Việt Nam và Nhật Bản quan tâm tới hợp tác bảo đảm an ninh trên Biển Đông
Hà Nội (TTXVN 29/11)--
Ngày 29/11, tại cuộc Đối thoại chính sách quốc phòng Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 4 diễn ra tại Tokyo dưới sự đồng chủ trì của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam và ông Ro Manabe (Rô Ma-na-bê), Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản, hai bên đã cùng khẳng định tầm quan trọng của vấn đề an ninh biển, trong đó có khu vực Biển Đông.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh và ông Ro Manabe cho rằng hai bên cần tiếp tục phát triển sự hợp tác trong lĩnh vực này một cách thực chất. Việt Nam sẵn sàng tiếp nhận tàu hải quân Nhật Bản vào thăm viếng các cảng của Việt Nam, cũng như sử dụng dịch vụ hậu cần, kỹ thuật tại Cảng quốc tế Cam Ranh. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực cứu hộ, cứu nạn trên biển; hợp tác giữa các lực lượng thực thi luật pháp trên biển.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam và Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng đã trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, trong đó nhấn mạnh việc giải quyết mọi tranh chấp, bao gồm cả tranh chấp trên Biển Đông, bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đồng thời khẳng định tầm quan trọng của việc xây dựng khu vực hòa bình, ổn định và thượng tôn pháp luật.
Trả lời phỏng vấn sau cuộc đối thoại, Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh ngoài những lĩnh vực truyền thống, phía Nhật Bản cũng như Việt Nam quan tâm tới hợp tác an ninh biển, đặc biệt là khu vực Biển Đông. Vừa qua các tàu chiến của Nhật Bản đã thăm Việt Nam, trao đổi những kiến thức, kỹ năng về tìm kiếm cứu nạn và một số vấn đề khác với phía Việt Nam. Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh nêu rõ mối quan hệ này đảm bảo cho sự hiểu biết lẫn nhau, cũng như sự hiện diện một cách hợp pháp của Nhật Bản ở khu vực châu Á -Thái Bình Dương, nhất là Biển Đông.
Theo Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh, trong các đối thoại, Việt Nam đã thống nhất với Nhật Bản phải có tiếng nói mạnh mẽ để ủng hộ, bảo vệ các tiến trình hòa bình, hợp tác trong khu vực và trên thế giới, đồng thời ngăn chặn và phản đối những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, hành vi gây phương hại đến lợi ích chung, tới hòa bình, ổn định của khu vực./.