TTXVN-VNA | 24-12-2016 | 23:10 |
Các tư liệu theo công nghệ 3D trong Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” giúp người xem có cái nhìn tổng quan và có cơ hội tương tác vào từng tư liệu, hiện vật về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Cách tiếp cận mới
Từ tháng 11/2016, tại các cuộc triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”, lần đầu tiên, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã thí điểm mở khu trưng bày triển lãm số bằng công nghệ thực tại ảo 3D (VR3D), giúp khách tham quan trực tiếp trải nghiệm, tìm hiểu sâu về sa bàn hệ thống của đảo Trường Sa, cùng một số tư liệu hiện vật khác.
Tất cả tư liệu, hình ảnh, bản đồ, các hiện vật trong triển lãm như bia chủ quyền, tượng đài Hải đội Hoàng Sa, tàu Hải đội Hoàng Sa, mảnh tàu cảnh sát biển, áo phao cứu sinh, tàu hải quân, tàu cảnh sát biển… đều được số hóa dưới dạng mô hình 3D, và trình chiếu trên màn hình lớn.
Mỗi tư liệu có một nội dung thuyết minh riêng, phục vụ mục đích tự tham quan tra cứu của người xem. Phần lời giới thiệu của thuyết minh viên cũng được tích hợp thành kịch bản trình diễn tự động, cho phép triển khai triển lãm số ngay cả khi không có thuyết minh viên.
Trong các triển lãm số này, có thêm phần tích hợp sa bàn số 3D về hệ thống các đảo, thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Công chúng được tương tác trực tiếp, tìm hiểu thông tin chi tiết về từng đảo. Chỉ trong khoảng 10 giờ đồng hồ (trong 2 ngày trưng bày) tại Vĩnh Long, hệ thống sa bàn này đã thu hút được gần 3.000 lượt truy cập đến các tư liệu số về các đảo, đá thuộc quần đảo Trường Sa.
Theo ông Cao Minh Thắng, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ TT&TT (Học viện Bưu chính Viễn thông), việc triển khai thực hiện triển lãm số không chỉ tạo cảm giác hấp dẫn, lôi cuốn công chúng, mà còn đưa các triển lãm về Hoàng Sa, Trường Sa của Bộ TT&TT vươn tới tuyến phường xã, các trường học, công sở, các điểm công cộng, thậm chí là trên màn hình của các chuyến bay. Về lâu dài, triển lãm số này có thể cài đặt trên các wesite hoặc các cơ quan quản lý nhà nước. Cũng có thể tích hợp đa ngôn ngữ trong thuyết minh, phục vụ cho các triển lãm ở nước ngoài, hoặc các đối tượng người nước ngoài ở Việt Nam.
Việc áp dụng triển lãm số cũng cho phép trưng bày các hiện vật, mà vốn dĩ trên thực địa khó thực hiện được, như các mô hình, hiện vật lớn, không dễ dàng tái hiện, vận chuyển… Đặc biệt, với khả năng triển khai mọi lúc mọi nơi, trên mọi nền tảng thiết bị, thông tin về biển đảo sẽ được tuyên truyền sâu rộng tới mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, vốn rất ưa chuộng hình thức truyền thông hiện đại.
Nâng cao nhận thức về chủ quyền biển đảo
Tính đến tháng 11/2016, Bộ TT&TT đã thực hiện được trên 70 cuộc triển lãm trưng bày bản đồ, tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” trên toàn quốc, thu hút hơn nửa triệu lượt người đến tham quan, tìm hiểu.
Các tư liệu trưng bày ở cuộc triển lãm này là một phần những bằng chứng lịch sử và pháp lý thu thập được ở trong nước, và từ các nước trên thế giới, trong đó có cả từ Trung Quốc, góp phần minh chứng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa - phần lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời của Việt Nam, đã được các thế hệ người Việt khai phá, được các nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ quản lý, bảo vệ và khẳng định chủ quyền một cách liên tục và hòa bình trong suốt nhiều thế kỷ qua.
Đánh giá về hiệu quả của chuỗi triển lãm về "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý", ông Đoàn Công Huynh, Vụ trưởng Vụ Thông tin cơ sở (Bộ TT&TT) cho biết, đây là chuỗi chiến dịch quy mô, sâu rộng mà Bộ TT&TT triển khai trên các địa bàn, đến mọi tầng lớp dân cư, từ trong đến ngoài nước... Giai đoạn 2016 - 2020, Vụ Thông tin cơ sở (Bộ TT&TT) đã đưa ra nhiều hoạt động và sáng kiến đổi mới, nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền. Trong đó, sáng kiến về việc áp dụng công nghệ thực tế ảo 3D vào trưng bày là một trong những sáng kiến rất hữu ích.
Ông Đoàn Công Huynh cho biết, trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục phát triển và triển khai triển lãm số theo hướng tăng cường hướng dẫn và bàn giao triển lãm số, để các địa phương chủ động trong công tác tuyên truyền. Bổ sung các phần đặc thù riêng của địa phương và tích hợp thành một phiên bản triển lãm số dành riêng cho công tác tuyên truyền biển, đảo của từng địa phương.
Phát triển bổ sung tính năng cho phép tự động thu thập các phản hồi của công chúng về triển lãm số bên cạnh các thống kê về số lượng truy cập. Bộ cũng sẽ phát triển bổsung tính năng đánh giá hiệu quả nắm bắt thông tin của công chúng khi sử dụng triển lãm số (thông qua các bảng hỏi, trắc nghiệm, trò chơi…), lấy đó làm cơ sở thống kê và đánh giá hiệu quả của triển lãm nói chung, triển lãm số nói riêng trong hoạt động tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo Việt Nam.