KINH TẾ BIỂN ĐẢO

Quảng Ninh khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế biển

TTXVN-VNA | 30-11-2016 | 10:48

Khu Kinh tế Vân Đồn là nơi giàu về nguồn tài nguyên cho phát triển du lịch sinh thái chất lượng cao của tỉnh Quảng Ninh (Ảnh: Minh Đức - TTXVN)

 

Quảng Ninh khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế biển

Sở hữu một dải bờ biển dài trên 250km, với 2.077 hòn đảo (chiếm 2/3 số đảo của cả nước), Quảng Ninh được đánh giá là tỉnh có nhiều thuận lợi cho việc phát triển các ngành kinh tế biển, như du lịch, thủy sản, cảng biển… Trên thực tế, việc khai thác tiềm năng kinh tế biển của Quảng Ninh cũng đã đem lại nhiều kết quả tích cực.

 

* Tăng cường khai thác, nuôi trồng thủy sản

Trong những năm qua, hoạt động nuôi trồng, khai thác thủy sản của ngư dân Quảng Ninh đạt hiệu quả tương đối cao, đóng góp tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo của tỉnh. Năm 2015, tổng sản lượng thủy sản của cả tỉnh đạt trên 103.000 tấn, tăng 5,3% so với năm 2014, trong đó sản phẩm nuôi trồng đạt trên 46.000 tấn, sản phẩm khai thác đạt trên 57.000 tấn.

Để phát triển ngành thủy sản và tận dụng những thuận lợi về điều kiện thiên nhiên, tỉnh Quảng Ninh chú trọng phát triển nhanh hình thức nuôi trồng thủy sản bán thâm canh, thâm canh, công nghiệp; chuyển mạnh từ nuôi hộ gia đình sang tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp, hình thành nên nhiều vùng nuôi trồng tập trung, như: vùng nuôi nhuyễn thể tại Vân Đồn; vùng nuôi tôm thẻ chân trắng tại Móng Cái, Quảng Yên; vùng nuôi cá biển tại Vân Đồn, Đầm Hà; vùng nuôi cá nước ngọt tại Đông Triều, Quảng Yên; vùng nuôi trai lấy ngọc tại Vân Đồn, Hạ Long; vùng nuôi hải sâm, bào ngư tại Cô Tô…

Song song với nuôi trồng, khai thác thủy sản của tỉnh được chuyển dịch nhanh theo hướng tích cực. Số lượng tàu thuyền khai thác gần bờ giảm, tăng số lượng khai thác xa bờ với công suất lớn. Hiện tỉnh Quảng Ninh vẫn duy trì được đội tàu khai thác xa bờ với 383 chiếc, bước đầu hình thành đội tàu, nhóm tàu khai thác tuyến khơi và hình thành các nghiệp đoàn nghề cá tại các địa phương: Vân Đồn, Hải Hà và Quảng Yên.

Mục tiêu phát triển ngành thủy sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của tỉnh là: giá trị tăng thêm của ngành thủy sản tăng bình quân trên 11%/năm, chiếm hơn 63% trong cơ cấu GDP của ngành nông-lâm-ngư nghiệp; kinh tế thủy sản chiếm trên 3% GDP của tỉnh; giá trị xuất khẩu thủy sản đạt trên 100 triệu USD; tạo việc làm cho khoảng 62.000 lao động địa phương.

Từ những mục tiêu đó, tỉnh Quảng Ninh đang chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, đôn đốc các địa phương phát triển ngành thủy sản theo hướng công nghiệp, tập trung. Đối với nuôi trồng, các địa phương cần mở rộng diện tích đạt trên 18.500 ha vào năm 2020. Với hoạt động khai thác, sẽ đầu tư đóng mới thêm khoảng 300 chiếc tàu khai thác xa bờ. Bên cạnh đó, sẽ chuyển đổi nghề khai thác ven bờ sang nuôi trồng thủy sản, dịch vụ hậu cần, du lịch và các nghề khai thác có tính chọn lọc cao, thân thiện với môi trường. Đồng thời, phát huy hiệu quả, triển khai xây dựng thêm các cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh, trú bão, từ đó hình thành hệ thống cơ sở dịch vụ hậu cần thủy sản đồng bộ gắn với ngành công nghiệp phụ trợ nhằm thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao hiệu quả sản xuất và giá trị sản phẩm khai thác, nuôi trồng, chế biến và thương mại thủy sản.

