KINH TẾ BIỂN ĐẢO

Thành lập nghiệp đoàn nghề cá để hỗ trợ ngư dân bám biển, biển đảo, bảo vệ tổ quốc, Trường Sa, Hoàng

TTXVN-VNA | 07-12-2016 | 16:07

Ngư dân đánh bắt cá ngừ đại dương. Ảnh: TTXVN

Những rủi ro của nghề "đi biển" bao đời nay đã trở thành nỗi khó khăn của ngư dân trong công cuộc mưu sinh hàng ngày. Để hỗ trợ người dân và tiếp thêm sức mạnh cho ngư dân bám biển, gắn kết nhau cùng bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, trong những năm qua, thành phố Đà Nẵng đã đẩy mạnh thành lập các nghiệp đoàn nghề cá, hỗ trợ ngư dân đầu tư đóng mới tàu công suất lớn vươn khơi, làm dịch vụ hậu cần, thu mua, chế biến các loại thủy hải sản.

Nghĩa tình người đi biển

Ông Mai Đăng Nhiều, Chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, kiêm chủ tàu ĐNa 90029 TS vẫn còn nhớ như in sự giúp đỡ tận tình của anh em ngư dân trong tổ, đội nghề cá phường An Hải Bắc và ngư dân nghiệp đoàn nghề cá các phường trên địa bàn thành phố khi tàu của ông gặp nạn.

Tháng 5/2011, trong lúc về bờ tránh bão, tàu cá của ông Nhiều bị phá nước, cách bờ biển Đà Nẵng khoảng 50 hải lý. Đang trên hành trình về gần đến đất liền nhưng khi nhận được tín hiệu giúp đỡ khẩn cấp qua máy liên lạc Icom, các tàu của ngư dân Đà Nẵng; trong đó có tàu ông Lê Văn Châu (trú cùng phường An Hải Bắc) đã cho tàu quay lại để lai dắt tàu của ông Nhiều về đất liền.

Ông Châu chia sẻ, trên biển cả mênh mông, ngư dân luôn nương tựa vào nhau như anh em trong gia đình và sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau. Nhiều lúc, các tàu cùng ngư trường sản xuất trên biển bị thiếu thốn, các tàu đã cùng nhau chia sẻ thuốc men, nước ngọt, lương thực hay từng cây đá cây để ướp cá.

Gần 30 năm vươn khơi bám biển, ông Lê Văn Chiến, trú tại phường Xuân Hà, quận Thanh Khê không nhớ nổi mình đã giúp đỡ bao nhiêu "người bạn biển" gặp sự cố khi đang khai thác. Ông Chiến kể, tháng 5/2015, khi đang khai thác trên biển, tàu của anh Nguyễn Đình Tuấn (phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê) bị tàu lạ tấn công, nhiều bộ phận của tàu vỡ khiến nước tràn vào và có nguy cơ chìm.

Khi đang khai thác gần đó, nhận được thông báo từ Icom, tàu của ông Chiến đã khẩn trương đến ứng cứu. Các thuyền viên đã sử dụng tất cả những vật dụng có thể để bơm nước ra khỏi tàu bị nạn; đồng thời dùng quần áo, vải… để bịt kín những lỗ thủng. Công tác cứu hộ kéo dài liên tục trong vòng 3 ngày mới khắc phục xong. Sau đó, tàu của ông Chiến đã lai dắt tàu bị nạn về đất liền an toàn để sửa chữa.

Ông chủ tàu Lê Văn Chiến còn nổi tiếng bởi rất giỏi trong việc tìm kiếm, phát hiện những ngư trường nhiều cá và luôn chia sẻ thông tin cho những người "bạn biển" cùng khai thác. Đồng thời, thường xuyên cung cấp thông tin trên biển kịp thời cho các cơ quan chức năng về các vụ vi phạm có liên quan đến an ninh vùng lãnh hải quốc gia.


