TTXVN-VNA | 19-12-2016 | 13:48 |
Sự cố ô nhiễm môi trường biển gây thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân vùng biển tỉnh Quảng Trị. Thế nhưng k ể từ khi nhận được tiền đền bù, ngư dân tỉnh Quảng Trị
Tại xã Gio Hải, huyện Gio Linh, địa phương vùng bãi ngang ven biển chịu nhiều thiệt hại, các hộ dân có tàu thuyền, làm việc trên biển đang tích cực mua sắm, trang bị mới ngư lưới cụ, sửa chữa, gia cố lại tàu thuyền sau gần 8 tháng nằm bờ để tiếp tục vươn khơi.
Chủ thuyền Phan Quốc Tiến, ở đội 5, xã Gio Hải tâm sự: "Bọn tôi là con của biển, chỉ biết bám biển để sinh sống, chứ xa biển thì không biết làm gì. Nhận được gần 100 triệu đồng đền bù cho chủ tàu và con trai đi biển, chúng tôi đã dành một ít để trang trải khoản tiền vay mượn, số tiền còn lại tôi tiến hành mua thêm lưới để đánh cá trên tầng nổi và gia cố lại 2 con thuyền vì phơi nắng, phơi mưa gần 8 tháng nay đã bị hư hỏng nặng. Khó khăn nhất hiện nay của ngư dân là cá đánh vào bán được cũng chỉ bằng khoảng 1/3 so với giá bán trước thời gian biển bị ô nhiễm, chưa kể là lượng cá đánh được cũng bằng khoảng 1/4 so với trước đây. Còn chuyển đổi nghề sang chăn nuôi, trồng trọt, thì không có đất, không biết nuôi con gì, trồng cây gì..."
Trước những khó khăn của người dân vùng biển, chính quyền các cấp đã triển khai các hoạt động hỗ trợ, hướng dẫn người dân khôi phục sản xuất, mở rộng sang các ngành nghề khác như: mô hình chăn nuôi trồng trọt trang trại, gia trại; chuyển đổi các loại cơ cấu cây trồng tại các vùng bãi ngang nhằm nâng cao thu nhập cho người dân vùng biển; mở các ngành nghề kinh doanh, dịch vụ... Mặt khác, vay vốn các gói ưu đãi để đầu tư thuyền lớn vươn khơi bám biển cũng như mở rộng các dịch vụ hậu cần nghề cá xa bờ. Mặt khác, để số tiền được sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích thì các cán bộ địa phương đã đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc hỗ trợ khoa học-kĩ thuật, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn kịp thời cho người dân.
Anh Dương Văn Long, Trưởng thôn Hà Tây, bãi ngang ven biển xã Triệu An, huyện Triệu Phong cho biết, ngư dân sau khi nhận được tiền đền bù đều nghiêm chỉnh sử dụng vào khôi phục sản xuất phát triển kinh tế, ổn định lại đời sống. Nhà có đất rộng thì trồng trọt, chăn nuôi gia cầm, gia súc, cải tạo ao hồ lâu nay để hoang hóa thả cá nuôi… để vực dậy kinh tế gia đình. Thật sự đời sống của người dân sau sự cố môi trường rất khó khăn, bởi trước khi biển bị ô nhiễm, bình quân mỗi chủ tàu cũng kiếm được khoảng 700.000 - 1.000.000 đồng/ngày, từ 300.000 - 400.000 đồng/lao động/ngày mà giờ thì khó khăn lắm cũng chỉ kiếm được 1/3 so với trước nên rất cần sự quan tâm hỗ trợ của các cấp chính quyền.
Theo thống kê của UBND tỉnh Quảng Trị, sự cố môi trường biển do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Gang thép Hưng nghiệp Formosa gây ra đã làm thiệt hại hệ sinh thái, nguồn lợi thủy sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân vùng ven biển tỉnh Quảng Trị. Khoảng 8.000 hộ dân và hơn 2.650 phương tiện đánh bắt bị ảnh hưởng. Tổng sản lượng thủy sản năm 2016 giảm hơn 38%, lượng khách du lịch đến Quảng Trị giảm 29% so với năm 2015, kéo theo tổng doanh thu từ du lịch giảm mạnh. Vì vậy, hiện nay việc khôi phục lại sản xuất, chuyển đổi sinh kế, tạo việc làm cho người dân trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Chính vì vậy, số tiền chi trả đền bù sẽ phần nào hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn trước mắt, đầu tư phát triển sản xuất theo hướng mới.
Trao đổi với ông Hồ Xuân Thùy, Phó Chủ tịch UNBD xã Gio Hải về tình hình hoạt động giúp dân phát triển kinh tế, ổn định lại đời sống sau sự cố ô nhiễm môi trường biển, ông cho biết, toàn xã Gio Hải có 312 ngư dân lao động trên 164 thuyền đánh bắt bãi ngang và 10 thuyền đánh bắt xa bờ được bồi thường trong đợt 1 với tổng số tiền gần 16, 4 tỷ đồng. Ngay sau khi xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường biển, các cấp chính quyền, hội đoàn thể xã Gio Hải đã tập trung hướng dẫn, động viên người dân chuyển đổi phát triển kinh tế bằng các mô hình chăn nuôi - trồng trọt.
Hiện nay, xã Gio Hải đã quy hoạch một khu cát hoang hóa rộng 73 ha và đang đề nghị huyện hỗ trợ đầu tư hệ thống giao thông, điện và nước để các hộ dân lập trang trại, phát triển kinh tế. Khi chuyển đổi các mô hình, các hộ dân sẽ được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, tập huấn các tiến bộ khoa học-kỹ thuật để nâng cao hiệu quả kinh tế. Mặc dù chưa đưa vào sử dụng, nhưng hiện nay đã có nhiều hộ dân trong xã đăng ký chuyển đổi mô hình tại khu quy hoạch...
Hiện nay hầu như các hộ ngư dân ở 16 xã bãi ngang ven biển ở 4 huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong và Hải Lăng của tỉnh Quảng Trị đang đẩy mạnh phát triển các mô hình phát triển kinh tế truyền thống: khai thác, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi, trồng trọt,…
Trong đợt đền bù đầu tiên sau thiệt hại do sự cố môi trường biển, tỉnh Quảng Trị có 1.979 chủ tàu được đền bù hơn 141,4 tỷ đồng; 1.579 lao động trên tàu được đền bù hơn 61,4 tỷ đồng. Để đảm bảo cho người dân ổn định cuộc sống, chính quyền các cấp đã tăng cường bám sát, hướng dẫn khôi phục sản xuất, ổn định lại cuộc sống, tránh tình trạng các hộ dân sử dụng tiền đền bù sai mục đích. Bên cạnh dó, các cấp sở, ban ngành và hội đoàn thể cũng đã quan tâm động viên, định hướng cho người dân triển khai có hiệu quả các mô hình sản xuất - kinh doanh phát triển kinh tế sau khi nhận tiền đền bù.
Trịnh Bang Nhiệm - Trang Nhung