BIỂN ĐÔNG

Trung Quốc thu giữ một thiết bị lặn của Mỹ - Vụ việc đầu tiên trong lịch sử hiện đại

TTXVN-VNA | 27-12-2016 | 12:14 |

Hà Nội (TTXVN 27/12)--

          Hải quân Trung Quốc đã thu giữ một thiết bị lặn của Hải quân Mỹ tại khu vực cách bờ biển Philippines chỉ khoảng 50 hải lý vào ngày 15/12. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại xảy ra một vụ việc như vậy. Ngày 20/12, Bộ Quốc phòng Trung Quốc thông báo nước này đã trả lại một thiết bị lặn không người lái (UUV) cho Mỹ sau một loạt các cuộc trao đổi hữu nghị. Cùng ngày, Thư ký Báo chí Lầu Năm Góc Peter Cook xác nhận nước này đã nhận lại một UUV từ Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Trung Quốc trước đó trao đổi với hãng tin Reuters rằng hai nước đã dùng các kênh liên lạc quân sự để “giải quyết hợp lý vấn đề này”.

          Hải quân Trung Quốc đã tiến hành trao trả UUV cho Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ gần địa điểm mà họ vớt được UUV. Đây là một trong số gần 130 thiết bị lặn mà Hải quân Mỹ dùng để thu thập các dữ liệu hải dương học, trong đó có nhiệt độ và độ sâu của các vùng biển liên quan.

          Quan chức của cả Bắc Kinh và Washington đã có những cuộc trao đổi khá căng thẳng về vụ việc này trong suốt tuần qua. Trao đổi với báo giới, ông Cook cho biết “vụ việc này mâu thuẫn với luật pháp quốc tế và tiêu chuẩn chuyên nghiệp về hoạt động của các lực lượng hải quân trên biển”. Thông cáo báo chí của Lầu Năm Góc nhấn mạnh thiết bị lặn bị Trung Quốc thu giữ là “một thiết bị thuộc quyền sở hữu của Hải quân Mỹ, dùng để tiến hành các hoạt động thông thường tại vùng biển quốc tế ở Biển Đông và hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế”.

          Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã đưa ra các tuyên bố trái ngược với thông báo của Lầu Năm Góc, theo đó khẳng định rằng Hải quân Trung Quốc đơn giản chỉ phát hiện một “thiết bị không xác định” và tiến hành trục vớt để đảm bảo an toàn hàng hải. Người phát ngôn của Bộ này cáo buộc Washington đơn phương kích động vấn đề theo hướng “không có lợi cho việc tìm kiếm một giải pháp đơn giản cho vấn đề”.

          Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump cũng đã có những phát biểu liên quan đến vấn đề này. Ngày 17/12, ông viết trên trang Twitter cá nhân: “Trung Quốc đã đánh cắp thiết bị nghiên cứu của Hải quân Mỹ đang hoạt động ở vùng biển quốc tế - trục vớt nó và cố tình đem về Trung Quốc”. Giới chức Trung Quốc nhanh chóng phủ nhận cáo buộc này. Một vài giờ sau đó, ông Trump lại tiếp tục viết: “Chúng ta phải nói với Trung Quốc rằng chúng ta không muốn lấy lại thiết bị lặn mà họ đã đánh cắp, hãy cứ để họ giữ nó”. Bắc Kinh sau đó không đưa ra thêm bất kỳ bình luận nào.

          Một tuần sau vụ việc, nhiều câu hỏi vẫn chưa có lời giải đáp. Thứ nhất, hiện vẫn chưa rõ liệu giới chức Trung Quốc có cân nhắc cơ sở pháp lý của việc thu giữ thiết bị này hay không. Hầu hết các băn khoăn là xuất phát từ các tuyên bố mâu thuẫn nhau từ phía Trung Quốc về vùng biển mà họ vớt được thiết bị nói trên. Trong một tuyên bố, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho rằng vụ việc diễn ra tại “vùng biển chủ quyền của Trung Quốc”. Trong khi đó, một bài xã luận trên trang nhất của tờ “Nhân dân Nhật báo” lại nói rằng đó là “vùng tài phán” của nước này.

          Ba cộng tác viên của trang mạng “Lawfare” kết luận rằng vụ thu giữ thiết bị lặn này hoàn toàn không phù hợp với luật hàng hải quốc tế. Chuyên gia Julian Ku cho rằng “việc Trung Quốc thu giữ một thiết bị thuộc về một quốc gia khác đã vi phạm mọi lý thuyết của luật pháp quốc tế”. Hai chuyên gia James Kraska và Pete Pedrozo thì cho rằng vụ việc vi phạm chủ quyền của Mỹ và tự do hàng hải nói chung.

          Câu hỏi thứ hai mà nhiều người đang đặt ra là cấp thẩm quyền đã ra lệnh thu giữ thiết bị này. Lầu Năm Góc vẫn đang điều tra xem liệu các binh sỹ trên tàu hải quân Trung Quốc tự ý trục vớt thiết bị hay giới chức cấp cao của Bắc Kinh đã đưa ra quyết định này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã chỉ trích việc nhiều người đang “quan trọng hóa” vấn đề khi đặt câu hỏi rằng đây là việc làm “vô tình hay có chủ đích và nhận lệnh từ trên”.

          Đây là vụ việc đầu tiên kiểu này giữa Mỹ và Trung Quốc trong những năm gần đây. Giới quan sát cho rằng vụ việc có thể khiến quan hệ giữa hai nước càng thêm căng thẳng. Vụ việc diễn ra trong bối cảnh Tổng thống đắc cử Donald Trump mới đây tuyên bố trên trang mạng cá nhân rằng ông sẽ cứng rắn với những hành động quân sự hóa trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông./.

Tin mới nhất

Khám phá chuỗi “đảo ngọc” Cát Bà

Với tổng diện tích 336km2, Cát Bà hiện là quần đảo đá vôi lớn nhất Việt Nam với 388 hòn đảo lớn nhỏ, mật độ núi đá vôi dày đặc chia cắt mặt nước biển thành những áng, vịnh nhỏ, với nhiều bãi cát còn n

Ông Lý Hiển Long và ông Duterte bàn chuyện Biển Đông

Ngày 15/12, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã tiếp đón Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đang ở thăm.

Ông Obama tiết lộ chuyện Trung Quốc phản ứng mạnh hơn vấn đề Biển Đông

Ngày 16/12, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng Tổng thống đắc cử Donald Trump hoàn toàn có thể xem xét lại chính sách "một Trung Quốc" đối với Đài Loan,