Ông Biện Ngọc Cường cho biết thêm: Quá trình xác định đối tượng để hỗ trợ gặp rất nhiều khó khăn, vì đối tượng ảnh hưởng rất rộng. Chúng tôi đề nghị bổ sung thêm đối tượng được hưởng hỗ trợ là những hộ có tàu, thuyền trên 90 CV vì đối tượng này rất đông.
Trước đó xã Thạch Kim đã được hỗ trợ hơn 190 tấn gạo cho 1.727 hộ dân với trên 8.600 nhân khẩu và hỗ trợ 119 thuyền có công suất dưới 90CV từ 3,5 - 5 triệu đồng/thuyền. Các tổ chức cá nhân trong và ngoài tỉnh đã hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng cho xã.
Với sự hỗ trợ của Chính phủ và sự chủ động đối phó với sự cố, các cấp chính quyền Hà Tĩnh đã có những chính sách phù hợp và tiến hành hỗ trợ kịp thời để dân vượt qua giai đoạn khó khăn. Người dân nhìn nhận và đánh giá sự việc một cách khách quan, từng bước khôi phục lao động, sản xuất ổn định cuộc sống.
Tường Vũ