* Điểm du lịch biển đảo hấp dẫn

Quảng Ninh được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều bãi biển, vịnh, đảo đẹp nổi tiếng, cùng với đó là những giá trị đa dạng về cảnh quan, sinh thái, di tích lịch sử, văn hoá... Lợi thế này, đã tạo cho Quảng Ninh có thêm nhiều cơ hội để phát huy thế mạnh loại hình du lịch biển đảo, mà điểm nhấn chính là Vịnh Hạ Long - di sản thiên nhiên thế giới đã 2 lần được UNESCO công nhận; quần thể Tử Long với khoảng 600 hòn đảo đất và đảo đá, biệt lập với đất liền có cảnh quan đặc sắc, đa dạng... Ngoài ra, Quảng Ninh còn các địa điểm tiêu biểu khác, như: đảo Cô tô, Trà Cổ, Vĩnh Thực… các bãi biển đẹp như Quan Lạn,  Minh Châu, Ngọc Vừng, Hồng Vàn, Vàn Chảy…

Để phát triển kinh tế cũng như thúc đẩy du lịch biển đảo, trong những năm qua việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho những địa phương vùng biển được tỉnh quan tâm, nhất là việc cải thiện điều kiện giao thông (làm mới, nâng cấp) để từng bước gắn kết các khu du lịch biển với trung tâm du lịch của tỉnh. Đồng thời, tỉnh cũng đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch, kêu gọi đầu tư… Các sản phẩm du lịch mới cũng đã được các hãng du lịch như: Công ty liên doanh quốc tế Hoàng Gia, khu du lịch Quốc tế Tuần Châu, Vân Đồn, Móng Cái... xây dựng và khai thác hiệu quả.

Nhờ đó, đã thu hút một lượng lớn khách du lịch đến với Quảng Ninh hàng năm và phần lớn khách du lịch đến Quảng Ninh là khách du lịch biển, đảo. Trong giai đoạn 2010-1015, tổng số khách du lịch đến Quảng Ninh ước đạt hơn 36,1 triệu lượt, tăng bình quân 7,4%/năm; doanh thu du lịch ước đạt 24.800 tỷ đồng, tăng bình quân trên 18%/năm. Trong 9 tháng năm 2016, Quảng Ninh đã đón khoảng 450.000 lượt khách, trong đó riêng khách tham quan Vịnh Hạ Long đạt 155.000 lượt.

* Đẩy mạnh phát triển ngành cảng biển

Với 250km đường biển, Quảng Ninh hiện có 6 cụm cảng nằm trong nhóm cảng biển phía Bắc, cơ bản đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách, hàng hóa bằng đường biển, phù hợp với quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trong đó, cụm cảng nước sâu Hòn Gai-Cái Lân được đầu tư đồng bộ với trang thiết bị hiện đại, như: Cẩu bờ STS loại Panamax tầm với 17 hàng container; cẩu ERTG, độ rộng 7 hàng container; dịch vụ xếp dỡ hàng siêu trọng đến 100 tấn tại móc cẩu; xe khung nâng, xe chở container trong bãi… năng lực tiếp nhận tàu lên đến 80.000 tấn vào làm hàng. Các cụm cảng khác như Hải Hà, Vạn Gia, Cửa Ông-Hòn Nét, Khu Tiền Phong-Đầm Nhà Mạc cũng đang được đầu tư khá mạnh mẽ.

Thời gian qua, tỉnh cũng đã có những giải pháp mạnh mẽ trong cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ tối đa các quy trình thủ tục, mức phí và lệ phí theo quy định. Tỉnh đã đưa phần mềm quản lý mới thay thế phần mềm cũ, lạc hậu; năng lực bốc xếp hàng hóa ngày càng được nâng cao, thời gian làm hàng cũng được rút ngắn, tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm chi phí cho khách hàng.

Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông kết nối đến các cụm cảng ngày một hoàn thiện. Hàng loạt các dự án giao thông trọng điểm đã được triển khai và chuẩn bị đưa vào khai thác, như: Cao tốc Hạ Long-Hải Phòng, Hạ Long-Vân Đồn, đường nối Quốc lộ 18 vào khu công nghiệp cảng biển Hải Hà và trong tương lai có thêm tuyến cao tốc Móng Cái-Vân Đồn… Những tuyến đường này sẽ kết nối chặt chẽ các cảng, cụm cảng, các trung tâm kinh tế, khu công nghiệp và cửa khẩu của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương hàng hóa, có ưu thế tuyệt đối để cạnh tranh phát triển cảng biển và Logistic./.

 

Lan Duyên