BIỂN ĐÔNG

“Tổ quốc nhìn từ biển”

TTXVN-VNA | 24-12-2016 | 16:06 |

Sân khấu chương trình tại đầu cầu đảo Lý Sơn.

Nhà báo Diễm Quỳnh - Phó Trưởng Ban Thanh thiếu niên VTV6, người trực tiếp tham gia từ khâu kịch bản chương trình “Tổ quốc nhìn từ biển”, cũng là MC tại điểm cầu Công viên Biển Đông (TP Đà Nẵng), đã có trao đổi với báo Tin Tức về chương trình ý nghĩa này.

 

"Tổ quốc nhìn từ biển” có thể nói là chương trình trọng điểm của Đài Truyền hình Việt Nam trong Tuần lễ biển đảo, vậy VTV6 đã chuẩn bị cho chương trình này thế nào, thưa chị?

 

VTV6 bắt đầu chuẩn bị cho Cầu truyền hình “Tổ quốc nhìn từ biển” từ khoảng tháng 3 năm nay. Lúc đầu, chúng tôi xây dựng kịch bản theo hướng miêu tả chân dung của các chiến sĩ hải quân trong thời bình, cuộc sống của người dân trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Tuy nhiên, vào ngày 1/5, với sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, thì hướng kịch bản đã thay đổi hoàn toàn. Chúng tôi muốn thực hiện một đêm gala lớn nói về biển đảo nói chung.

 

Nhà báo Diễm Quỳnh (thứ hai, từ phải sang) trong chuyến công tác Trường Sa năm 2013.

Để thu thập tư liệu và thực hiện phóng sự cho chương trình, VTV6 đã cử các phóng viên tác nghiệp tại nhiều địa phương trên khắp cả nước, từ điểm địa đầu Lũng Cú, tới đảo cực Tây Nam và cả hai điểm nóng Hoàng Sa, Trường Sa.

 

Vậy điểm nổi bật nhất của Cầu truyền hình này là gì?

 

Cầu truyền hình “Tổ quốc nhìn từ biển” sẽ được truyền hình trực tiếp vào 20 giờ ngày 8/6, tức là 38 ngày sau khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan, chính vì vậy chương trình mong muốn mang đến cho khán giả cái nhìn tổng quát về cuộc đấu tranh của chúng ta trong suốt hơn 1 tháng qua, song song với đó sẽ là những câu chuyện mà mỗi người dân Việt Nam đều đang nghĩ về. Qua đó, chúng tôi muốn gửi đi một thông điệp: Đất nước Việt Nam có hình hài ra sao, tất cả nằm trong tay những người con dân đất Việt. Những thế hệ đi trước, những thế hệ đi sau, lớp lớp trùng trùng, có những người ngã xuống, nhưng vẫn luôn có những người tiếp bước, gìn giữ một Việt Nam hùng cường.

 

Trong những ngày cả nước đang hướng về Biển Đông, chương trình sẽ đi tìm câu trả lời về tình yêu Tổ quốc. Đó là hành trình vượt cả thời gian, không gian từ nơi địa đầu Hà Giang, đến nơi cực Tây Nam của Tổ quốc; từ thời văn hóa Sa Huỳnh sang nửa đầu thế kỷ 17, Chúa Nguyễn tổ chức Hải đội Hoàng Sa ra quần đảo Hoàng Sa cho đến ngày hôm nay. Những câu chuyện, những nhân vật trong chương trình sẽ góp phần khẳng định mỗi người dân là một "cột mốc" sống khẳng định chủ quyền đất nước. Ở điểm cầu Lý Sơn, cuộc trò chuyện chân thực với người dân nơi đây sẽ khắc họa rõ nét lẽ sống của những con người gửi thân nơi sóng và can trường nhờ sóng. Đảm nhiệm vai trò MC tại điểm cầu này là Biên tập viên Quốc Lê - người đã từng có mặt tại khu vực quần đảo Hoàng Sa trong những ngày đầu Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương - 981 vào Biển Đông.