"Điểm tựa" cho ngư dân bám biển


Năm 2006, Hội nghề cá thành phố Đà Nẵng được thành lập và đã thực sự trở thành "ngôi nhà chung" gắn kết ngư dân trên bờ cũng như trên biển. Ông Nguyễn Lại, Tổng thư ký Hội nghề cá thành phố Đà Nẵng cho biết, đây là mô hình hợp tác giúp đỡ nhau trong khai thác, tiêu thụ sản phẩm, trao đổi kinh nghiệm đánh bắt hải sản và hỗ trợ tìm kiếm, cứu nạn khi có sự cố trên biển. Bên cạnh đó, góp phần bảo vệ, an ninh trật tự, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới biển. Đến nay, toàn thành phố có 4 nghiệp đoàn nghề cá là An Hải Bắc, Nại Hiên Đông, Thanh Khê Đông và Xuân Hà với 98 tổ, đội liên kết trên biển cùng hơn 600 thành viên.

Được thành lập từ năm 2012, nghiệp đoàn nghề cá phường An Hải Bắc đã trở thành "điểm tựa" vững chắc trên mỗi chuyến vươn khơi, bám biển của ngư dân. Đến nay, nghiệp đoàn nghề cá phường có 50 thành viên, được chia thành 7 tổ, đội đánh bắt trên biển với trung bình từ 5-8 chiếc tàu, số lượng tàu tùy thuộc từng tổ, đội. Ngoài ra, nghiệp đoàn nghề cá còn phối hợp với UBND phường thường xuyên tổ chức thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ cho những ngư dân nghèo mỗi dịp lễ, Tết.

Theo ông Mai Đăng Nhiều, Chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá phường An Hải Bắc, nghiệp đoàn đã trở thành nơi gắn kết của những "người bạn biển" là chỗ dựa tin cậy để ngư dân đoàn kết, hỗ trợ nhau trong mỗi chuyến vươn khơi, bám biển cũng như chia sẻ các kinh nghiệm nghề nghiệp và cuộc sống thường ngày. Khi tham gia vào nghiệp đoàn, mỗi thành viên đều phải ký cam kết, ngoài việc nghiêm chỉnh chấp hành các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, phải tuân thủ đầy đủ các quy định của Việt Nam và quốc tế khi hành nghề trên biển.

Đặc biệt, phải có tinh thần tự giác, đoàn kết và tương trợ giúp nhau trong khai thác hải sản cũng như khi gặp khó khăn, sự cố xảy ra. Thời gian tới, nghiệp đoàn nghề cá sẽ tiếp tục phát triển các tổ, đội liên kết, trang bị các kiến thức kỹ năng cho thành viên để nghiệp đoàn nghề cá thực sự trở thành "ngôi nhà chung" để gắn kết ngư dân.

Ngư dân Lê Văn Châu chia sẻ, trước đây, mỗi chuyến vươn khơi ông cảm thấy đơn độc và lo lắng trước những hiểm nguy nơi biển khơi. Năm 2012, khi tham gia nghiệp đoàn nghề cá phường An Hải Bắc, ông Châu được vào tổ, đội liên kết đánh bắt và được trang bị các kiến thức về Luật Biển nên cảm thấy vững tin, an tâm hơn mỗi chuyến vươn khơi. Vì vậy, ông và các thành viên trong nghiệp đoàn đã mạnh dạn đầu tư lưới cụ, nâng cấp công suất tàu đồng thời liên kết với nhau để đem lại hiệu quả lớn khi bám biển.

Theo ông Nguyễn Lại, Tổng thư ký Hội nghề cá thành phố Đà Nẵng, cùng với những chính sách của Trung ương, Đà Nẵng thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu cá có công suất từ 400CV trở lên với các mức hỗ trợ từ 500 - 800 triệu đồng/tàu (tùy theo tàu), mua sắm ngư lưới cụ, trang thiết bị hiện đại và khai thác hải sản xa bờ; hỗ trợ Icom liên lạc cho các tàu có công suất từ 90 CV trở lên... Sự hỗ trợ này đã thực sự trở thành điểm tựa giúp ngư dân có thêm động lực, mạnh dạn đầu tư, cải hoán, đóng mới tàu vươn khơi bám biển khai thác xa bờ, bảo vệ chủ quyền biển Tổ quốc.

Thời gian tới, hội nghề cá thành phố sẽ tập trung thực hiện hiệu quả việc thành lập nghiệp đoàn nghề cá, làm chuyển biến tốt hơn nữa nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của tổ chức này. Bên cạnh đó, kêu gọi các tập thể cá nhân tham gia ủng hộ, hỗ trợ các nghiệp đoàn nghề cá và ngư dân../.

Đinh Văn Nhiều - Diệu Linh