Hà Nội (TTXVN 27/12)--
Trong bối cảnh leo thang tranh chấp trên Biển Đông giữa giữa Trung Quốc và các nước láng giềng ngày càng gay gắt, một dự án giám sát dài hạn mang tên "Sáng kiến minh bạch hàng hải khu vực châu Á" (AMTI) chụp những hình ảnh vệ tinh mới nhất cho thấy Trung Quốc đã lắp đặt tên lửa và hệ thống phòng thủ tầm gần để phát hiện và chặn các cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình tầm ngắn dọc theo đường vòng cung phía Nam của Biển Đông. AMTI lưu ý rằng điều này đặt ra vấn đề việc Trung Quốc phát triển quân sự và cơ sở hạ tầng trên Biển Đông có được hiện thực hóa thành các hoạt động phòng thủ hoặc tấn công hay không.
Trong một bài viết đăng trên trang tin "National Interest" (Mỹ), tác giả Karyn Wang, nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành khoa học chính trị thuộc Đại học Hopkins (Mỹ) dẫn báo cáo của AMTI cho rằng việc gia tăng phát triển quân sự ở các đảo nhân tạo sẽ khiến Trung Quốc mất lá phiếu bầu cho vị thế một nhà lãnh đạo của châu Á. Bắc Kinh không thể đứng trên bục vinh quang (trong nỗ lực tiên phong tạo điều kiện hội nhập kinh tế và hợp tác thương mại khu vực châu Á-Thái Bình Dương) khi vẫn kiên trì chiến lược hung hăng gây tranh cãi mà nước này đã và đang thực hiện ở Biển Đông. Những hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc tăng cường trang bị vũ khí trên các đảo ở Biển Đông sẽ làm căng thẳng thêm mối quan hệ của nước này với các đồng minh trong khu vực và đe dọa quan hệ với các nước láng giềng. Báo cáo của AMTI dẫn lời người phát ngôn lực lượng không quân Trung Quốc nói rằng "sức mạnh chiến lược phải phù hợp với lợi ích quốc gia và các cuộc tập trận ngoài khơi sẽ thường xuyên được tổ chức để 'bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc'". Chiến lược này của Bắc Kinh đang vấp phải những phản ứng mạnh mẽ từ Philippines, Malaysia và Australia với cáo buộc Trung Quốc gieo rắc sự ngờ vực và đe dọa an ninh khu vực. Những thông tin về các căn cứ quân sự mới sẽ có ảnh hưởng bất lợi đối với vị trí lãnh đạo khu vực và quan hệ ngoại giao của Trung Quốc. Việc mạnh tay phát triển hạ tầng quân sự sẽ làm mất lòng các quốc gia châu Á và xóa tan mọi nỗ lực thu hút các nước chạy theo "mô hình Trung Quốc" và kích thích những phản ứng chống đối và phá vỡ nền tảng mà Bắc Kinh đã xây dựng nhằm đạt vị trí ưu việt trong khu vực.
Theo tác giả bài viết, hoạt động quân sự hóa mạnh mẽ của Trung Quốc ở Biển Đông được xem như một phần trong mục đích mang tính chiến lược rộng lớn hơn, đặc biệt là để kiểm soát đường giao thông trên biển, các tuyến đường quá cảnh, khu triển khai tàu ngầm và tên lửa phản công của Bắc Kinh. Dù các hoạt động của Trung Quốc đang ở trạng thái phòng thủ nhưng việc tăng cường quân sự quá mức gây nguy cơ mất an ninh, nhất là khi các nước châu Á lo ngại các thiết bị và hạ tầng quân sự mới có thể cho phép Trung Quốc hạn chế tự do hàng hải trong vùng biển quốc tế. Trên thực tế, ngay sau khi AMTI "tiết lộ" các hạ tầng quân sự mới của Bắc Kinh, Trung Quốc đã thu giữ một thiết bị lặn không người lái thăm dò hải dương được điều khiển bởi một tàu khảo sát của hải quân Mỹ trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Những xung đột này cùng với việc tăng cường vũ trang của Bắc Kinh ở quần đảo Trường Sa đã kích thích các quốc gia trong khu vực có phản ứng nhằm vô hiệu hóa các chiến lược của Trung Quốc. Các phản ứng này có thể dẫn đến việc gia tăng các hoạt động mua sắm khí tài quân sự ở châu Á, ngày càng giống một cuộc chạy đua vũ trang.
Các thông tin về ngân sách quốc phòng kết hợp với những hùng biện chính trị phần nào cho thấy cuộc chạy đua vũ trang đã diễn ra: Ngân sách quốc phòng của Nhật Bản đã tăng mạnh trong 4 năm liên tiếp; Malaysia thành lập một "Quỹ tài nguyên thiên nhiên" để thiết lập các căn cứ trên biển; Indonesia tăng chi tiêu quốc phòng gần 10% sau khi tổng thống nước này thăm quần đảo Natuna gần vùng biển Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Chiến dịch khẳng định chủ quyền đối với dải đá ở bờ biển phía Nam Trung Quốc đã tạo ra tâm lý cảnh giác, làm dàn trải lượng tài nguyên biển của nước này và làm giảm những lợi ích chiến lược đạt được trong ngắn hạn từ các hệ thống vũ khí mới.
Tác giả bài viết cho rằng chính sự không chắc chắn góp phần tạo ra một vòng luẩn quẩn chạy đua vũ trang ở châu Á. Vào thời điểm các nhà ngoại giao khu vực tiếp tục xây dựng một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) và các lãnh đạo quân sự khu vực tiến hành các cuộc tập trận để chứng minh tự do đi lại, tự do tiếp cận và tự do hàng hải, thì các kế hoạch đầu tư mua sắm tài sản quân sự và cơ sở hạ tầng của các nước có thể vẫn tiếp diễn trong một khu vực tràn ngập tâm lý thù địch. Nguyên lý chiến lược của Trung Quốc sẽ được thử nghiệm thông qua thử thách mang tên Biển Đông.
Vai trò kiến trúc sư cho "giấc mơ châu Á-Thái Bình Dương" của Bắc Kinh sẽ bị "phế truất" do hành động cưỡng chế và "mị dân" về các mối quan hệ của nước này với các đối tác châu Á. Hoạt động quân sự hóa hiếu chiến ở Biển Đông đã khiến vị thế cường quốc mới nổi của Trung Quốc bị lung lay. Câu hỏi được đặt ra là: Phải chăng Trung Quốc đã bỏ lỡ cơ hội chuyển đổi thành một cường quốc toàn cầu mới?