Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng xác định: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ vững chắc biên giới và chủ quyền biển, đảo, vùng trời của Tổ quốc; đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển bền vững đất nước”.
Đây là định hướng chiến lược đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong tình hình mới. Đồng thời, đó còn là quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta nhằm hướng tới mục tiêu lâu dài là: xây dựng đường biên giới quốc gia hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Nhìn lại 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước cho thấy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, công tác xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới, vùng biển được thực hiện nghiêm túc và đạt nhiều kết quả quan trọng. Chủ quyền, an ninh biên giới, vùng biển của quốc gia luôn được giữ vững, góp phần tạo môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực biên giới, hải đảo, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển đất nước.
Tuy vậy, việc quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, vùng biển trong những năm qua vẫn còn những hạn chế, bất cập. Nổi lên là năng lực nắm, dự báo và xử lý tình hình có nơi còn lúng túng; công tác phối hợp trong tham mưu và tổ chức thực hiện nhiệm vụ biên phòng chưa chặt chẽ, toàn diện; trình độ tư duy, kiến thức quân sự và khả năng trang bị, phương tiện của các đơn vị làm nhiệm vụ trên biển còn bất cập,.... Trong khi đó, dự báo tình hình thế giới, khu vực những năm tới, nhất là tình hình ở Biển Đông sẽ còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ khó lường.
Trước thực tế đó, Trung tướng, PGS, TS Hoàng Xuân Chiến, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho rằng, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, nòng cốt là Bộ đội Biên phòng cần quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Trên cơ sở đó, triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới, vùng biển.
Theo đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ, các cấp, ngành và toàn dân về nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh, biên giới, vùng biển trong tình hình mới. Đây là nội dung rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Bộ đội Biên phòng.
Đặc biệt, trong điều kiện nước ta có đường biên giới trên bộ, trên biển dài hàng nghìn km, đi qua nhiều khu vực, địa bàn khác nhau, chủ yếu là vùng sâu, vùng xa, hải đảo và vùng đặc biệt khó khăn,… thì công tác này càng có ý nghĩa quan trọng. Để làm được điều đó, cấp ủy, chỉ huy, chính ủy, chính trị viên các đơn vị Bộ đội Biên phòng cần tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, làm cho cán bộ, chiến sĩ nắm vững đường lối, quan điểm, chính sách về biên giới của Đảng và Nhà nước; nhiệm vụ công tác biên phòng cùng những thuận lợi và khó khăn đối với công tác quản lý, bảo vệ biên giới, vùng biển trong bối cảnh hội nhập.
Đồng thời, chú trọng tuyên truyền, giáo dục bộ đội hiểu rõ âm mưu chiến lược “Diễn biến hòa bình”, thủ đoạn kích động của các thế lực thù địch, vấn đề biên giới, lãnh thổ cùng tư tưởng ly khai, tự trị,… hòng gây mất ổn định an ninh. Qua đó, nâng cao trách nhiệm, quyết tâm, tính chủ động, sáng tạo, quyết đoán và tinh thần cảnh giác của cán bộ, chiến sĩ trong thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.
Bên cạnh đó, các đơn vị Bộ đội Biên phòng cần phối hợp chặt chẽ với địa phương nơi địa bàn công tác, có nhiều hình thức tuyên truyền phù hợp, nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm và sự đồng thuận của nhân dân trong tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, vùng biển.
Trung tướng Hoàng Xuân Chiến, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng nhấn mạnh, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các mặt công tác biên phòng. Theo đó, các đơn vị phải chủ động làm tốt công tác nghiên cứu, dự báo tình hình biên giới, vùng biển; thấy rõ những thuận lợi, thách thức đặt ra; từ đó, đổi mới, phương thức theo hướng linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả trên từng mặt công tác biên phòng, bảo đảm phù hợp với từng địa bàn, tuyến biên giới, vùng biển được giao.
Đối với tuyến biên giới biển, cùng với tăng cường năng lực thực thi pháp luật và hoạt động cứu hộ, cứu nạn cho các lực lượng trên từng vùng biển, cần đẩy mạnh triển khai Dự án Thực hiện thủ tục biên phòng điện tử cảng biển trong xuất nhập cảnh, bảo đảm văn minh, thuận tiện, thông thoáng, chặt chẽ, đúng pháp luật, đáp ứng yêu cầu mở rộng giao lưu, hội nhập quốc tế.