KINH TẾ BIỂN ĐẢO

Phát triển bền vững chuỗi khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ

TTXVN-VNA | 09-12-2016 | 12:30

Chế biến, tiêu thụ cá ngừ. Ảnh: TTXVN

Từ tháng 12/2016, tỉnh Khánh Hòa nhân rộng mô hình liên kết trong chuỗi khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ. Việc này dựa trên cơ sở, mô hình liên kết trong chuỗi khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ, giữa Công ty TNHH Thịnh Hưng và Tổ hợp tác nghề cá Phước Đồng, với 46 chủ tàu cá tham gia, đã thực hiện thí điểm thành công.

Đây được xem là mô hình liên kết thành công đầu tiên, trong Đề án "Thí điểm Tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thu cá ngừ theo chuỗi", được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông triển khai từ năm 2014 ở 3 tỉnh: Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa.

Trước khi tham gia vào chuỗi khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ, ông Nguyễn Thành Phước, chủ tàu cá KH 96445-TS, thường xuyên gặp cảnh “được mùa mất giá”. Nguyên nhân là do bị tư thương ép giá và chất lượng cá ngừ cũng không cao, vì quy trình, kỹ thuật bảo quản cá chưa tốt.

Ông Phước cho biết, từ khi tham gia liên kết với doanh nghiệp, giá cá ngừ bán được cao hơn 2.000 đồng/kg so với giá thị trường. Doanh nghiệp cũng hướng dẫn ngư dân thực hiện quy trình, kỹ thuật bảo quản, để nâng cao chất lượng cá ngừ sau khi khai thác. Sự hỗ trợ của doanh nghiệp đã khuyến khích nhiều ngư dân đóng mới tàu cá công suất lớn và yên tâm làm nghề đánh bắt cá ngừ dài ngày trên vùng biển xa bờ.

Mô hình liên kết giữa Công ty TNHH Thịnh Hưng và Tổ hợp tác nghề cá Phước Đồng được thực hiện từ tháng 10/2016 trên cơ sở, các tàu trong tổ hợp tác, sau khai thác về, bán toàn bộ cá ngừ cho công ty.

Công ty có trách nhiệm bao tiêu toàn bộ sản phẩm cá ngừ theo giá thị trường, đồng thời có chương trình khuyến khích, hỗ trợ cho các tàu đạt năng suất và chất lượng sản phẩm cao. Công ty hỗ trợ 2.000 đồng/kg, cho toàn bộ lô cá ngừ có 10% sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất. Đồng thời hỗ trợ cho ngư dân dụng cụ, quy trình, kỹ thuật khai thác cá ngừ, nhằm nâng cao chất lượng sơ chế, bảo quản sản phẩm.

Ông Huỳnh Đắc Trí, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thịnh Hưng, cho biết, trước đây, ngư dân hầu như bỏ qua khâu sơ chế và bảo quản cá ngừ nên chất lượng cá thường không đạt yêu cầu để xuất khẩu. Khi có liên kết, công ty hướng dẫn bà con, ngay sau khi đánh bắt được, phải xả máu của cá ngừ càng nhanh càng tốt và giết cá đúng quy trình, thời gian, sau đó đưa cá xuống hầm bảo quản sớm nhất có thể.

Cũng theo ông Trí, nhu cầu cá ngừ để xuất là rất lớn, nên công ty tiếp tục xây dựng thêm các mô hình liên kết với ngư dân, không chỉ ở Khánh Hòa mà còn ở các tỉnh khác.

Đến nay, tỉnh Khánh Hòa đã triển khai 3 mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và ngư dân trong chuỗi khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ. Tuy nhiên, chỉ có mô hình liên kết giữa Công ty TNHH Thịnh Hưng và Tổ hợp tác nghề cá Phước Đồng là thành công bước đầu. Hai mô hình còn lại vẫn chưa thể thực hiện được mặc dù đã triển khai từ lâu, do gặp khó khăn về vốn đầu tư đóng tàu dịch vụ hậu cần và thu mua hải sản trên biển.

Ông Nguyễn Trọng Chánh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa, đánh giá, việc đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và ngư dân là điểm mấu chốt để thực hiện chuỗi khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ, phát triển bền vững. Vì vậy, ngành thủy sản tỉnh gặp gỡ ngư dân để nắm bắt nguyện vọng đồng thời trao đổi với doanh nghiệp về chia sẻ lợi ích với ngư dân. Qua đó, giúp doanh nghiệp và ngư dân tìm tiếng nói chung, tự nguyện liên kết với nhau, vì quyền lợi của cả hai bên.

Hiện Chi cục Thủy sản Khánh Hòa chuẩn bị triển khai thêm 3 mô hình liên kết trong chuỗi khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ, giữa các đội tàu khai thác cá ngừ với Công ty TNHH Tín Thịnh; Công ty TNHH Hoàng Hải và Công ty CP Foodtech. Tỉnh Khánh Hòa hiện có 483 tàu khai thác cá ngừ. Từ đầu năm đến nay, sản lượng khai thác cá ngừ của tỉnh đạt trên 26.400 tấn; trong đó cá ngừ sọc dưa, sọc mướp hơn 22.500 tấn, còn lại là cá ngừ đại dương./.

Nguyên Lý- Thùy Linh