TTXVN-VNA | 15-12-2016 | 15:09 |
Chuyên gia Aleksey Fenenko, giảng viên Đại học Tổng hợp quốc gia Moskva, khẳng định, bản chất tuyên bố của Tổng thống Putin đưa ra tại Hàng Châu, Trung Quốc, hoàn toàn không có ý phản đối phán quyết của Tòa Trọng tài tại La Haye.
Thời gian qua, trên một số phương tiện thông tin đại chúng quốc tế xuất hiện nhiều thông tin, bao gồm việc dẫn lời các quan chức cấp cao của Nga nói rằng Moskva ủng hộ Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Phải chăng lập trường của Nga về vấn đề này đã thay đổi?
Để rộng đường dư luận, phóng viên TTXVN thường trú tại Moskva đã có cuộc trao đổi với chuyên gia Aleksey Fenenko - Nhà khoa học cao cấp Viện các vấn đề an ninh quốc tế thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, Giảng viên cao cấp Khoa chính trị thế giới - Trường Đại học tổng hợp quốc gia Moskva mang tên Lomonosov (MGU) xung quanh vấn đề này.
Phóng viên: Thưa ông Aleksey Fenenko, trong thời gian qua xuất hiện nhiều thông tin nói rằng Nga ủng hộ Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Vậy theo ông, phải chăng lập trường của Nga về vấn đề này đã thay đổi?
Chuyên gia Aleksey Fenenko: Không. Từ trước tới nay, Nga vẫn giữ nguyên lập trường ủng hộ việc tất cả các quốc gia liên quan tới những tranh cãi lãnh thổ trong khu vực phải nghiêm túc tuân thủ nguyên tắc không sử dụng vũ lực, tiếp tục tìm kiếm giải pháp chính trị-ngoại giao cho các vấn đề hiện nay trên cơ sở luật pháp quốc tế, trước hết là Công ước Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS) năm 1982, trên tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà ASEAN và Trung Quốc đạt được năm 2002, cũng như những thỏa thuận vào tháng 7/2011 giữa các nhà lãnh đạo về việc thực thi Tuyên bố năm 2002. Nga không nghiêng về ủng hộ bên này hoặc bên kia.
Điều này cũng dễ hiểu, bởi vì Nga có mối quan hệ hữu nghị, truyền thống rất tốt đẹp với Việt Nam. Moskva cũng đang nỗ lực xây dựng mối quan hệ tích cực với Philippines và Brunei. Tuy nhiên, Nga cũng đã ký một hiệp ước lớn với Trung Quốc vào năm 2001 (Hiệp ước láng giềng thân thiện, hữu nghị và hợp tác), trong đó có điều khoản Nga và Trung Quốc có nghĩa vụ hành xử với nhau như những quốc gia liên minh thân cận. Đây không phải là liên minh quân sự, mà đơn thuần chỉ là đồng minh thân cận.
Phóng viên: Vậy ông đánh giá như thế nào về tuyên bố mới đây của Tổng thống Nga Vladimir Putin ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong vụ kiện Biển Đông, đồng thời phản đối các nước bên ngoài khu vực can thiệp vào vấn đề Biển Đông?
Chuyên gia Aleksey Fenenko: Bản chất tuyên bố của Tổng thống Putin đưa ra tại cuộc họp báo ngày 6/9 tổng kết Hội nghị thượng đỉnh G20 ở thành phố Hàng Châu, Trung Quốc, hoàn toàn không có ý phản đối phán quyết (ngày 12/7/2016) của Tòa Trọng tài ở La Haye (Hà Lan). Tổng thống Putin không công nhận phán quyết của Tòa án vì trong một phiên tòa cần có sự tham gia của cả hai bên. Trung Quốc không tham gia vào phiên tòa này và đã không thể bảo vệ lập trường của nước mình theo đúng qui trình tố tụng. Điều này không đồng nghĩa với việc Nga ủng hộ lập trường của Trung Quốc về Biển Đông.
Hơn nữa, trong bối cảnh hiện nay khi Nga đang bị phương Tây trừng phạt liên quan đến cuộc khủng hoảng tại Ukraine dẫn đến Moskva sáp nhập bán đảo Crimea thì nhiệm vụ quan trọng nhất của ông Putin là không được làm hỏng quan hệ liên minh với Trung Quốc. Mặc dù vậy, đến nay Moskva vẫn giữ vững được lập trường của mình trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông, trong khi vẫn không ngừng củng cố và phát triển quan hệ với Bắc Kinh.
Phóng viên:Ông dự báo như thế nào về tranh chấp trên Biển Đông trong thời gian tới?
Chuyên gia Aleksey Fenenko: Như anh đã biết, Philippines theo đuổi vụ kiện Trung Quốc từ năm 2013 sau khi cáo buộc Bắc Kinh vi phạm UNCLOS. Vừa qua, Tòa Trọng tài đã ra phán quyết phủ nhận cái gọi là “quyền lịch sử” của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng nghĩa không công nhận "đường 9 đoạn" và các đảo nhân tạo mà nước này cải tạo trái phép ở vùng đặc quyền kinh tế Philippines. Thế nhưng, giờ đây lập trường của Chính quyền Manila lại đang thay đổi. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte không ngần ngại sử dụng những ngôn từ mạnh mẽ để "mạt sát" Mỹ, một đồng mình chủ lốt lâu năm của Manila, trong khi lại thay đổi giọng điệu với Trung Quốc. Vì thế, diễn biến tranh chấp trên Biển Đông trong thời gian tới phụ thuộc không nhỏ vào lập trường của Philippines.
Vâng, xin cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!