CHÍNH SÁCH BIỂN ĐẢO

Thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển

TTXVN-VNA | 05-12-2016 | 12:11

Luật Tài nguyên và môi trường biển, hải đảo lần đầu tiên luật hóa vấn đề hành lang bảo vệ bờ biển. Việc thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển nhằm bảo vệ hệ sinh thái, cảnh quan tự nhiên vùng bờ, đồng thời là cơ sở để quy hoạch, xây dựng các công trình kinh tế - xã hội ven biển.

* Hành lang bảo vệ bờ biển nằm ở đâu?

Theo điều 23 Luật Tài nguyên và môi trường biển, hải đảo, hành lang bảo vệ bờ biển là dải đất ven biển được thiết lập ở những khu vực cần bảo vệ hệ sinh thái, duy trì giá trị dịch vụ của hệ sinh thái và cảnh quan tự nhiên ở vùng bờ; giảm thiểu sạt lở bờ biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển.

Việc thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển phải bảo đảm tính khoa học, khách quan; hài hòa giữa yêu cầu bảo vệ và phát triển, có tính đến hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên ở vùng đất ven biển; bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa; bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; phù hợp với quy định của pháp luật về đê điều, khu vực biên giới trên biển; bảo đảm quốc phòng, an ninh.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương để tổ chức thiết lập, công bố và quản lý hành lang bảo vệ bờ biển thuộc phạm vi quản lý.

* Chiều rộng hành lang bảo vệ bờ biển

Theo Nghị định 40/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, để triển khai việc lập hành lang bảo vệ bờ biển, các địa phương cần nghiên cứu xây dựng danh mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển.
Để xác định ranh giới khu vực hành lang, các địa phương cần xác định đường mực nước triều cao trung bình nhiều năm (đường A) về phía đất liền hoặc về phía trong đảo. Nghị định quy định rõ các trường hợp xác định hành lang, tựu chung lại, chiều rộng tối thiểu của hành lang là 100m hoặc là bằng chiều rộng tối đa tự nhiên của khu vực thiết lập hành lang.
Trong thời hạn không quá 20 ngày kể từ ngày phê duyệt ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển, UBND tỉnh có biển có trách nhiệm tổ chức công bố hành lang bảo vệ bờ biển trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bản đồ thể hiện ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển phải được niêm yết công khai tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn có biển nơi có hành lang bảo vệ bờ biển và tại khu vực hành lang bảo vệ bờ biển được thiết lập.

Trong thời hạn không quá 60 ngày kể từ ngày ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển được phê duyệt, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc cắm mốc giới hành lang bảo vệ bờ biển.

* Hạn chế các hoạt động nhân tạo

Tại khu vực hành lang bảo vệ bờ biển, các hoạt động khai thác, cải tạo, xây dựng, sản xuất kinh doanh đều bị hạn chế.
Cụ thể, việc khai thác nước dưới đất chỉ được tiến hành trong trường hợp khẩn cấp hoặc khi không có nguồn nước nào khác để khai thác. Việc khai hoang, lấn biển, thăm dò khoáng sản, dầu khí chỉ được thực hiện khi có văn bản chấp thuận của Thủ tướng. Việc cải tạo công trình đã xây dựng chỉ được thực hiện nếu không làm thay đổi mục đích sử dụng, quy mô, kết cấu, độ sâu, chiều cao của công trình hoặc việc cải tạo có tác động tốt hơn đối với hành lang bảo vệ. Hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ làm suy thoái hệ sinh thái chỉ được tiến hành khi có giải pháp bảo đảm không ảnh hưởng đến yêu cầu, mục tiêu của việc thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển.

Ngoài ra, các hoạt động nêu trên chỉ được thực hiện sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoạt động theo quy định của pháp luật chuyên ngành./.

Văn Hào