An Biên là một trong những huyện ven biển của tỉnh Kiên Giang, có 9 xã, thị trấn, trong đó có 4 xã ven biển, chiếm 48,47% trên tổng diện tích tự nhiên 43.000 ha của huyện.
Nơi đây còn có bờ biển dài 21km nằm dọc theo tuyến đê quốc phòng và vành đai rừng phòng hộ ven biển khoảng 1.000 ha với hơn 7.000 ha mặt nước đất bãi bồi ven biển.
Theo ông Nguyễn Việt Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện An Biên, huyện đã tập trung khảo sát khu vực ven biển và ven sông Cái Lớn, đánh giá cụ thể thực trạng đất đai, rừng và bãi bồi ven biển; phương tiện đánh bắt thủy sản, mô hình nuôi trồng thủy sản; đánh giá độ canh tác và khả năng đầu tư, nhất là đầu tư bờ bao, ao nuôi, sơ sở vật chất kỹ thuật khác của nông dân, ngư dân… Từ đó sẽ bố trí lại quy hoạch các mô hình nuôi trồng thủy sản phù hợp với điều kiện đất đai, khả năng đầu tư và trình độ sản xuất của người dân để đảm bảo năng suất, chất lượng ngày càng cao. Trên cơ sở đất đai được quy hoạch, huyện đã tạo hành lang pháp lý để dân yên tâm đầu tư phát triển. Từ thực tế đó, cùng với tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, huyện tập trung chuyển đổi ngành nghề sao thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, nghề nuôi sò huyết bãi bồi ven biển là một trong những hướng đi đúng mang lại kinh tế cao cho bà con vùng này.
Ông Bùi Văn Giả, ngụ ấp Sáu Biển, xã Nam Thái, huyện An Biên là một trong số những người gắn bó với nghề này gần chục năm cho hay, sò huyết là loại dễ nuôi, ít cần chăm sóc, cho ăn, nhưng trong quá trình nuôi phải cất chòi canh trên diện tích bãi bồi ven biển để không cho người lạ vào khai thác. Bởi vậy, người dân vùng này phải bám lấy mặt biển suốt vụ nuôi sò. Từ 3 ha ban đầu hợp đồng với nhà nước, đến nay ông Giả thuê thêm 50 ha bãi bồi ven biển để nuôi sò. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông Giả có thu nhập từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng.
Theo ông Giả, trước đây gia đình ông rất khó khăn, nuôi tôm, cua thì bị mất mùa hoài do thời tiết biến đổi khí hậu. Lúc đầu thấy có một số người trên địa bàn thuê mặt nước bãi bồi ven biển để nuôi sò, ông cũng không quan tâm. Đến khi, có nhiều người trúng đậm từ nghề này thì ông mới bắt đầu tập trung thuê mặt nước bãi bồi để thả nuôi sò huyết và đến nay cuộc sống gia đình đã khấm khá lên.
Từng đối mặt với những khó khăn trong quá trình nuôi tôm, cua, nhưng ông Bùi Quốc Dũng, ấp Sáu Biển, xã Nam Thái, huyện An Biên vẫn bám trụ. Đến khi huyện có chủ trương phát triển nghề nuôi sò huyết bãi bồi ven biển thì gia đình ông Dũng mới thật sự “phất lên”. Theo ông Dũng, mỗi vụ sò từ khi thả giống đến thu hoạch kéo dài khoảng một năm. Ngoài thu nhập từ diện tích hơn 4 ha nuôi sò huyết, ông Bùi Quốc Dũng tận dụng hơn 1,5 ha đất sản xuất lúa kém hiệu quả để nuôi tôm quảng canh để “lấy ngắn nuôi dài”. Mỗi năm sau khi trừ chi phí, từ mô hình nuôi sò huyết bãi bồi ven biển của gia đình, ông Dũng có thu nhập trên 200 triệu đồng.
Từ khi thực hiện chủ trương phát triển kinh tế biển, đặc biệt là triển khai mô hình nuôi sò huyết trên mặt nước bãi bồi ven biển, bà con ở các xã Nam Yên, Nam Thái, Nam Thái A đã thu được nhiều thành tựu về kinh tế. Các mô hình sản xuất này còn tạo nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương. Một hộ nuôi, giúp cho khoảng 5 - 7 lao động thường xuyên có việc làm thu nhập ổn định từ 4 - 5 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, còn một lực lượng lớn lao động khi đến mùa vụ cào sò giống về bán lại cho các hộ nuôi sò huyết. Nếu trước đây, tại địa phương, cầu, đường đi lại khó khăn, nhà cửa xiêu vẹo thì từ khi thực hiện phát triển kinh tế biển, nhất là tập trung vào thả nuôi sò huyết, đời sống kinh tế của người dân khấm khá hơn, xây được nhà khang trang, đóng góp tiền làm cầu, đường mở hướng giao thương mua bán và cho con em đến trường thuận tiện - ông Bình chia sẻ.
Việc phát triển các mô hình kinh tế với hình thức nuôi sò huyết bãi bồi ven biển ở các xã huyện An Biên trong điều kiện biến đổi khí hậu là một hướng đi đúng đắn, góp phần đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội các xã vùng ven biển huyện An Biên nói riêng và trong tỉnh Kiên Giang nói chung.