Vượt qua gần 8 km từ vùng bãi bồi ngoài đê Bình Minh III, huyện Kim Sơn đến địa danh Cồn Nổi, chúng tôi không khỏi bất ngờ trước hình ảnh hàng trăm chòi canh ngao cất cao lô nhô trên mặt nước rất đẹp mắt. Những khi thủy triều xuống, cả vùng nuôi ngao nơi đây như một lớp bạc long lanh, huyền ảo. Những người dân địa phương lại bắt đầu cho một mùa bội thu.
Anh Trần Văn Quyền, xã Cồn Thoi, là người nuôi ngao lâu năm tại huyện Kim Sơn cho biết, ngao được người dân đưa về nuôi ở vùng bãi bồi Kim Sơn từ năm 2006 với diện tích ban đầu chỉ vài chục héc ta. Thực tế từ các hộ nuôi ngao cho thấy, đây là loài dễ nuôi, ít bệnh, lợi nhuận thu về cao gấp 3 đến 4 lần so với vốn bỏ ra, nên các hộ dân đã đầu tư vào nuôi ngao. Do vậy diện tích và sản lượng ngao của huyện tăng lên nhanh chóng.
Nắm bắt kịp thời nguyện vọng của người dân, UBND huyện Kim Sơn đã có chủ trương khuyến khích phát triển nghề nuôi ngao, quy hoạch vùng nuôi. Đồng thời, tạo sự thông thoáng về cơ chế, chính sách và bảo đảm an ninh, trật tự, cho người dân nhận thầu vùng đất ven biển để nuôi ngao. Nhờ đó, nghề nuôi ngao ở ven biển huyện Kim Sơn ngày một phát triển.
Nuôi ngao là một trong những nghề thế mạnh tại vùng ven biển huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Những năm gần đây, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, nhiều hộ dân đã xây dựng các mô hình sản xuất ngao và ứng dụng khoa học kỹ thuật trong ương nuôi ngao giống. Điều này góp phần cung cấp nguồn giống cho các hộ nuôi, phát triển nghề nuôi ngao theo hướng bền vững.
Cùng với việc quy hoạch và các phương án cho thuê bãi triều, các ngành chức năng tăng cường tập huấn cho hộ dân nắm vững kỹ thuật, hiểu biết về điều kiện tự nhiên, các yếu tố môi trường tác động trực tiếp đến quá trình nuôi để từ đó có kế hoạch nuôi phù hợp. Hàng năm, Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Bình) cùng UBND huyện Kim Sơn ban hành kế hoạch về sản xuất, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện.
Bên cạnh đó, cử cán bộ hướng dẫn người nuôi cải tạo ao, đầm, rắc vôi bột để tránh vi khuẩn độc hại gây bệnh cho ngao. UBND các xã vùng ven biển khuyến khích các hợp tác xã nông nghiệp mở rộng dịch vụ nạo vét, vệ sinh hệ thống kênh mương dẫn và thoát nước cung cấp cho các diện tích ương và nuôi ngao.
Từ các mô hình thử nghiệm ban đầu, đến năm 2012, sản lượng ngao của huyện Kim Sơn đã đạt trên 12.000 tấn (chiếm 60% tổng sản lượng thủy hải sản của tỉnh). Đến năm 2015, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của toàn huyện đat trên 3.060 ha tập trung ở 3 xã Kim Hải, Kim Đông và Kim Trung.
Trong đó, diện tích nuôi ngao chiếm 950 ha. Với diện tích nuôi trồng trên, số ngao giống đưa về vùng nuôi là 2,2 tỷ con.
Tỉnh Ninh Bình cũng hỗ trợ xây dựng thương hiệu để sản phẩm ngao Kim Sơn được nâng cao vị thế trên thị trường, thúc đẩy quá trình lưu thông, nâng cao giá trị sản phẩm.
Chính vì thế, ngao Kim Sơn là một trong hai sản phẩm đầu tiên được UBND tỉnh Ninh Bình lựa chọn hỗ trợ bảo hộ sở hữu trí tuệ dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận.
