TTXVN-VNA | 07-12-2016 | 15:49 |
Tại sao Trung Quốc quan tâm đến Biển Đông?
TTXVN (Hà Nội 7/12)
Theo trang mạng “Aljazeera.com”, ngày 12/7/2016, Tòa Trọng tài đã tuyên bố các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông không có cơ sở pháp lý. Yêu sách chủ quyền “Đường 9 đoạn” của Trung Quốc, vốn bao trùm hầu hết Biển Đông, sẽ không được công nhận theo luật quốc tế.
Trong lịch sử, Việt Nam và Philippines kiểm soát hầu hết các bãi đá và rạn san hô ở Biển Đông, nhưng những năm gần đây, Trung Quốc đã hung hăng theo đuổi các tuyên bố chủ quyền ở khu vực này. Kể từ năm 2012, Trung Quốc đã tiến hành nỗ lực cải tạo đất đá quy mô lớn trên các đảo mà họ kiểm soát. Phán quyết của Tòa Trọng tài giải quyết vụ kiện Trung Quốc được Philippines đệ trình theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS). Hiện không có điều khoản quy định thực thi nào được ghi trong UNCLOS, bởi vậy không có chế tài nào để ngăn chặn Trung Quốc tiếp tục mở rộng sự hiện diện của họ ở Biển Đông.
Tuy nhiên, những hành động hung hăng của Trung Quốc đã đẩy các nước láng giềng ven biển xa rời Bắc Kinh. Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei đều phản đối ranh giới bành trướng trên biển mà Trung Quốc vạch ra. Biển Đông được cho là nơi có trữ lượng dầu và khí lớn, nhưng chúng chủ yếu nằm ở các khu vực ven biển không tranh chấp và không nằm ở ngoài khơi xa. Mặc dù Biển Đông có vị trí chiến lược quan trọng với Trung Quốc, nhưng tất cả các nước trong khu vực đều có chung lợi ích trong việc duy trì vùng biển tự do tại đây.
Lợi ích thực sự của Trung Quốc ở Biển Đông liên quan nhiều đến lịch sử và chính trị hơn là dầu mỏ và an ninh. Tranh chấp trên Biển Đông không phải về cách diễn giải luật quốc tế của Trung Quốc, mà là về cách Bắc Kinh tự diễn giải chính họ. Các chính trị gia và học giả Trung Quốc thường giả định rằng Trung Quốc là một nền văn minh lâu đời từ thời bình minh của lịch sử. Tuy nhiên, nguồn gốc thực sự của Trung Quốc hiện đại là từ thời Nhà Minh- triều đại thống nhất Trung Hoa dưới sự cai trị của người Trung Quốc gần 8 thế kỷ trước, từ năm 1368 sau Công nguyên. Chính vào thời điểm đó Trung Quốc được cho là chính thức vạch ra hầu hết các đường biên giới hiện đại của họ. Quan trọng hơn, dưới triều Nhà Minh, Trung Quốc lần đầu tiên tiếp xúc với thế giới phương Tây, trỗi dậy từ chế độ phong kiến và hình thành nhiều cấu trúc xã hội cơ bản tồn tại đến ngày nay. Trung Quốc dưới triều Minh không có đối thủ thực sự nào trong số các nước láng giềng. Không giống như châu Âu, nơi nhiều quốc gia nhỏ cạnh tranh lẫn nhau để giành giật lãnh thổ và để tồn tại, Trung Quốc là nước thống trị khu vực này.
Trung Quốc thời kỳ này không cần đến các đường biên giới rạch ròi bởi toàn bộ Đông Á ở một mức độ nào đó nằm dưới tầm kiểm soát của Trung Quốc, thuộc hệ thống quản lý của nước này. Khi các nhà thám hiểm người Bồ Đào Nha đặt chân đến cửa sông phía Nam của đồng bằng Châu Giang năm 1513, hệ thống này bắt đầu tan rã.
Ban đầu, những người Bồ Đào Nha này được đối xử như một nhóm dân tộc thiểu số. Dần dần, các cường quốc phương Tây (và Nhật Bản) trở nên hung hăng hơn trong việc xác lập tuyên bố chủ quyền. Mặc dù họ chưa bao giờ xâm chiếm trực tiếp Trung Quốc, nhưng các cường quốc thực dân phương Tây đã phân chia hầu hết khu vực Đông Nam Á. Họ cũng phân chia các đại dương. Các tuyên bố chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông dựa trên các tuyên bố chủ quyền từ thời thuộc địa Pháp và Philippines theo đuổi các tuyên bố chủ quyền như dưới thời là thuộc địa của Tây Ban Nha.
Mặc dù các nước Đông Nam Á có quyền khẳng định biên giới hiện nay của họ, nhưng điều này vẫn khiến nhiều người Trung Quốc khó chịu bởi các biên giới này được vẽ bởi các nước khác và hầu như không được sự đồng thuận của Trung Quốc. Các đường biên giới trên Biển Đông từng được vạch ra một cách cố định bởi các cường quốc phương Tây hùng mạnh. Hiện tại, các cường quốc phương Tây đã rời khỏi đây, còn Trung Quốc đã trở thành quốc gia hùng mạnh, và một lần nữa được bao quanh bởi một loạt nước láng giềng nhỏ bé như thời điểm 500 năm trước. Điều này hẳn khiến Chủ tịch Tập Cận Bình, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đương thời cũng như những người Trung Quốc theo chủ nghĩa dân tộc khó chịu. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, các đường biên giới vẫn ở đó.
Đa số người Trung Quốc cho rằng đất nước của họ đã bị lịch sử đối xử không công bằng. Họ có thể đúng. Trung Quốc là một nền văn minh cổ đại hùng vĩ nhưng vào lúc bản đồ thế giới được hình thành như ở thời hiện tại thì họ lại ở trong thời kỳ suy yếu nhất.
Tuy nhiên, không một nước nào ở châu Á ngày nay muốn khơi lại câu hỏi về vấn đề biên giới, thậm chí cả Trung Quốc. Bắc Kinh đã thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền trên biển ở các bãi đá và rạn san hô không có người sinh sống. Họ thậm chí còn đưa người ra các bãi đá và rạn san hô đó, nhưng họ không có động thái nào nhằm tranh giành các đảo đã có người sinh sống.
Trung Quốc có thể đã bị lịch sử đối xử không công bằng, nhưng rất nhiều nước khác cũng vậy. Trung Quốc có thể giành hàng tỷ USD để đưa người ra sinh sống ở các đảo nhân tạo giữa đại dương. Tuy nhiên, điều đó sẽ không thay đổi lịch sử của Trung Quốc, và sẽ không giúp ích nhiều cho Trung Quốc ngày nay.
Trung Quốc đã bác bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài và thề sẽ phớt lờ nó. Thế giới không nên quá chú ý tới Trung Quốc nếu họ làm vậy. Trung Quốc sẽ chẳng còn bạn bè khi tự mình biến đổi, từ một nạn nhân của lịch sử trở thành kẻ bắt nạt đương thời.