 

Còn tại điểm cầu Công viên Biển Đông (Đà Nẵng), thông qua câu chuyện của nhiều nhân chứng lịch sử, thông điệp về quyết tâm bảo vệ chủ quyền đất nước sẽ được truyền tới mỗi người trẻ Việt Nam hôm nay. Đặc biệt, “Cuộc chiến tháng Ba” với chuyện kể về “vòng tròn Bất tử” năm 1988 trên đảo Gạc Ma sẽ lần đầu được tái hiện qua những tư liệu quý. Tôi sẽ đảm nhiệm vai trò MC tại điểm cầu này.

 

Nhận nhiệm vụ thực hiện “Tổ quốc nhìn từ biển” vào đúng thời điểm vấn đề chủ quyền đang rất nóng, vậy ê kíp VTV6 có những nỗ lực như thế nào để thực hiện?

 

VTV6 và cá nhân tôi đều đã từng thực hiện nhiều chương trình lớn. Nhưng “Tổ quốc nhìn từ biển” còn có cả một nhiệm vụ chính trị nặng nề trên vai. Vào thời điểm này, khi vấn đề chủ quyền biển đảo đang được đặc biệt quan tâm thì chúng tôi tự xác định chương trình còn phải góp được tiếng nói mạnh mẽ của Đài Truyền hình Việt Nam cùng cả nước trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền.

 

Với cá nhân tôi, xem và đọc những tin tức, phóng sự mà các đồng nghiệp không quản ngại lao vào vùng nóng thực hiện là một sức ép không hề nhỏ. Nhưng tôi tự nhủ sức ép đó sẽ là động lực để tôi cố gắng hơn, làm một chương trình tốt, đáng xem và đáng giá.

 

Câu hỏi cuối cùng, vì sao VTV6 lại chọn 2 điểm cầu là thành phố Đà Nẵng và huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi)?

 

Câu trả lời thực ra rất đơn giản. Quần đảo Hoàng Sa vốn là một đơn vị hành chính của thành phố Đà Nẵng. Nơi sẽ diễn ra một điểm cầu truyền hình - Công viên Biển Đông, hướng thẳng tầm nhìn ra quần đảo Hoàng Sa, hợp cùng tuyến đường Hoàng Sa, Trường Sa chạy dọc ven bãi biển như góp thêm một dấu ấn mạnh mẽ trong việc khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

 

Điểm cầu thứ hai VTV6 chọn để thực hiện Cầu truyền hình “Tổ quốc nhìn từ biển” là huyện đảo Lý Sơn thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Đây là điểm gần với quần đảo Hoàng Sa nhất (cách 119 hải lý, tương đương khoảng 220 km), là địa phương có nhiều ngư dân bám biển khu vực quần đảo Hoàng Sa nhất, là nơi có bao ngôi mộ gió của những người trong đội Hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa bỏ mình nơi biển cả năm xưa...

 

Xin trân trọng cảm ơn chị!

 

D.H (thực hiện)

Tin mới nhất

Khám phá chuỗi “đảo ngọc” Cát Bà

Với tổng diện tích 336km2, Cát Bà hiện là quần đảo đá vôi lớn nhất Việt Nam với 388 hòn đảo lớn nhỏ, mật độ núi đá vôi dày đặc chia cắt mặt nước biển thành những áng, vịnh nhỏ, với nhiều bãi cát còn n

Ông Lý Hiển Long và ông Duterte bàn chuyện Biển Đông

Ngày 15/12, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã tiếp đón Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đang ở thăm.

Ông Obama tiết lộ chuyện Trung Quốc phản ứng mạnh hơn vấn đề Biển Đông

Ngày 16/12, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng Tổng thống đắc cử Donald Trump hoàn toàn có thể xem xét lại chính sách "một Trung Quốc" đối với Đài Loan,