Phó Trạm trưởng Trạm Thủy sản Kim Sơn - Yên Khánh, Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Bình) Phạm Văn Thùy cho biết, những năm trước đây, người nuôi gặp nhiều khó khăn trong vấn đề con giống vì địa phương vẫn chưa sản xuất được giống ngao nên phải nhập chủ yếu từ các tỉnh thành khác.
Tuy nhiên, từ năm 2011 đến nay, Chi cục thủy sản phối hợp với các cơ quan chức năng hỗ trợ nhiều mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất ương, nuôi ngao giống, giúp người dân kiến thức trong ương nuôi con giống góp phần cung cấp nguồn giống chất lượng, giá thành rẻ.
Cũng theo ông Phạm Văn Thùy, năm 2015, các trại giống tại địa phương đã chủ động sản xuất được gần 3 tỷ con giống ngao cám do các cơ sở Khánh Thành, Hải Tuấn, Nguyễn Văn Huynh,…ương nuôi. Một số hộ dân đã mạnh dạn thử nghiệm ương nuôi ngao tấm lên ngao cúc để phục vụ nhu cầu con giống cho nuôi thương phẩm tại địa phương, bước đầu đang cho kết quả khả quan.
Đến nay, tuy nguồn giống cấp ra thị trường còn hạn chế, nhưng Chi cục Thủy sản tiếp tục tạo điều kiện mở nhiều lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong ương nuôi ngao giống cho bà con góp phần tăng sản lượng con giống đáp ứng nhu cầu người nuôi.
Đối với nguồn giống nhập từ tỉnh, thành khác, Chi cục Thủy sản phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm soát chất lượng ngao giống đối với các hộ hành nghề kinh doanh cung ứng con giống, buộc họ phải cam kết cung cấp giống bảo đảm chất lượng.
Đồng thời, thành lập các tổ kiểm tra, kiểm soát chất lượng giống ngao; chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan trong quản lý chất lượng giống đưa vào vùng nuôi và ký cam kết thực hiện đảm bảo các quy trình về quản lý, kinh doanh, vận chuyển giống ngao vào vùng nuôi.
Năm 2016, huyện Kim Sơn tăng cường huy động, thu hút các nguồn lực đầu tư, đẩy mạnh phát triển nuôi trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, năng suất, chất lượng, hiệu quả và bền vững.
Với các giải pháp trên, từ đầu năm 2016 đến nay, tổng sản lượng thủy sản toàn huyện đạt 14.779 tấn; trong đó, sản lượng ngao đạt 13.000 tấn. Ngoài thu nhập trực tiếp từ hoạt động nuôi trồng, hiện nay, hàng chục nghìn người dân ở vùng ven biển huyện Kim Sơn có việc làm và thu nhập ổn định từ các dịch vụ cung ứng vật tư, cung ứng sản phẩm, thu gom thủy sản…
Anh Nguyễn Văn Môn, xã Cồn Thoi cho hay, nhờ các cơ quan chức năng chuyển giao công nghệ trong ương nuôi ngao, đến nay gia đình anh không chỉ nuôi ngao thương phẩm mà còn ương ngao giống với chất lượng tốt, cung cấp với giá thành rẻ hơn so với các cơ sở ở tỉnh, thành khác. Mỗi năm gia đình anh xuất ra thị trường hơn 1 tỷ con ngao giống, thu nhập bình quân gần 2 tỷ đồng/năm.
Những kết quả đạt được của nghề nuôi ngao tại 3 xã bãi ngang của huyện Kim Sơn đã khẳng định hướng đi đúng của chủ trương phát triển kinh tế biển của địa phương và mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế, giúp nhiều hộ dân xóa đói, giảm nghèo. Điều này cũng góp phần mang đến sự ổn định bền vững cho ngành nuôi trồng thuỷ sản tỉnh Ninh Bình nói chung./.
Hải Yến - Linh An