Bên cạnh đó, cần phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng như Công an, Biên phòng, Hải quan... để giải quyết thủ tục nhanh gọn, thuận lợi cho doanh nghiệp, phương tiện vận tải; tổ chức hiệu quả công tác tìm kiếm cứu nạn khi có sự cố xảy ra.
Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, sau 2 năm mở tuyến, từ tháng 7/2014 đến tháng 10,/2016, đã có hơn 900 đơn vị vận tải tham gia tuyến với hơn 1.000 phương tiện hiện đang hoạt động, vận chuyển hơn 23,7 triệu tấn hàng hóa. Trong đó 10 tháng năm 2016, lượng hàng hóa được vận chuyển đạt hơn 15,2 triệu tấn, tăng hơn 9,2 triệu tấn so với cùng kỳ năm trước.
“Các loại hàng hóa được vận chuyển trên tuyến khá đa dạng như chặng: từ Quảng Ninh, Hải Phòng đi Thanh Hóa, Hà Tĩnh là vật liệu xây dựng, thiết bị máy móc, than... phục vụ dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn. Chiều ngược lại từ Nghệ An, Hà Tĩnh đi Hải Dương chủ yếu là vật liệu đá. Chặng từ nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đi các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế là nguyên liệu, phụ gia cho các nhà máy xi măng, xăng dầu và hàng hóa tổng hợp. Tuyến từ TP Hồ Chí Minh đi Vũng Tàu, Kiên Giang và ngược lại gồm các mặt hàng tổng hợp như: gạo, phân bón, vật liệu xây dựng, gỗ, hàng tiêu dùng... ”, ông Trần Bảo Ngọc cho hay.
Tại hội nghị, các doanh nghiệp đã đưa ra nhiều kiến nghị; trong đó nổi bật có một số kiến nghị liên quan đến các quy định về sử dụng tàu lai, hóa tiêu đối với tàu Cấp SB.
Theo ông Đinh Văn Hải, Giám đốc Công ty Vận tải Hưng Long (Nam Định), không nên quy định sử dụng hoa tiêu, lai dắt đối với phương tiện SB tại cảng biển, bởi vì chi phí hoa tiêu, lai dắt cao gây khó khăn cho các doanh nghiệp.
Cũng theo kiến nghị của ông Đinh Văn Hải, cơ quan quản lý nhà nước cần quy định lại về định biên an toàn tối thiểu đối với tàu SB, quy định thời gian đào tạo phù hợp để thuyền viên có kế hoạch thực hiện, rút ngắn thời gian cấp bằng.
Còn theo ông Phạm Hữu Thu, Giám đốc Công ty Xi măng Quảng Bình, cần mở thêm đại diện Cảng vụ hàng hải tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, cho phép tàu được chạy thẳng tại Vịnh Bắc bộ...
Quang ToànNgoài ra, tại hội nghị nhiều doanh nghiệp cũng kiến nghị cần phân định rõ trách nhiệm giữa cảng vụ Đường thủy nội địa với cảng vụ hàng hải tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ từ đó gây phiền hà cho doanh nghiệp. Mặt khác, các doanh nghiệp cũng đề nghị cơ quan quản lý nhà nước xem xét lại các điều kiện kinh doanh đối với các doanh nghiệp khai thác vận tải thủy; trong đó có kinh doanh khai thác phương tiện VR-SB...
Ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho biết, trong thời gian sớm nhất các quy định về định biên thuyền viên, đào tạo thuyền viên tàu SB sẽ được các đơn vị chức năng trình Bộ G iao thông Vận tải xem xét sửa đổi . Trong đó, sẽ có một số quy định mới nhằm tháo gỡ những bất cập hiện nay về quản lý tàu SB mà doanh nghiệp nêu ra tại hội nghị.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Lê Đình Thọ đề nghị cơ quan, đơn vị quyết liệt tạo điều kiện thuận lợi; tạo cơ chế, chính sách cho các doanh nghiệp vận tải. Đồng thời Vụ Vận tải tổng hợp tất cả các ý kiến, thắc mắc của các tổ chức, doanh nghiệp, hiệp hội gửi đến Bộ và các kiến nghị đưa ra trong hội nghị, có văn bản trả lời rõ ràng gửi đến các doanh nghiệp và đăng tải công khai lên Cổng thông tin của Bộ Giao thông Vận tải.
Quang Toàn