TTXVN-VNA | 27-11-2016 | 20:00 |
Từ lâu, cây tỏi vốn là cây vụ Đông truyền thống của địa phương ven biển - huyện Thái Thụy (tỉnh Thái Bình) bởi nó phù hợp với đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng và mang lại thu nhập cao cho người dân nơi đây.
Song
dù là cây trồng ngay tại địa phương nhưng không phải người tiêu dùng
nào cũng nhận biết được tỏi Thái Thụy so với những loại tỏi được trồng
tại những nơi khác. Với việc xác lập nhãn hiệu tập thể “Tỏi Thái Thụy”,
đến nay câu chuyện về cây tỏi ở Thái Thụy đã dần đổi khác….
Cây trồng cho hiệu quả cao
Vụ
Đông năm 2016 toàn huyện Thái Thụy đã gieo trồng trên 4.600 ha; trong
đó diện tích trồng hành và tỏi 500 ha, tập trung chủ yếu tại các xã Thụy
An, Thụy Trường, Thụy Tân…. Trong nhiều năm qua, diện tích trồng tỏi
tại các xã này luôn duy trì ổn định, chiếm từ 5 - 10% tổng diện tích cây
vụ Đông và tạo ra giá trị chiếm 20 - 25% trong tổng số 40% giá trị cây
màu toàn huyện trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp nói chung.
Loại
cây vụ Đông mang hương vị đặc trưng vốn là gia vị không thể thiếu trong
bếp ăn của mỗi gia đình đã giúp người nông dân huyện ven biển Thái Thụy
có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.
Những ngày này trên khắp
các cánh đồng của xã Thụy An đều mang màu xanh của lá tỏi. Đây cũng là
một trong những địa phương có diện tích trồng tỏi lớn nhất huyện Thái
Thụy với 160 ha (chiếm gần 59% so với tổng diện tích trồng cây vụ Đông
toàn xã).
Sau khi thu hoạch lúa, nông dân sẽ tiến hành trồng tỏi
từ tháng 9 và thu hoạch vào tháng 1 năm sau. Hầu hết các hộ gia đình tại
địa phương này đều lựa chọn trồng hành, tỏi là cây vụ Đông chính với
trên 1.100 hộ.
Gia đình ông Mai Công Khải, thôn Bắc, xã Thụy An
cho biết, tỏi là cây trồng truyền thống từ nhiều năm nay đối với gia
đình ông, từ các thế hệ trước đã trồng loại cây này. Với hơn 30 năm thâm
canh, ông Khải đã tích lũy cho mình nhiều kinh nghiệm về loại cây gia
vị này. Tỏi là loại cây tương đối dễ trồng nhưng nó thích hợp nhất với
vùng ven biển. Trung bình sau hơn 4 tháng gieo trồng, tỏi cho thu hoạch
khoảng 3 – 5 tạ/sào.
Theo ông Mai Đức Nhường, Giám đốc Hợp tác
xã Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp xã Thụy An, do đặc điểm của
đất ven biển chua mặn, pha nhiều đất cát nên thuận lợi cho việc trồng
tỏi. Ngoài ra, địa hình cao hơn những nơi khác nên việc tiêu úng dễ dàng
hơn, nhất là với các loại cây rau màu nói chung khả năng chịu úng kém.
Nhiều
gia đình tại xã Thụy An lựa chọn cách trồng xen hành, tỏi để cho thu
nhập cao hơn và tận dụng được các điều kiện thuận lợi sản xuất. Từ đặc
điểm khí hậu, thổ nhưỡng đã chi phối nhiều đến chất lượng cây trồng. So
với những nơi khác, tỏi Thái Thụy có nét đặc trưng riêng như củ chắc,
tép tỏi đều từ 10 - 12 tép, dọc thân gần củ có màu tím tía. Đặc biệt,
tỏi Thái Thụy có vị cay, vị thơm đặc trưng.
Năng suất ngày càng
cao, diện tích gieo trồng được mở rộng song nông dân xã Thụy An nói
riêng và những vùng trồng tỏi tại huyện Thái Thụy nói chung vẫn luôn
thấp thỏm vì thị trường đầu ra không ổn định. Với nhiều năm gắn bó với
cây tỏi trên đồng đất quê hương, nông dân Mai Công Khải trăn trở, lâu
nay chủ yếu tỏi Thái Thụy được bán cho thương lái, giá cả bấp bênh, có
khi giá cao đầu mùa được mua với giá 13.000 đồng/kg song có khi lại chỉ
được 7.000 - 8.000 đồng/kg.
Hướng đi mới cho tỏi Thái Thụy
Để tháo gỡ khó khăn cho nông dân trồng
tỏi và theo quy luật phát triển hướng đến sản xuất lớn, quy mô hàng
hóa, Bộ Khoa học và Công nghệ đã đưa dự án “Tạo lập, quản lý và phát
triển nhãn hiệu tập thể “Tỏi Thái Thụy” vào danh mục thuộc Chương trình
hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2011 - 2015; trong đó Bộ
giao cho tỉnh Thái Bình quản lý dự án này. Dự án do Học viện Nông nghiệp
Việt Nam thực hiện qua thực tế khảo sát tại các địa phương của huyện
Thái Thụy.
Ông Nguyễn Đình Chung, Chủ tịch Hội nông dân huyện
Thái Thụy cho biết, việc xây dựng nhãn hiệu tập thể đối với tỏi Thái
Thụy có ý nghĩa rất quan trọng, đặc biệt trong việc tiêu thụ sản phẩm.
Có nhãn hiệu tập thể tức là được định danh với những hệ thống nhận diện
riêng và là một hình thức hiệu quả quảng bá sản phẩm, từ đó khẳng định
và nâng cao giá trị nông sản qua xác lập nhãn hiệu chung. Ngoài ra,
người tiêu dùng cũng dễ dàng nhận diện và phân biệt được tỏi Thái Thụy
so với những loại tỏi được trồng ở những vùng khác.
Ông Chung
cho biết thêm, sau 2 năm triển khai dự án tạo lập, quản lý và phát triển
nhãn hiệu tập thể, mới đây Hội Nông dân huyện Thái Thụy đã chính thức
được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận là chủ sở hữu với nhãn hiệu “Tỏi Thái
Thụy”. Thực hiện các hoạt động quản lý, kiểm soát việc sử dụng nhãn hiệu
chứng nhận, Hội nông dân huyện đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng
nhãn hiệu “Tỏi Thái Thụy” cho 29 hộ hội viên nông dân của 5 xã: Thái Đô,
Thái Nguyên, Thụy Tân, Thụy An và Thụy Dũng với thời hạn 3 năm. Với
việc xây dựng và đưa nông dân cùng tham gia sử dụng nhãn hiệu sẽ giúp
nông dân có trách nhiệm hơn với quy trình sản xuất của mình, từ đó giữ
gìn và quảng bá nhãn hiệu, tăng tính cạnh tranh của nông sản trên thị
trường hiện nay.
Việc xây dựng nhãn hiệu tập thể cho “Tỏi Thái
Thụy” là hướng đi đúng đắn của tỉnh Thái Bình trong việc áp dụng khoa
học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp và phù hợp quy luật chung. Đây là
bước đầu trong lộ trình phát triển nền nông nghiệp bền vững, hướng đến
sản xuất hàng hóa, cạnh tranh cao trong quá trình hội nhập kinh tế quốc
tế./.