TTXVN-VNA | 27-12-2016 | 12:22 |
Hà Nội (TTXVN 27/12)--
Trang tin "National Interest" (Mỹ) mới đây có bài viết của tác giả Karyn Wang, nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành khoa học chính trị thuộc Đại học Hopkins (Mỹ), trong đó nhấn mạnh Trung Quốc đã thể hiện rõ quyết tâm cải tạo các rạn san hô, bãi ngầm và các thực thể thành tiền đồn quân sự trên Biển Đông, đe dọa nghiêm trọng an ninh của châu Á.
Hình ảnh vệ tinh mới nhất từ một dự án giám sát dài hạn mang tên "Sáng kiến minh bạch hàng hải khu vực châu Á" (AMTI) cho thấy Trung Quốc đã lắp đặt tên lửa và hệ thống phòng thủ tầm gần để phát hiện và chặn các cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình tầm ngắn dọc theo đường vòng cung phía Nam của Biển Đông. Theo tác giả bài viết nói trên, những cơ sở hạ tầng bổ sung này đã giúp nâng cao khả năng chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) của Trung Quốc và là những hoạt động quân sự mới nhất của Bắc Kinh ở quần đảo Trường Sa.
Đầu năm 2014, các tàu Trung Quốc bắt đầu hoạt động nạo vét cát để cải tạo những đá chìm và rạn đá thành các hòn đảo nhân tạo và nhiều cơ sở hạ tầng như doanh trại, hải đăng, kho chứa nhiên liệu, kho đạn dược và đường băng quân sự. Việc thiết lập kiểm soát vùng biển và vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) cho thấy ý định xây dựng phòng thủ nghiêm ngặt của Trung Quốc.
Năm 2013, Trung Quốc tuyên bố quyền giám sát và triển khai máy bay đánh chặn trên biển Hoa Đông xung quanh quần đảo tranh chấp với Nhật Bản mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư trong khi Tokyo gọi là Senkaku. Nhật Bản không coi A2/AD chỉ là để phòng thủ và lên án động thái này của Trung Quốc là "đơn phương" và "không thể chấp nhận được". Mỹ cũng phản đối động thái của Trung Quốc bằng cách cho máy bay chiến đấu bay qua vùng trời này để nhấn mạnh sự cần thiết của tự do hàng hải.
Trong khi đó, tờ International Business Times (Mỹ) số ra ngày 25/12 đưa tin giới chức quân sự Mỹ cho rằng Trung Quốc có thể đang chuẩn bị chuyển "hàng trăm" tên lửa đất đối không CSA-6b và HQ-9 từ tỉnh đảo Hải Nam tới các đảo nhân tạo tranh chấp trên Biển Đông trong những tháng tới.
Trước đó hôm 24/12, hai quan chức Mỹ phát biểu trên kênh truyền hình Fox News nhận định rằng các tên lửa mà hình ảnh vệ tinh tình báo Mỹ chụp được ở Hải Nam sẽ chỉ được triển khai tạm thời tại đây và chính quyền Bắc Kinh có thể bắt đầu di chuyển những tên lửa này vào đầu năm 2017, theo ý định mà Trung Quốc từng bày tỏ là để bảo vệ 3 đường băng trên 3 đảo nhân tạo tranh chấp ở Biển Đông.
Một trong số các quan chức quân sự Mỹ nói rằng số lượng tên lửa đất đối không ở Hải Nam có thể lên tới 500 tên lửa.
Trung Quốc được cho là đã triển khai các tên lửa đất đối không tới đảo Phú Lâm ở Biển Đông hồi đầu năm 2016, tuy nhiên Bắc Kinh chưa triển khai tên lửa tới 7 đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa./.